1. Thế nào là viêm dây thần kinh tiền đình?
Ở tai trong, dây thần kinh tiền đình có nhiệm vụ gửi tín hiệu đến não giúp cơ thể giữ thăng bằng. Khi dây thần kinh tiền đình bị viêm, thông tin không thể truyền đến não đúng cách và làm người bệnh cảm thấy chóng mặt, choáng váng và buồn nôn.
Bệnh thường cải thiện sau một vài tuần nhưng cũng có các trường hợp các triệu chứng bệnh có thể mất khoảng 3 tuần để thuyên giảm.
Chóng mặt là biểu hiện của viêm dây thần kinh tiền đình.
2. Vì sao bị viêm dây thần kinh tiền đình?
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh tiền đình: do nhiễm virus, nhiễm vi khuẩn...
- Do người bệnh bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai gây viêm dây thần kinh mê nhĩ: bệnh có dấu hiệu chóng mặt và ù tai diễn biến thành từng đợt. Xét nghiệm máu là giang mai dương tính; xét nghiệm dịch não tủy thấy protein tăng và tế bào.
- Do bị viêm màng não: bệnh nhân được chẩn đoán là viêm màng não do lao hoặc viêm màng não do não mô cầu: Khi đó bệnh nhân xuất hiện hội chứng chóng mặt, ù tai...
- Do virus: virus cúm, quai bị, zona... gây viêm dây thần kinh VIII.
- Do một số chất gây độc: thuốc lá, chì, rượu, oxyt cacbon, ma túy... làm hủy hoại dây thần kinh tiền đình.
3. Biểu hiện viêm dây thần kinh tiền đình
- Vì thần kinh tiền đình đảm nhận vai trò giữ thăng bằng cho cơ thể nên khi bị bệnh người bệnh có những triệu chứng: Mất thăng bằng; Đột ngột chóng mặt dữ dội, có cảm giác chao đảo, quay tròn; Buồn nôn, nôn; Khó nhìn; Khó tập trung…
- Thông thường viêm thần kinh tiền đình và ốc tai thường liên quan với nhau. Viêm dây thần kinh tiền đình là tổn thương một nhánh của thần kinh tiền đình ốc tai nên ảnh hưởng đến khả năng nghe của bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ có thêm dấu hiệu ù tai hoặc mất thính giác.
Những triệu chứng nặng nhất như chóng mặt trầm trọng chỉ kéo dài vài ngày và sau đó, các triệu chứng thuyên giảm dần. Đa phần bệnh nhân hồi phục chậm nhưng khỏi hoàn toàn sau vài tuần. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thể sẽ mất thăng bằng và chóng mặt trong vài tháng.
Các triệu chứng có thể có xu hướng xấu khi người bệnh di chuyển. Viêm dây thần kinh tiền đình có thể cấp tính hoặc mãn tính. Nếu cấp tính, các triệu chứng xuất hiện đột ngột (khi người bệnh mới thức dậy).
4. Chẩn đoán viêm dây thần kinh tiền đình
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng có thể gây ra chóng mặt: đột quỵ và các tình trạng thần kinh khác thông qua chụp MRI hoặc yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số chuyển động nhất định.
Sau đó bác sĩ có thể kiểm tra thính giác của bệnh nhân để xác định dây thần kinh nào bị ảnh hưởng.
5. Điều trị viêm dây thần kinh tiền đình có khó?
Đối với những bệnh viêm dây thần kinh tiền đình do nhiễm trùng bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus để điều trị nhiễm trùng.
Hiện không có điều trị tiêu chuẩn cho bệnh viêm dây thần kinh tiền đình, nhưng có một số cách có thể giúp giảm các triệu chứng bệnh:
- Một số loại thuốc có thể điều trị chóng mặt và buồn nôn như: Diphenhydramine, Meclizine, Lorazepam…
- Nếu bệnh nhân nôn và mất nước bác sĩ có thể đề nghị truyền dịch.
- Nếu trong các trường hợp các triệu chứng bệnh tiến triển tốt hơn sau vài tuần, bệnh nhân có thể cần được điều trị phục hồi chức năng tiền đình. Bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các động tác nhẹ nhàng: các bài tập Brandt-Daroff để giúp bộ não điều chỉnh các thay đổi để cơ thể giữ cân bằng.
Khi mới tập hoặc tập lần đầu các bài tập này, bệnh nhân có thể cảm thấy như các triệu chứng đang trở nên nặng hơn, nhưng an tâm đó là điều hết sức bình thường.
6. Ăn uống giúp kiểm soát bệnh
Nên uống đủ nước và vận động nhẹ nhàng để phòng bệnh.
Để giảm các triệu chứng viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh nhân cần: Tránh thực phẩm và đồ uống có chứa nhiều muối hoặc đường; Tránh nicotin; Nên bổ sung đủ nước cho cơ thể; Tránh uống rượu; Nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý; Nếu đang trong trạng thái buồn nôn và ói mửa, nên tránh thức ăn đặc; khi cảm thấy tình trạng tốt hơn nên ăn thức ăn nhạt; Nên tránh những thực phẩm có chứa sữa hoặc caffeine.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Ăn Cá Hay Thịt Tốt Hơn | SKĐS