Điều trị ung thư xương bằng phương pháp nào?

05-06-2024 13:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ung thư xương nằm trong nhóm bệnh nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách vẫn mang lại khả năng sống sót cho người bệnh. Phương pháp điều trị ung thư xương phụ thuộc vào loại ung thư, mức độ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

1. Có những phương pháp nào điều trị ung thư xương?

Mỗi loại ung thư xương đáp ứng với các phương pháp điều trị khác nhau. Có loại ung thư xương được điều trị bằng phẫu thuật, có loại điều trị kết hợp phẫu thuật và hóa trị...

Mỗi bệnh nhân cần được đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm lên kế hoạch và chỉ định phương pháp điều trị ung thư xương cụ thể. Điều trị ung thư nhìn chung cần phối hợp nhiều chuyên khoa, do các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở nhiều chuyên ngành phối hợp, bao gồm: Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình chuyên về xương - khớp, bác sĩ điều trị hóa chất, xạ trị, phục hồi chức năng, điều dưỡng/y tá chuyên khoa ung thư...

Với đội ngũ nhân viên y tế này, bệnh nhân mới nhận được phương pháp cũng như kết quả điều trị tối ưu. Kế hoạch điều trị ung thư xương có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
Điều trị ung thư xương bằng phương pháp nào?- Ảnh 1.

Phẫu thuật là phương pháp triệt căn điều trị ung thư xương nguyên phát.

Phẫu thuật điều trị ung thư xương

Đây là phương pháp triệt căn điều trị ung thư xương nguyên phát, giúp loại bỏ các khối u gây ung thư. Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ rộng rãi khối u nhằm loại bỏ các khối ung thư và đảm bảo không bỏ sót tế bào ung thư ở các tổ chức xung quanh khối u.

Trước đây, khi phương pháp điều trị ung thư xương chưa phát triển, đa số khối u tại chân tay thường phải cắt cụt chi. Đến nay, khi kỹ thuật điều trị hiện đại, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp phẫu thuật bảo tồn chi đảm bảo về mặt chức năng và thẩm mỹ sau phẫu thuật cho bệnh nhân.

Với phương pháp phẫu thuật bảo tồn chi, bác sĩ sẽ cắt rộng đoạn u, sau đó thay bằng đoạn xương/khớp nhân tạo bằng kim loại. Hoặc đoạn u xương sau khi cắt ra được xử lý bằng nitơ lỏng rồi được ghép trở lại vào vị trí cũ.

Dù kỹ thuật hiện đại là vậy, nhưng vẫn còn các trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật bảo tồn chi thì cần phải cắt cụt chi.

Hóa trị

Điều trị hóa chất nhằm tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước khối u trước phẫu thuật hoặc hóa trị sau phẫu thuật nhằm ngăn ngừa ung thư quay trở lại, kiểm soát các triệu chứng trong trường hợp không thể chữa khỏi – phương pháp này được gọi là hóa trị liệu giảm nhẹ.

Bác sĩ sẽ lên kế hoạch sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau qua đường truyền tĩnh mạch theo chu kỳ. Một chu kỳ bao gồm dùng thuốc hóa trị trong vài ngày. Sau đó nghỉ ngơi trong vài tuần để cơ thể phục hồi và tiếp tục điều trị theo chu kỳ. Số chu kỳ hóa trị phụ thuộc từng loại phác đồ.

Hóa trị kết hợp với xạ trị có hiệu quả trong điều trị ung thư xương loại Sarcoma Ewing.

Xạ trị

Là phương pháp sử dụng tia bức xạ để làm tổn thương các tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển. Đối với ung thư xương nguyên phát, xạ trị chỉ hiệu quả trên nhóm bệnh Sarcoma Ewing. Đối với các nhóm khác ung thư, xạ trị ít tác dụng, chủ yếu giải quyết triệu chứng đau và chống gãy xương.

Đối với ung thư di căn, xạ trị hiệu quả trong điều trị và kiểm soát tốt triệu chứng gây ra khi ung thư lan đến xương. Xạ trị có thể làm giảm bớt các triệu chứng cũng như đau do di căn xương gây ra trong suốt quá trình điều trị. Phương pháp này gây ra những tác dụng phụ sau vài tuần kết thúc tia xạ.

Các thuốc điều trị khác

Thuốc điều trị đích: Nhằm ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư và hạn chế tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh.

Điều trị miễn dịch: Là các thuốc hoạt động theo cơ chế miễn dịch, giúp tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể để chống lại ung thư.

2. Lưu ý khi điều trị ung thư xương

Điều trị ung thư xương bằng phương pháp nào?- Ảnh 2.

Bệnh nhân cần được sự hỗ trợ chăm sóc sau điều trị từ bác sĩ và người thân.

- Phẫu thuật: Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần trải qua quá trình phục hồi chức năng để trở lại cuộc sống bình thường. Do đó rất nhân sự chăm sóc phối hợp của nhân viên y tế cùng người thân.

Phục hồi chức năng bao gồm các buổi vật lý trị liệu, liệu pháp vận động, tập bài tập để lấy lại chức năng của bộ phận cơ thể được điều trị. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân các kỹ năng để thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Lúc này người thân cần quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân tại nhà bằng chế độ dinh dưỡng và hỗ trợ bệnh nhân các bài tập vận động.

- Hóa trị: Hóa trị có thể giúp tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng có gây ra tác dụng có hại cho tế bào tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Các tác dụng phụ thường gặp của phương pháp hóa trị bao gồm:

  • Mệt mỏi và bị ốm, chán ăn.
  • Nôn, buồn nôn.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Viêm loét miệng.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng.
  • Rụng tóc tạm thời.
  • Khô da.
  • Thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Tăng men gan.

Hầu hết các tác dụng phụ liên quan đến hóa trị liệu sẽ hết sau khi quá trình điều trị kết thúc. Trong quá trình hóa trị, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, chế độ ăn thanh đạm nhưng bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên ăn từ từ, ít một và chia làm nhiều bữa.

- Xạ trị: Tia bức xạ cũng gây ra các tổn thương cho các tế bào lành xung quanh vùng xạ trị. Tác dụng phụ sẽ khác nhau đối với mỗi bệnh nhân và phụ thuộc vào vùng xạ trị. Tuy nhiên, mệt mỏi là tác dụng phụ phổ biến nhất. Cảm giác mệt mỏi thường bắt đầu ở giữa tuần điều trị và có thể kéo dài trong vài tuần sau điều trị. Một số thay đổi nhỏ trên da hoặc cảm giác rát, ráp trên da nơi chiếu xạ.

Trong quá trình xạ trị, bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi chặt chẽ và đánh giá các triệu chứng tác dụng phụ. Trường hợp gặp tác dụng phụ quá khó chịu, bệnh nhân có thể được sử dụng một số loại thuốc giúp cảm thấy dễ chịu hơn...

Mời độc giả xem thêm video:

Dấu hiệu nhận biết ung thư xương


BS.Nguyễn Quốc Cường
Ý kiến của bạn