Điều trị và dự phòng viêm phổi sơ sinh

23-08-2013 09:51 | Đời sống
google news

Viêm phổi sơ sinh (VPSS) là tình trạng bệnh lý biểu hiện viêm hoặc nhiễm trùng ở nhu mô phổi, thường gặp ở giai đoạn sơ sinh; Có thể xảy ra trước khi sinh (ở giai đoạn bào thai), Giai đoạn trong lúc sinh (ở giai đoạn chuyển dạ)...

Viêm phổi sơ sinh (VPSS) là tình trạng bệnh lý biểu hiện viêm hoặc nhiễm trùng ở nhu mô phổi, thường gặp ở giai đoạn sơ sinh; Có thể xảy ra trước khi sinh (ở giai đoạn bào thai), Giai đoạn trong lúc sinh (ở giai đoạn chuyển dạ)...

VPSS được chia ra làm hai loại: loại viêm phổi khởi phát sớm, trong vòng 1 tuần lễ đầu tiên sau sinh, và giai đoạn viêm phổi khởi phát trễ sau 1 tuần sau sinh. Hai loại khởi phát khác nhau giúp cho chúng ta định hướng được các tác nhân gây bệnh, từ đó có phương cách điều trị tích cực và hiệu quả cao, cũng như công tác dự phòng sau này cho bé, nhằm tránh không để xảy ra tái phát.

Tại sao trẻ sơ sinh lại bị viêm phổi?

Phổi là cơ quan chính của hệ hô hấp, nơi trao đổi khí giữa môi trường ngoài và cơ thể. Bình thường, có một số cơ chế khác nhau bảo vệ phổi và cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Không khí hít vào được lọc ở mũi. Đường hô hấp dưới được bảo vệ nhờ nắp thanh quản và thanh quản. Những vật lạ xâm nhập vào đường hô hấp dưới bị tống ra ngoài nhờ phản xạ ho. Những hạt nhỏ hơn, có thể xâm nhập sâu hơn vào khí quản bị dính vào vách khí phế quản nhờ lớp thảm nhầy trên lớp biểu mô có lông chuyển rồi được chuyển lên trên để được tống ra ngoài. Những hạt nhỏ xuống được phế nang sẽ bị xử lý bởi đại thực bào ở phế nang và cơ chế miễn dịch tại chỗ. Các hạt bị thực bào bởi các đại thực bào phế nang sẽ được vận chuyển ra khỏi phế nang bằng hệ thống bạch mạch.

Điều trị và dự phòng viêm phổi sơ sinh 1
Giúp trẻ tống đàm ra bằng cách mát-xa vùng lưng cho trẻ

Bất kỳ sự rối loạn nào về giải phẫu hay sinh lý liên quan đến cơ chế bảo vệ này đều làm phổi dễ bị nhiễm khuẩn. Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu môi phổi do nhiễm khuẩn. Đây là một bệnh rất phổ biến, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu hóa.

Nguyên nhân

Viêm phổi khởi phát sớm, gồm viêm phổi bẩm sinh, xảy ra do tác nhân truyền qua nhau thai trong quá trình mang thai, trong quá trình mang thai gồm: Listeria monocytogenes, lao, giang mai, Cytomegalovirus, Rubella, Parainfluenzae virus 1, 2, 3; Influenzae A và B; Adenovirus và Rhinovirus; Parainfluenzae, Influenzae. Viêm phổi xảy ra trong lúc sinh, do nhiễm trùng đi lên từ đường sinh dục, tác nhân gây bệnh thường do S. agalactae, E. coli, L. monocytogenes, S. pneumonia, H. influenza, Klebsiella, Cytomegalovirus.

Viêm phổi khởi phát trễ, xảy ra sau sinh do lây nhiễm từ môi trường xung quanh. Các tác nhân hay gặp là Staphylococci coagulase (-), S. aurerus, Klebsiella, E. coli, Pseudomonas.

Các virút cũng gây ra viêm phổi trễ như: Adenovirus, Parainfluenzae, Influenzae. Nhiễm nấm cũng có thể xảy ra khi mà trẻ dùng kháng sinh kéo dài. Ngoài ra, các tác nhân khác cũng thể gặp như: Chlamydia trachomatis, nguyên do nhiễm trùng đường sinh dục của người mẹ mà không chịu điều trị trước lúc mang thai.

