Điều trị tốt sốt xuất huyết, bệnh nhân hài lòng, không phải chuyển tuyến

07-11-2019 07:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - TS.BS Trần Thị Nguyệt Nga – Trưởng khoa Nội, BV Việt Nam – Cuba cho biết, nhờ điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị sốt xuất huyết (SXH). Từ đầu năm đến nay, chưa có ca bệnh SXH điều trị nội trú tại BV Việt Nam – Cuba phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, có nhiều ca biến chứng đa màng đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống.

Theo TS.BS Trần Thị Nguyệt Nga, thống kê trong tháng 10 đã có 250 bệnh nhân nội trú điều trị SXH được xuất viện an toàn. Năm nay, số lượng bệnh nhân SXH không quá nhiều nhưng lượng bệnh nhân vào viện BV Việt Nam – Cuba tăng đáng kể trong thời gian gần đây, đáng chú ý có nhiều trường hợp biến chứng nặng nề như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng...

Để đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, đồng thời tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, BV đã rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị SXH. BV đã bố trí bàn khám sàng lọc SXH, phát tờ rơi phòng chống bệnh SXH cho người dân đến khám, với những trường hợp bệnh nhân nhẹ sẽ được cho về điều trị ngoại trú đồng thời tư vấn chế độ theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bệnh.

Ngay khi thấy dấu hiệu bất thường, dấu hiệu cảnh báo nhập viện, bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế chăm sóc cẩn thận, kết hợp truyền dịch, lấy máu xét nghiệm ngay tại chỗ mà không cần di chuyển xuống khoa xét nghiệm. Khoa Nội cũng đã lắp đặt hệ thống các chuông báo động ngay tại giường bệnh để người dân chỉ cần nhấn nút trong trường hợp khẩn cấp là có nhân viên y tế hỗ trợ ngay.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Nội, BV Việt Nam - Cuba.

Bên cạnh đó, theo TS. Nga, việc điều trị cho bệnh nhân SXH không chỉ đơn giản là chữa bệnh mà hàng ngày các bác sĩ phải thường xuyên tiếp xúc giải thích cho bệnh nhân về chế độ chăm sóc, phục hồi sau khi bị bệnh, cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng thông qua việc vệ sinh nơi ở, nơi công tác, cắt đứt nguồn sinh sôi phát triển của muỗi bằng lật úp các dụng cụ chứa nước...

TS. Nga cũng lưu ý, với các trường hợp SXH, theo kinh nghiệm điều trị cá nhân bác sĩ thì có đến 90% bệnh nhân SXH trở nặng khi đến ngày bệnh thứ 5, bệnh nhân dễ giảm tiểu cầu, gặp các biến chứng tràn dịch màng phổi, màng bụng... Do đó, người bệnh cần hết sức lưu ý theo dõi sức khỏe sát sao, ngay cả khi hết sốt cũng không nên chủ quan. Khi điều trị bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh lao động nhiều trong giai đoạn sốt. Thực tế có không ít người bệnh chủ quan đến khi bệnh nặng mới vào viện thì rất nguy hiểm.

Nhờ làm tốt công tác khám sàng lọc ban đầu, sắp xếp hợp lý và điều trị tốt bệnh nhân SXH (với sự chuẩn bị đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và chế phẩm máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu cho người bệnh mắc SXH) nên từ đầu năm đến nay, chưa có ca bệnh SXH điều trị nội trú tại BV Việt Nam – Cuba phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Đây là điều rất đáng phấn khởi, tạo niềm tin cho người dân, nâng cao lượng điều trị, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Sau khi điều trị tại Khoa Nội, BV Việt Nam – Cuba, không ít bệnh nhân khỏi bệnh đã xúc động và gửi thư cảm ơn đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tại đây. Bệnh nhân chia sẻ: Điều trị tại đây, các bác sĩ tìm ra đúng bệnh, điều trị tận tình, tâm huyết, thái độ niềm nở, cởi mở và giải thích, tư vấn rất hữu ích từ lúc chúng tôi vào viện cho đến khi ra viện vẫn luôn được tư vấn nhiệt tình, giải đáp mọi thắc mắc của bệnh nhân. Các cán bộ và nhân viên ở đây tài năng và đức độ, xứng đáng “Lương y như từ mẫu”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội dự báo, những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thất thường, số mắc có thể tăng cao do đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng 10 và 11.
Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt; nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển. Do vậy, người dân không nên chủ quan. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêu diệt ổ bọ gậy bằng cách phát quang bụi rậm, đậy kín các thiết bị chứa nước hay phun thuốc diệt muỗi…
Những vật dụng không dùng đến như xe cũ, tủ lạnh, máy giặt... cũng có thể trở thành các điểm sinh sản của muỗi; vì vậy không nên để ngoài trời cho nước mưa đọng lại.
Ngoài ra, khi có biểu hiện mắc bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể tránh chủ quan, dẫn đến những biến chứng nặng.

Lê Nguyên
Ý kiến của bạn