Trầm cảm là bệnh lý gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Nó có thể xảy ra với bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào, thời gian dùng thuốc điều trị lâu dài. Một khó khăn trong điều trị trầm cảm là nhiều người bệnh thắc mắc tại sao phải dùng thuốc lâu thế? Khỏi bệnh rồi sao vẫn phải dùng thuốc điều trị?
Biểu hiện của trầm cảm
Trầm cảm là một bệnh lí của não bộ bao gồm những rối loạn định kỳ về cảm xúc, tập trung, giấc ngủ, hoạt động, sự ngon miệng và thái độ cư xử về xã hội. Những yếu tố thúc đẩy bệnh hoặc tái phát bệnh thường là những sang chấn tâm lý như: tai nạn bất ngờ, mất người thân, đổ vỡ các mối quan hệ tình cảm, gãy đổ sự nghiệp...
Biểu hiện của bệnh theo từng mức độ với diễn biến tăng dần thành một hội chứng bao gồm: khí sắc buồn bã, nặng nề, cáu kỉnh, dễ bị kích thích, rối loạn giấc ngủ và sự ngon miệng, giảm khả năng tập trung và trí nhớ, mất sự quan tâm thích thú, mặc cảm tự ti, buồn rầu, trống vắng... Khi bệnh đến độ trầm trọng, người bệnh trở nên chán nản, tuyệt vọng đến nỗi muốn chết hơn là muốn sống, thậm chí có ý định hoặc hành vi tự tử. Việc điều trị phải tiến hành càng sớm càng tốt và phải được điều trị đúng bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nếu được điều trị theo đúng phác đồ, người bệnh có thể làm việc, học tập bình thường.
Các thuốc điều trị trầm cảm thường dùng
Các loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm được sử dụng phổ biến là loại thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptylin, amitriptylinoxide, clomipramine,nortriptyline...) và loại thuốc tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) gồm: fluoxetin, paroxetine, fluvoxamine... Ngoài ra còn có thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs) gồm: desvenlafaxine, duloxetine, venlafaxine; các thuốc như chất ức chế monoamine oxidase (MAO) và tricyclics. Với từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc, liều dùng và thời gian dùng thuốc.
Ngưng dùng thuốc quá sớm, bệnh trầm cảm dễ tái phát.
Thuốc điều trị trầm cảm là loại thuốc dùng lâu dài nhưng người bệnh lại thường nôn nóng khi dùng thuốc, muốn dừng thuốc ngay khi các triệu chứng được cải thiện mà không biết có nhiều trường hợp phải dùng thuốc suốt đời. Thuốc điều trị gồm giai đoạn tấn công và điều trị duy trì. Thời gian điều trị tấn công thường kéo dài từ 6-12 tuần, sau đó phải tiếp tục điều trị duy trì khi những triệu chứng của trầm cảm đã hết hoàn toàn, trong thời gian từ 16-20 tuần. 6 tháng là thời gian ít nhất cho mỗi đợt điều trị bệnh. Với các trường hợp trầm cảm kinh niên hoặc đã trải qua nhiều giai đoạn điều trị, cần phải uống thuốc lâu hơn, tính hàng năm thậm chí phải dùng thuốc suốt đời, vì ở họ, trầm cảm cũng tương tự như các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường...
Thường chỉ sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân trầm cảm sẽ thấy sức khỏe tốt hơn. Hai tháng sau điều trị, bệnh nhân có cảm giác mình đã trở lại trạng thái trước khi mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân dừng lại ở đây thì thật là sai lầm. Kết quả điều trị sẽ là số 0 hoặc số âm, khả năng tái phát cao. Việc điều trị trầm cảm cần phải kéo dài trong nhiều tháng sau đó ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh. Mục đích của việc điều trị duy trì là nhằm ngăn chặn tái phát bệnh, đặc biệt là trên những đối tượng có các yếu tố nguy cơ cao như: có nhiều giai đoạn bị trầm cảm, những triệu chứng tổn hại nặng về mặt chức năng học tập, xã hội, có ý định hoặc hành vi tự sát, những triệu chứng loạn thần... Theo nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bệnh nhân bỏ thuốc không tiếp tục điều trị đến hết liệu trình (ít nhất là 6 tháng) thì tỷ lệ tái phát sẽ là 25% trong vòng hai tháng đầu và những bệnh nhân nào tiếp tục được điều trị duy trì trong thời gian 2 năm thì tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn so với những bệnh nhân bỏ thuốc sớm.
Lý giải nguyên nhân bệnh nhân phải dùng thuốc lâu dài
Đối với những loại thuốc thông thường khi triệu chứng không còn, người bệnh có thể ngừng thuốc để hạn chế những tác dụng không mong muốn. Nhưng với bệnh trầm cảm, dù các triệu chứng đã mất đi nhưng nguyên nhân vẫn còn, chỉ cần ngưng thuốc, bệnh sẽ nhanh chóng tái phát. Sở dĩ như vậy vì bệnh trầm cảm gây ra sự thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh trong não (serotonin, norepinephrine...), sự thay đổi này kéo dài và khó khắc phục. Các chất này có công dụng gây hưng phấn tinh thần và nhiều chức năng khác như ăn ngon, ngủ say, suy nghĩ tốt. Người bệnh phải uống thuốc lâu hơn dù bệnh đã khỏi để tăng serotonin ở não, giúp bệnh nhân giảm cảm giác buồn rầu, thất vọng, chán nản và não quay về chức năng hoạt động bình thường.
Phần lớn nguyên nhân làm cho bệnh trầm cảm tái phát là do bệnh nhân ngưng thuốc quá sớm. Một thuốc chống trầm cảm phải sử dụng từ 2-4 tuần mới có hiệu quả và người bệnh phải tiếp tục dùng thêm trong từ 6-9 tháng sau khi hết bệnh. Khi đó, các yếu tố sinh hóa trong não bộ trở lại bình thường và người bệnh ít có khả năng tái phát hơn. Nếu một loại thuốc có tác dụng tốt mà ngưng quá sớm thì thuốc mất cơ hội chữa bệnh. Khi bệnh tái phát, thời gian điều trị sẽ lâu và tốn kém hơn nhiều.
Mặt khác, một trong những lý do mà người bệnh muốn bỏ thuốc giữa chừng là do tác dụng phụ của thuốc. Khi dùng thuốc nếu gặp một trong các triệu chứng như: đau đầu, buồn nôn, mất ngủ và căng thẳng, kích động hoặc cảm giác bồn chồn, giảm ham muốn tình dục, khô miệng, táo bón, mờ mắt hoặc buồn ngủ vào ban ngày... thì cần phải thông báo ngay cho bác sĩ điều trị của mình biết, vì đây có thể là các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Để khắc phục các tác dụng phụ đó, người bệnh nên uống thuốc khi no, uống với nhiều nước, uống trước khi đi ngủ, không vận hành phương tiện ngay khi vừa uống thuốc. Mỗi người nên cố gắng có một cuộc sống cân bằng, vui vẻ và hài hòa, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, năng tập thể thao hàng ngày... Kết hợp với dùng thuốc theo đúng chỉ định thì bệnh mới nhanh được đẩy lùi.