Điều trị triệu chứng mãn kinh bằng nội tiết tố: Lợi ích và rủi ro

24-02-2019 07:09 | Thông tin dược học

SKĐS - Theo những dữ liệu ban đầu thu được từ thử nghiệm của Women’s Health Initiative, đã báo cáo những tác hại sớm với sức khỏe ở phụ nữ điều trị triệu chứng mãn kinh bằng oestrogen kết hợp và progesteron.

Điều này đã dẫn đến việc giảm các chỉ định để điều trị mãn kinh bằng nội tiết tố (MHT). Vậy những rủi ro và lợi ích của MHT là gì?

MHT điều trị các triệu chứng nào?

Hội chứng teo niệu sinh dục: Trong điều trị teo niệu sinh dục không có biến chứng, các oestrogen bôi tại chỗ có thể được sử dụng cùng với chất giữ ẩm và chất bôi trơn. Oestrogen dùng tại chỗ giúp cải thiện những thay đổi của mô âm đạo, hạ pH và đây là đường dùng giúp giảm thiểu mức độ hấp thụ toàn thân của thuốc. Do đó, oestrogen dùng tại chỗ có thể được sử dụng đồng thời với MHT mà không làm gia tăng nguy cơ và bất kỳ tác dụng phụ toàn thân nào.

Lựa chọn điều trị cho suy buồng trứng sớm (POI): Phụ nữ mắc POI nên sử dụng MHT hoặc biện pháp tránh thai nội tiết tố kết hợp. Bệnh nhân nên tiếp tục điều trị ít nhất cho đến độ tuổi trung bình của thời kỳ mãn kinh (52 tuổi). Mục đích của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng mãn kinh, duy trì chức năng tình dục, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương và suy giảm nhận thức liên quan đến POI. Bổ sung canxi, vitamin D cùng với đó là lối sống lành mạnh cũng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh.

Bệnh nhân POI thường cần sử dụng liều oestrogen cao hơn so với những phụ nữ thời kỳ sau mãn kinh, với mục đích đưa nồng độ oestradiol huyết tương trở lại tương đương với nồng độ thời kỳ tiền nang giữa mãn kinh. Tuy nhiên, do những thông tin về tác dụng phụ gây gia tăng nguy cơ ung thư vú khi dùng oestrogen, nên nhiều phụ nữ từ chối điều trị bằng thuốc này. Vì thế, điều quan trọng là phải giúp các bệnh nhân POI nhận ra rằng MHT chưa được chứng minh là làm gia tăng nguy cơ ung thư vú trước tuổi mãn kinh để bệnh nhân đồng ý tiếp nhận điều trị.

Điều trị triệu chứng mãn kinh bằng nội tiết tố: Lợi ích và rủi roSử dụng nội tiết tố cần được chỉ định bởi bác sĩ, người bệnh không nên tự ý mua dùng.

Thuốc tránh thai oestrogen/progestogen kết hợp (COCP) có thể được sử dụng liên tục cho đến thời điểm mãn kinh dự kiến.

Ở phụ nữ mắc POI, chức năng buồng trứng có thể trở lại liên tục và khoảng 5% phụ nữ vẫn có thể thụ thai tự nhiên sau khi chẩn đoán. MHT không gây tránh thai, do đó, với những phụ nữ muốn tránh thai thì có thể sử dụng thuốc tránh thai oestrogen/progestogen kết hợp (COCP) trong vài năm đầu sau khi có chẩn đoán POI.

Các lợi ích

Bệnh tim mạch: Trước đây, dữ liệu ban đầu thu được từ thử nghiệm của Women’s Health Initiative cho thấy sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (CVD) liên quan đến việc sử dụng MHT. Nhưng các thử nghiệm ngẫu nhiên với quy mô lớn sau đó đã chỉ ra rằng MHT không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ dưới 60 tuổi. Hơn nữa, những dữ liệu đang ngày càng củng cố cho giả thuyết sử dụng MHT trong vòng 10 năm sau lần kinh nguyệt cuối cùng có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cũng cho thấy nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi từ 50 - 59 đã giảm đến 30%.

Loãng xương: MHT giúp giảm tỷ lệ của tất cả các trường hợp gãy xương, ngay cả với những phụ nữ được coi là không có nguy cơ cao.MHT cũng là phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả đã được chứng minh để giảm tỉ lệ loãng xương - nguyên nhân gây gãy xương.

Điều trị loãng xương được chỉ định cho phụ nữ bị gãy xương do xương yếu, chẩn đoán loãng xương hoặc mật độ xương thấp với các yếu tố nguy cơ khác. MHT có lợi nhất cho việc dự phòng loãng xương sau mãn kinh nếu bắt đầu sớm trong thời kỳ mãn kinh và tiếp tục sử dụng lên đến 5 năm. Tuy nhiên, nếu mật độ xương tiếp tục giảm thì nên dừng sử dụng MHT. Do đó, MHT chỉ được lựa chọn khi mà các liệu pháp khác không được chỉ định, không dung nạp được hoặc thiếu đáp ứng.

Các rủi ro

Huyết khối tĩnh mạch (VTE):  Tỷ lệ mắc huyết khối tĩnh mạch là khoảng 1/1.000 ở phụ nữ trong độ tuổi 50. MHT đường uống (chỉ dùng mình oestrogen hoặc oestrogen kết hợp với progestogen) làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Tuy nhiên, không có sự gia tăng đáng kể nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch ở những phụ nữ đang sử dụng các chế phẩm thẩm thấu qua da so với người không sử dụng (hoặc chỉ dùng oestrogen hoặc oestrogen kết hợp với progesteron được micron hóa). Nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch cao nhất với những người sử dụng MHT trong năm đầu tiên và sẽ hết nguy cơ sau khi ngừng điều trị với MHT.

Ung thư: Nguy cơ ung thư vú đối với những phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ. Béo phì, uống rượu > 2 đơn vị/ngày và mãn kinh muộn, tất cả đều có thể là gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn so với sử dụng MHT. Nguy cơ ung thư vú gia tăng chủ yếu liên quan đến việc bổ sung progestogen, vì MHT-oestrogen thì ảnh hưởng ít hoặc không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú quá mức ở người sử dụng. Sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú liên quan đến MHT xuất hiện trong thời gian đang điều trị và giảm khi ngừng sử dụng. Nhưng giảm tỷ lệ mắc ung thư ruột đã được thể hiện khi sử dụng MHT kết hợp oestrogen với progestogen.

Nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ ung thư nội mạc tử cung của oestrogen phụ thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng. Và như trên đã nêu, phần lớn tránh được khi điều trị với liệu pháp oestrogen và progestogen kết hợp. Trong thực tế, phác đồ kết hợp liên tục có liên quan tới việc làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung so với những người không sử dụng.

Tác dụng phụ khác: Băng huyết là tác dụng phụ thường gặp nhất của MHT và sẽ phải kiểm tra kỹ lưỡng nếu băng huyết vẫn xuất hiện sau ba tháng. Tác dụng phụ liên quan đến oestrogen khác bao gồm đầy hơi, đau ngực, buồn nôn, chuột rút, sưng và đau đầu. Đây là những tác dụng phụ thường gặp trong vài tuần đầu điều trị và sẽ hết sau đó. Nếu những tác dụng phụ này xuất hiện kéo dài, bệnh nhân cần báo cáo với bác sĩ để có thể thử thay đổi liều hoặc đường dùng thuốc.


DS. Trần Ngọc Thịnh
Ý kiến của bạn