Trứng cá đỏ là bệnh da mạn tính, biểu hiện vùng giữa mặt là những sẩn hoặc mụn mủ trên nền da đỏ, phù, giãn mạch. Bệnh thường gặp ở người da trắng và rất hiếm gặp ở người da đen. Theo một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
Triệu chứng lâm sàng
Về thực chất, trứng cá đỏ và trứng cá là hai bệnh hoàn toàn khác nhau về sinh bệnh học, biểu hiện lâm sàng và điều trị.
Sinh bệnh học của bệnh cho đến nay vẫn chưa rõ. Nhiều yếu tố liên quan đã được xác định như stress tâm lý, ánh nắng mặt trời, rượu, bia các chất cay nóng, thuốc corticoids. Gẩn đây nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan của vi khuẩn Demodex follicullorum ở nang lông tuyến bã và tình trạng viêm dạ dày do Helicobacteria pylori ở những bệnh nhân bị trứng cá đỏ, nhưng vai trò thực sự của các tác nhân này đối với sinh bệnh học của bệnh vẫn chưa sáng tỏ.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh được chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn một: Biểu hiện là những đợt giãn mạch ở da vùng giữa mặt. Những đợt giãn mạch này thường không kèm theo tăng tiết mồ hôi. Bệnh nhân có cảm giác bỏng rát, nóng bừng mặt kiểu như cơn bốc hỏa kéo dài khoảng 5-10 phút. Các yếu tố làm xuất hiện cơn nóng bừng mặt như uống nước nóng, các chất kích thích như rượu, gia vị cay nóng. Stress tâm lý hoặc trạng thái thay đổi cảm xúc, thay đổi thời tiết, ánh nắng mặt trời, nóng, tiếp xúc với gió cũng là yếu tố thuận lợi của bệnh.
Giai đoạn hai: Biểu hiện là dát đỏ ở vùng giữa mặt, má, mũi, có thể lan lên phần dưới của trán, cằm, không có biểu hiện thâm nhiễm, không có xuất huyết. Giãn mạch cũng là triệu chứng phổ biến ở giai đoạn này. Lúc đầu giãn mạch rất tế nhị, đôi khi khó phát hiện, dần dần các mạch máu giãn rộng hơn, tạo thành đám mạch màu đỏ nhất là ở cánh mũi. Bệnh nhân vẫn còn những đợt bốc hỏa, khi có các yếu tố thuận lợi như ở giai đoạn thứ nhất. Đôi khi bệnh nhân có các triệu chứng cơ năng như ngứa, cảm giác kim châm, bỏng rát, nhất là khi bôi các mỹ phẩm, da thường khô, thô ráp.
Giai đoạn ba: Tổn thương là các sẩn đỏ kích thước từ 2-5mm ngoài nang lông, không có nhân, không có chất bã, đứng riêng lẻ hoặc thành đám, đối xứng hai bên, ở hai má, trán, mũi, cằm. Xem kẽ các sẩn đỏ còn có các sẩn mủ hoặc mụn mủ. Giai đoạn này có thể diễn biến nhiều năm tháng, liên tục, hiếm khi tự khỏi. Nếu không được điều trị các tổn thương xuất hiện ngày càng nhiều gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Giai đoạn bốn: Tổn thương là các u xơ phì đại, chủ yếu ở mũi gây hiện tượng mũi sư tử, thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi và ít gặp ở nữ.
Ngoài biểu hiện ở da, nhiều bệnh nhân còn có các tổn thương ở mắt như khô mắt. Bệnh nhân thường có cảm giác bị kích ứng và bỏng rát ở mắt. Khám mắt thấy hiện tượng kết mạc đỏ hoặc những hạt xơ ở kết mạc.
Một số thể đặc biệt
Trứng cá đỏ ở một bên mặt: Thể này gặp từ 10-15% các trường hợp với các triệu chứng chỉ ở một bên mặt. Sau một thời gian tiến triển, các biểu hiện lâm sàng có thể biểu hiện ở cả hai bên.