Các yếu tố thuận lợi gây nên

Yếu tố nguy cơ từ mẹ: mẹ bị sốt lúc sinh, mẹ bị viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục. Có tình trạng ối vỡ sớm. Ối vỡ từ trên 6 - 12 giờ trước sinh, khả năng viêm phổi tỉ lệ lây nhiễm: 33%. Ối vỡ trên 12 - 24 giờ trước sinh khả năng viêm phổi với tỉ lệ lây nhiễm: 51,7%. Ối vỡ trên 24 giờ trở lên: tỉ lệ lây nhiễm 90% trẻ bị viêm phổi. Chuyển dạ kéo dài trên 18 giờ. Trong quá trình mang thai, mẹ bị các bệnh lý nhiễm trùng.

Yếu tố nguy cơ từ con: bé sinh non tháng, tuổi thai càng non tháng, khả năng mắc bệnh càng tăng. Thai nhi có bệnh lý đi kèm, được phát hiện trong lúc mang thai. Bé có tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch. Bé sinh ra bị ngạt, apgar đánh giá dưới 6 điểm. Bé sinh mổ. Yếu tố tác động bên ngoài từ môi trường. Bé sinh ra phải đặt nội khí quản để thở, thở máy. Bé nằm viện lâu ngày. Phòng bé nằm điều trị đông đúc, không khí chật chội.

Cách xác định

Biểu hiện lâm sàng của viêm phổi ở trẻ sơ sinh rất đa dạng, triệu chứng thì sơ sài rất khó phát hiện nhất là ở trẻ nhẹ cân. Có một số dấu hiệu cần lưu tâm: trẻ thường không chịu bú, mệt mỏi, quấy khóc, da xanh, sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, khó thở. Trẻ thở nhanh trên 60 lần/phút và không đều, có hiện tượng rút lõm lồng ngực do co kéo cơ liên sườn, thở rên, nặng hơn trẻ tím tái.

Xét nghiệm máu, biểu hiện tình trạng nhiễm trùng, như công thức máu, bạch cầu tăng cao, thiếu máu, tiểu cầu giảm, CRP tăng cao, tốc độ máu lắng tăng. Khí máu động mạch thay đổi. Chụp X-quang phổi, có hình ảnh thâm nhiễm nhu mô phổi, hình ảnh lưới hạt, mờ toàn bộ thùy và phân thùy phổi. Ta có thể xét nghiệm tìm các nguyên nhân gây VPSS bằng cấy đàm, phết họng. Xét nghiệm liên quan như tìm giang mai, CMV, Rubella, Chlamydia…

Để xác định VPSS khi mà có dấu hiệu nhiễm trùng, triệu chứng hô hấp và điển hình có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi trên phim phổi.

Điều trị và dự phòng viêm phổi sơ sinh 2Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, bú ngay từ giờ đầu sau sinh

Quan điểm mới trong điều trị

Hiện nay trong quan điểm điều trị VPSS, hỗ trợ hô hấp tích cực, bằng cách thông đường thở cho trẻ, cung cấp oxy. Điều trị kháng sinh liều cao. Tránh hạ thân nhiệt. Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ và điều trị biến chứng. Giúp cho trẻ điều trị hiệu quả hơn và tránh biến chứng.

Điều trị hỗ trợ hô hấp tích cực: thông đường thở, giải quyết nguyên nhân gây tắc, bằng cách hút đàm nhớt. Cung cấp oxy, luôn luôn giữ cho trẻ nồng độ SpO2 trung bình 89 - 95%, bằng cách cho trẻ thở qua ống thông 2 mũi, thở qua mặt nạ. Trong một số các trường hợp nặng, trẻ non tháng, trẻ không tự thở được phải thở máy hỗ trợ. Vật lý trị liệu, giúp trẻ tống đàm ra bằng cách mát-xa vùng lưng cho trẻ.

