Hà Nội

Điều trị và chăm sóc viêm da cơ địa vào mùa hè

27-05-2023 08:10 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm da cơ địa là một trong những vấn đề thường gặp với các triệu chứng như khô, ngứa, mẩn đỏ… gây khó chịu và bất tiện cho người bệnh. Vậy cần lưu ý gì trong điều trị và chăm sóc viêm da cơ địa vào mùa hè?

‏1. Viêm da cơ địa là bệnh gì?‏

‏Theo BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, viêm da cơ địa là chứng viêm mạn tính, tiến triển với nhiều cơn cấp tính xen lẫn các giai đoạn bệnh lui. ‏

‏Trong đợt cấp tính thường xuất hiện những tổn thương da cơ bản như đám đỏ da, sẩn, mụn nước… Người bệnh cảm thấy ngứa, mức độ ngứa có thể rất nghiêm trọng. Do đó, nhiều người bệnh gãi khiến vùng da tổn thương bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, sưng viêm. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài có thể khiến da dày lên. Bên cạnh đó, người bệnh viêm da cơ địa thường có đặc điểm khô, nứt nẻ.‏

Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính. Nếu điều trị sai, lạm dụng các thuốc bôi hoặc uống chứa corticoid có thể dẫn đến tình trạng đỏ da toàn thân và các biến chứng nguy hiểm khác.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Da liễu Trung ương lưu ý trong điều trị viêm da cơ địa.

‏2. Các thuốc chữa viêm da cơ địa

‏Nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa là dùng thuốc dưỡng da kết hợp chống nhiễm trùng và viêm da. Các thuốc viêm da cơ địa gồm có thuốc bôi và thuốc uống.‏

‏Các loại thuốc uống bao gồm:‏

  • Các thuốc kháng histamin để giảm ngứa‏
  • ‏Các thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn‏
  • ‏Các thuốc corticoid: Cân nhắc khi sử dụng, chỉ nên dùng trong giai đoạn cấp tính với liệu trình ngắn ngày.

‏Thuốc bôi viêm da cơ địa gồm các thuốc như dung dịch sát khuẩn và giảm dịch tiết (dung dịch eosin 2%, bạc nitrat 0,25 -2%), kem dưỡng ẩm da, thuốc bôi có thành phần corticoid hoặc không corticoid...‏

photo-1684899633863

‏Người bệnh viêm da cơ địa cảm thấy ngứa, mức độ ngứa có thể rất nghiêm trọng. ‏

‏3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa‏

‏Thuốc điều trị viêm da cơ địa gồm các thuốc có tác dụng điều hòa miễn dịch tại chỗ, giúp giảm viêm và ngứa ở vùng da bị tổn thương. Thuốc được chia làm 2 loại chính là thuốc chống viêm corticoid và thuốc không corticoid.‏

3.1. Thuốc điều trị viêm da cơ địa có corticoid

‏Thuốc điều trị viêm da cơ địa có thành phần corticoid là lựa chọn đầu tiên giúp kiểm soát chứng viêm này. Thuốc có thể được sử dụng cho cả người lớn và trẻ em với nhiều mức hoạt lực khác nhau phù hợp với từng tình trạng bệnh. ‏

‏Loại có hiệu lực yếu (như desonide 0,05%; hydrocortisone 2,5% dạng thuốc mỡ) thường được chỉ định cho trẻ nhỏ hoặc người bệnh viêm da cơ địa mức độ nhẹ. Thuốc nên được dùng 1 - 2 lần mỗi ngày, bôi ban ngày và trước khi đi ngủ, dùng đều trong vòng 2 đến 4 tuần và chỉ nên bôi ở các vùng bị tổn thương.‏

‏Đối với người bệnh ở mức trung bình, có thể dùng các thuốc có hoạt lực mạnh hơn (như fluocinolone 0,025%; triamcinolone 0,1%...). Ngoài ra, với người bệnh viêm da cơ địa nặng, có thể cần dùng đến corticoid hiệu lực rất mạnh. Tuy nhiên lưu ý chỉ nên dùng nhiều nhất trong 2 tuần, sau đó cần điều chỉnh thuốc và sử dụng liều duy trì cho đến khi không còn tổn thương.‏

‏Thuốc chứa corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như teo da, giãn mạch, nổi mụn, rạn da, tĩnh mạch mạng nhện, phát ban, bệnh trứng cá đỏ… Do đó, khi sử dụng, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không được tự ý sử dụng cũng như thay đổi liều dùng tùy tiện.‏

3.2. Thuốc điều trị viêm da cơ địa không chứa corticoid

‏Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ là thuốc không corticoid, được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da cơ địa. Trong nhóm thuốc này, thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus là 2 loại được dùng nhiều nhất.‏

Bác sĩ sẽ chỉ định nhóm thuốc này trong trường hợp kháng trị với corticoid, tổn thương ở vùng da mỏng như da mặt, nếp bẹn, hậu môn, hoặc người bệnh đã dùng thuốc corticoid liên tục trong thời gian dài hoặc đã có xuất hiện các tác dụng phụ của corticoid. ‏

‏Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ cần sử dụng 2 lần mỗi ngày để giảm viêm và ngăn ngừa tái phát. Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau tại chỗ thoa thuốc, cảm giác bỏng rát hoặc châm chích.

4. Cách chăm sóc viêm da cơ địa vào mùa hè‏

Với người bệnh viêm da cơ địa, tình trạng da rất dễ bị khô, kích ứng bởi sự thay đổi của thời tiết. Vì vậy, việc giữ ẩm cho da là rất quan trọng, đặc biệt là khi sử dụng điều hòa kéo dài trong mùa hè nắng nóng.

Ngoài ra, nên lựa chọn và sử dụng loại sữa tắm, các chất tẩy rửa dành riêng cho làn da nhạy cảm, viêm da cơ địa. Luôn bôi kem dưỡng ẩm, nhất là sau khi tắm rửa, bởi đây là thời điểm tốt nhất để kem thấm thấu sâu và tạo hiệu quả tốt nhất trên da. 

Lưu ý khi điều trị zona thần kinh để bệnh nhanh khỏiLưu ý khi điều trị zona thần kinh để bệnh nhanh khỏi

SKĐS - Zona thần kinh là một bệnh lý phổ biến gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh. Vậy cần lưu ý gì khi điều trị zona để bệnh nhanh khỏi và ngăn ngừa biến chứng?

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Mặt trái của 5 loại rau củ vốn nổi tiếng là 'siêu lành mạnh' - SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn