Viêm gan C có thể được điều trị khỏi với tỉ lệ 98%
Đối với viêm gan C cấp tính, bệnh khởi phát dưới 6 tháng có thể chữa khỏi được hoàn toàn, nhưng hiệu quả điều trị còn tùy thuộc vào tiến triển bệnh và thể trạng người bệnh. PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết.
Với sự phát triển của y học, hiện bệnh viêm gan C đã được điều trị khỏi bằng phác đồ có các thuốc kháng virus trực tiếp với tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên tới 98%. Đối với bệnh nhân viêm gan C mạn tính thì việc điều trị trở nên phức tạp hơn nhiều. Bệnh nhân buộc phải tuân theo phác đồ điều trị chuyên sâu từ bác sĩ.
Mặc dù việc điều trị cho bệnh nhân đồng nhiễm HIV và viêm gan C sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với chỉ mắc 1 loại virus bởi nguy cơ tương tác thuốc, tỉ lệ kháng thuốc và nguy cơ nhiễm độc thuốc cao hơn. Nếu bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C được phát hiện sớm và tích cực điều trị viêm gan C sẽ góp phần giảm các trường hợp nhiễm mới và tử vong do viêm gan.
Điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV giúp giảm tỉ lệ tử vong
Từ năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia cần tăng cường điều trị viêm gan C trên người bệnh đồng nhiễm HIV để duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV.
Theo thông tin từ Cục phòng chống HIV/AIDS, trong những người đồng nhiễm HIV và viêm gan C có xơ gan giai đoạn đầu, tỉ lệ sống được 3 năm là 87%. Nếu có xơ gan giai đoạn cuối thì tỉ lệ sống được 2 năm chỉ còn 50%. Việc điều trị viêm gan C cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV giúp bệnh nhân sống vui khỏe, tiếp tục ổn định điều trị ARV.
Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn xét nghiệm viêm gan để cán bộ y tế ở tuyến huyện có thể thực hiện sàng lọc, xét nghiệm viêm gan C. Ngoài ra, các hướng dẫn điều trị cũng liên tục được cập nhật, trong đó có phần hướng dẫn chẩn đoán điều trị đồng nhiễm HIV/viêm gan C.
Việc điều trị đồng nhiễm HIV ở bệnh nhân viêm gan virus C được thực hiện như sau:
- Chỉ định điều trị cho tất cả các trường hợp viêm gan C mạn tính đồng nhiễm HIV. Ưu tiên điều trị viêm gan C mạn để giảm mắc và tử vong do xơ gan, ung thư gan.
- Điều trị tương tự như bệnh nhân viêm gan C không nhiễm HIV; ưu tiên sử dụng phác đồ có DAAs;
- Cần điều trị cho bệnh nhân HIV với các thuốc ARV trước cho đến khi số lượng CD4 > 200 tế bào/mm3 hoặc tải lượng HIV RNA đạt dưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml) thì có thể bắt đầu chỉ định cho bệnh nhân điều trị viêm gan C mạn tính.
- Không sử dụng phác đồ có ritonavir cho bệnh nhân HIV chưa được điều trị ARV.
- Khi điều trị HIV đồng thời với viêm gan C cần lưu ý các tương tác thuốc có thể xảy ra giữa các thuốc DAAs và thuốc ARV.
Chúng ta đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV và viêm gan C. Hiện đã có những dấu hiệu tích cực cho việc điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C.
Phần lớn xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C chỉ được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Hơn nữa chi phí cho xét nghiệm và điều trị viêm gan C còn khá cao, mức hưởng từ quỹ bảo hiểm y tế đối với thuốc kháng virus trực tiếp còn thấp cũng là một cản trở cho việc tiếp cận điều trị của người bệnh.
Do đó không phải tất cả các đối tượng đều có khả năng chi trả. Đây là những rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị viêm gan C của người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C nói riêng và các bệnh nhân nhiễm viêm gan C nói chung. Ngoài ra, vấn đề người bệnh tuân thủ điều trị và dự phòng tái nhiễm cho người đã được chữa khỏi cũng là những vấn đề cần quan tâm trong công tác điều trị.
Mời độc giả xem thêm video:
Viêm gan: Những ca bệnh biến chứng đáng sợ