Thể phù: Thể này hiếm gặp, thường ở nam giới trên 50 tuổi. Hiện tượng phù thường xuất hiện vào buổi sáng và giảm nhẹ trong ngày. Đôi khi phù tế nhị khó có thể phát hiện được.
Thể tuyến: Thường ở nam giới, có tiền sử bị trứng cá tuổi trưởng thành. Biểu hiện vùng da ở giữa mặt dày, tăng tiết chất bã, các lỗ tuyến giãn rộng. Các sẩn mủ thường to hơn đôi khi thành u nhỏ.
Thể u hạt: là thể hiếm gặp, ở phụ nữ 30-50 tuổi. Tổn thương là các u nhỏ ở vùng giữa mặt.
Trứng cá đỏ ở tai, gáy ngực da đầu… Tương đương với những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số tác giả cho rằng hội chứng bìu đỏ là một thể đặc biệt của trứng cá đỏ.
Chẩn đoán bệnh
Việc chẩn đoán trứng các đỏ đôi khi rất khó, nhất là ở giai đoạn đầu của bệnh. Các tiêu chuẩn chẩn đoán chủ yếu dựa vào 4 dấu hiệu cơ bản: Cơn rối loạn vận mạch, ban đỏ ở mặt, sẩn mủ và hiện tượng giãn mạch. Ngoài ra, còn dựa vào các dấu hiệu cơ năng như cảm giác rát bỏng hay kim châm và các triệu chứng lâm sàng như khô da, mảng thâm nhiễm xơ, phù mặt, tổn thương ở mắt, u xơ ở mũi… Cần lưu ý trứng cá đỏ sau điều trị corticoid rất thường gặp (bệnh nhân tự bôi hoặc được chỉ định để điều trị một bệnh khác). Thể này rất khó điều trị do tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Cần giảm dần lượng thuốc bôi sau đó ngừng hẳn. Tùy thuộc vào giai đoạn mà trứng cá đỏ cần chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh khác nhau như lupus đỏ hệ thống, trứng cá thông thường, viêm da dầu…
Điều trị thế nào?
Bệnh tiến triển mạn tính nhiều tháng nhiều năm. Bệnh có thể thuyên giảm nếu được điều trị và loại trừ các yếu tố thuận lợi. Việc điều trị cần kết hợp các thuốc bôi tại chỗ và thuốc toàn thân với mục đích giảm cơn bốc hỏa và các dát đỏ ở mặt, giảm các sẩn mủ và cải thiện thẩm mỹ, nhất là trường hợp xơ mũi.
Điều trị tại chỗ:
Rửa mặt bằng các dung dịch có pH trung tính, xịt nước khoáng hàng ngày, hoặc một số loại nước có nguồn gốc thực vật. Tránh các kem hay những sản phẩm tạo nền có chứa nhiều thành phần, dễ gây kích ứng da. Tránh những sản phẩm kem hoặc phấn làm sáng da như những bột có kim loại, hoặc chứa formaldehyde, alcool, axít palmetic, axít oleic… Tránh dùng các mỹ phẩm cũ sau khi đã sử dụng trên 6 tháng. Đối với bệnh nhân phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần dùng kem chống nắng thường xuyên. Thuốc bôi tại chỗ có thể dùng metronidazole dạng gel 0,75% hoặc kem 1%, bôi 2 lần/ ngày x 3 tháng, sau đó duy trì đến 6 tháng hoặc sử dụng một trong các thuốc sau: retinoides 0,025%, a xít azelaic 20%, benzoyl pezoxyde, kem permethrine 5% có tác dụng diệt ký sinh trùng demodex.
Sử dụng thuốc toàn thân
Thuốc toàn thân sử dụng kháng sinh thuộc các nhóm cycline, macrolides, metronidaziole. Ivermectine được chỉ định trong trường hợp nhiễm nhiều demodex.
Đối với những trường hợp giãn mạch, hoặc nhiều u xơ có thể điều trị bằng Laser (KTP, argon, Vbeam..) hoặc phẫu thuật lạnh phục hồi thẩm mỹ cho người bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sáu