Dự án của VVAF là điều trị trầm cảm phải dựa vào cộng đồng, trước hết là những người thân trong gia đình. Vì đó là những người thương yêu nhất của bệnh nhân, là người gần gũi hàng ngày nên có điều kiện quan sát, theo dõi mọi diễn biến tâm lý, hành vi của bệnh nhân, đưa ra những lời khuyên, lý giải kịp thời, giúp bệnh nhân vượt qua được những cú sốc tinh thần nhanh nhất.
Ngày càng có nhiều người mắc bệnh trầm cảm. Ảnh: MH |
Ngày chủ nhật, trời mưa mà Trạm y tế (TYT) phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu - Đà Nẵng) vẫn đông bệnh nhân. Trạm có 5 cán bộ, còn lại là nhân viên hợp đồng phụ trách khu vực, 25 cộng tác viên về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Đà Nẵng có khoảng 18,3%, Khánh Hòa 16,6% người lớn nghi mắc bệnh trầm cảm lo âu. Sau khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm, các cộng tác viên động viên họ lên TYT để bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám xác định và điều trị. Sau đó, hỗ trợ và giám sát việc họ tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Cộng tác viên (CTV) còn giao ban hàng tháng với TYT, khi có khó khăn thì đề xuất ngay với cán bộ trạm và cán bộ dự án để có giải pháp kịp thời. Người thân bệnh nhân được mời đến dự những buổi tư vấn tâm lý để họ biết cách thầy thuốc điều trị bệnh nhân.
Các CTV biết lồng ghép truyền thông vào các cuộc họp cử tri, họp tổ dân phố, họp phụ nữ, người cao tuổi, các chương trình DS - KHHGĐ, tiêm chủng… Khi mọi người hiểu rằng mình cũng có thể bị, đã bị, đang bị thì sẽ nghĩ khác về các bệnh nhân trầm cảm. Trầm cảm là ai? Trầm cảm là ta, ai không đứng vững sẽ ra… cảm trầm. Mọi người nhìn nhận vấn đề sẽ khác đi nhất là khi hiểu rõ nguyên nhân của nó, sẽ không kỳ thị họ, ngược lại sẽ vị tha hơn, gần gũi họ hơn. Đời buồn nhiều, chứ vui là mấy. Sợ nhất là cô đơn, cô độc giữa những người thân. Còn gì bằng có người chia sẻ, giãi bày.
Chúng tôi đến thăm TYT Hòa Cường Bắc, là địa bàn vẫn làm theo cách truyền thống (chỉ điều trị trầm cảm bằng thuốc, không có nghiên cứu và can thiệp bằng liệu pháp kích hoạt hành vi kết hợp với dùng thuốc) để đối chứng với các trạm khác mà chúng tôi đến sau đó như Hòa Minh, Hòa Cường Nam (Đà Nẵng) và Diên Sơn (Khánh Hòa).
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện chị bạn vợ tôi, do không làm tốt được vai trò tư vấn tâm lý, chỉ trông nom suốt 24/24 giờ cô em gái bị trầm cảm sau khi chồng chết. Vậy mà, sểnh ra 5 phút và mặc dù đã loại bỏ tất cả những vật dụng có thể dùng tự sát, thế mà…. tìm vào nhà vệ sinh thấy em đã treo cổ bằng đôi tất chân dài xoắn lại buộc vào chấn song cửa sổ.
Trò chuyện với nhiều người vốn là những bệnh nhân trầm cảm trước đây, sau khi khỏi bệnh lại trở thành các CTV tự nguyện đi làm tư vấn tâm lí cho các bệnh nhân khác. Tôi không đưa ra các số liệu về tính vượt trội của mô hình. Cũng không đưa ra mức bồi dưỡng mà bệnh nhân, CTV được nhận từ Dự án. Vì nó cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Mà ngay cả khi Dự án kết thúc, họ vẫn vui vẻ làm khi không còn phụ cấp - mấy chị đã khẳng định với tôi như vậy. Điều tôi muốn bạn đọc quan tâm không phải là cái, mà là cách dự án triển khai. Cách ấy hiển nhiên hiệu quả hơn hẳn.
6 ngày liền gặp gỡ hỏi han bao nhiêu người với bấy nhiêu số phận, tôi chỉ muốn chứng minh một cách làm đột phá: điều trị trầm cảm phải dựa vào cộng đồng, đỡ tốn kém hơn nhiều và cực rẻ, so với những thuốc mà bệnh nhân trầm cảm phải dùng khoảng vài chục nghìn đến 100 nghìn/ngày mà hiệu quả chưa chắc đã cao, bởi nó đúng với nguyên tắc: Bệnh nhân tâm thần phải điều trị bằng liệu pháp tinh thần, kết hợp với các liệu pháp khác.
Trước đây cả Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và Bệnh viện chuyên khoa tâm thần Khánh Hoà chỉ chú trọng điều trị bằng thuốc. Tham gia dự án này mới chú trọng đến liệu pháp tâm lý, liệu pháp hoạt động, liệu pháp giải trí và các hoạt động kích hoạt hành vi. Bệnh nhân được học lại các kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, giao tiếp, ngôn ngữ, học vẽ, chơi cờ, tập yoga… qua đó, các thầy thuốc sẽ hiểu rõ về tâm lý bệnh nhân để có những can thiệp kịp thời. Dự án đã làm tốt việc truyền thông xã hội, truyền thông cá nhân, truyền thông tại nhà và việc áp dụng các liệu pháp không những can thiệp được bệnh nhân mà còn giúp họ có hiểu biết để truyền thông với nhiều người khác.
Bệnh nhân trầm cảm đăng ký điều trị tại cộng đồng ở TYT phường Hòa Cường Bắc (TP. Đà Nẵng). Ảnh: QD |
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân nên cần có sự phối hợp đa ngành. Mạng lưới của chính phủ Việt Nam đã và sẽ có giải pháp tích cực hơn về chăm sóc SKTTCĐ. Kể cả Bộ Giáo dục & Đào tạo để đưa vào nhà trường. Việc đào tạo cán bộ y tế chắc chắn sẽ được tăng cường. Tội phạm bị tù cũng là đối tượng bị rối loạn tâm thần nên Bộ Công an cũng phải vào cuộc. Ở Úc, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo.
SKTT kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất lao động, chất lượng cuộc sống. Trách nhiệm của xã hội là phải làm sao loại bỏ càng nhiều càng tốt những nguyên nhân gây bệnh.
Sau thảm họa thiên nhiên hay thảm họa do xung đột chính trị, chính quyền mới tìm cách đối phó là muộn. Có thảm họa diễn ra nhanh, có thảm họa diễn ra trong thời gian dài như việc di dân cũng dẫn đến RLTT, như Trung Quốc, Ấn Độ gây tác động rất lớn đến SKTT. Nạn nghiện rượu, ma túy tăng lên cũng là một nguyên nhân đáng kể. Chúng ta phải nhìn trước, đón trước, phải xây dựng chính sách, phải có kế hoạch dự phòng, ứng phó trước khi xảy ra.
Ghi chép của nhà văn Bắc Sơn