Trong VPSS, bệnh cảnh có thể diễn tiến nhanh và nặng, do đó cần thiết phải dùng  kháng sinh liều cao, toàn thân bằng đường tiêm tĩnh mạch, thời gian dùng trung bình 7 - 14 ngày. Thuốc kháng sinh có thể phối hợp như sau: Ampicillin Gentamycin hoặc Amkacin. Ampicillin Cefotaxim có thể phối hợp thêm Amkacin, nếu tiên lượng nặng. Cần theo dõi sát tình trạng diễn biến của trẻ, một khi không đáp ứng với kháng sinh, cần thiết đổi kháng sinh: Cefepim Amkacin, các loại kháng sinh thế hệ mới.

Trong quá trình điều trị: luôn luôn giữ ấm cho trẻ, tránh không để xảy ra hạ thân nhiệt; trong trường hợp sốt cao, cần lau mát cho trẻ.

Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đầy đủ chất điện giải bằng dịch truyền, cho trẻ bú sữa mẹ, tránh không để xảy ra hạ đường huyết, hạ canxi huyết. Điều chỉnh cân bằng kiềm toan, điều trị trào ngược dạ dày thực quản đối với những trẻ viêm phổi hít.

Điều trị cho trẻ những biến chứng có thể xảy ra: tràn khí màng phổi nhiều, đặt dẫn lưu màng phổi để giải áp. Trong trường hợp xẹp phổi, cần vật lý trị liệu hỗ trợ hoặc thở máy để duy trì hô hấp tốt cho trẻ.

Phòng bệnh như thế nào?

VPSS là một căn bệnh nghiêm trọng, nếu không có những biện pháp phòng bệnh hay điều trì bệnh triệt để sẽ ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển của bé, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong. Do đó, công tác dự phòng hiện tại và dự phòng xa cho các bà mẹ và cho những trẻ có một vai trò quan trọng, mục tiêu tránh không để xảy ra VPSS và không tái phát viêm phổi ở trẻ.

Công tác dự phòng hiện tại cho trẻ: cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, bú ngay từ giờ đầu sau sinh, khi sữa mẹ ít, cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao sữa mẹ ít. Có thể giúp tiết sữa mẹ nhiều, bằng cách mẹ dùng các loại thuốc kích thích tiết sữa như Meko Lactagil. Kết hợp mẹ ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc. Khi bé không thể tự bú được có thể đúc từng thìa nhỏ cho trẻ hoặc cho trẻ bú qua sonde. Người chăm sóc cho trẻ tuyệt đối vô trùng, vệ sinh nghiêm ngặt, mang khẩu trang và rửa tay sát trùng khi tiếp xúc với trẻ. Các dụng cụ để chăm sóc trẻ phải được sát trùng, vô trùng. Cách ly với các nguồn lây bệnh khác, khi người chăm sóc bị cảm ho hay có bệnh, tuyệt đối không tiếp xúc với trẻ. Đảm bảo nơi trẻ nằm, phải thông thoáng, có ánh sáng mặt trời chiếu vào. Vào buổi sáng (7 - 8 giờ) hàng ngày, cho trẻ ra tắm nắng, với thời gian 30 - 40 phút. Khi trẻ ra tháng, cần tiêm chủng cho trẻ theo lịch tiêm chủng quốc gia.

Dự phòng xa đối với các bà mẹ: nhất thiết phải khám thai định kỳ, làm xét nghiệm trong thời gian mang, với một số các bệnh lý nhiễm trùng, liên quan đến bào thai như: xét nghiệm Rubella, CMV, Toxoplasma, Chlamydia, giang mai, HIV… Quá trình mang thai, dinh dưỡng phải chú trọng, ăn uống đầy đủ, có thể uống thêm canxi và viên sắt, acid folic. Nhằm giúp thai phát triển tốt và tăng cân đều. Quá trình chuyển dạ sinh, tránh không cho ối vỡ sớm. Một khi ối vỡ trên 6 giờ trở đi, cần thiết xúc tiến cho sinh, tránh chuyển dạ kéo dài, bằng biện pháp tiên lượng cuộc sinh, sinh ngả âm đạo hay sinh mổ. Khi trẻ sinh ra có dấu hiệu ngạt, cần hồi sức tích cực và dùng thuốc kháng sinh dự phòng cho trẻ hoặc trẻ sinh ra có tình trạng nước ối xấu, như nước ối xanh, nhất thiết phải dùng kháng sinh toàn thân cho trẻ.

BS. NGUYỄN THUẬN HẢI


Ý kiến của bạn