Ngày hậu phẫu thứ 5, diễn tiến bệnh ổn dần, thuận lợi, vết mổ không nhiễm, chức năng thận có khá hơn. Hy vọng chuyến này ông cụ sau khi xuất viện có thể về quê ăn Tết vui vẻ với gia đình. Các con ông cũng mừng vì đã có một quyết định điều trị đúng đắn cho cha mình, nếu không thì…
Làm ở khoa cấp cứu chứng kiến nhiều chuyện sống chết của bệnh nhân lâu rồi thành quen. Nhiều chuyện nhớ được thì ghi lại làm kỷ niệm, nếu không quên. Vì vậy, hôm nay rảnh rỗi, anh em bác sĩ ngồi kể lại chuyện cách đây cũng được năm ngày.
Số là ngày đó, có một ông cụ bệnh nhân sinh năm 1944. Ông cụ vào khoa cấp cứu vì đau bụng và ói bốn ngày, gia đình chần chừ đưa ông đi đến bệnh viện. Lý do là vì ông cụ là một bệnh nhân cũ của bệnh viện, đã mổ nhiều lần thận 2 bên, bây giờ chỉ sống bằng một thận bên phải mà còn phải mở thận ra da nữa. Khổ nỗi nước tiểu lâu lâu lại xì ra chân ống, người nhà phải lấy miếng vải to che lại, vì mổ nhiều lần nên gia đình đã mệt mỏi quá rồi!
Sáng hôm đó, có một bác sĩ trẻ của khoa cũ mà ông cụ nằm trước đó đứng gần bệnh nhân xem xem gì đó rồi nói: “Anh ơi, bệnh của ông nặng, ông còn một trái thận thôi đó!”. Một lời nhắn nhủ của đồng nghiệp thật đáng quý làm sao. Các bác sĩ cấp cứu sau khi khám bệnh một vòng với bác sĩ trưởng khoa, hội chẩn bàn bạc với nhau rồi đi tới quyết định cuối cùng là phải mổ cấp cứu cho cụ với chẩn đoán là lồng ruột. Đây là một bệnh hiếm ở người lớn, tuy nhiên, một khi đã có chẩn đoán lồng ruột là phải mổ ngay, bệnh lý nguy hiểm cho bệnh nhân vì nguy cơ chất độc ứ trong người và nhất là nguy cơ hoại tử ruột rất cao.
Người chịu trách nhiệm mổ là BS T. nên anh mời tất cả người nhà gồm có ba người con cả trai lẫn gái vào giải thích tình hình bệnh tật của cụ, rất chi li và tận tình. Sau khi nghe giải thích xong, người nhà rất lo lắng. Một phần vì kinh tế khó khăn, một phần người nhà lo không biết mổ có an toàn không, sau mổ bệnh nhân sống hay là chết. Họ đi ra ngoài, sau một thời gian lại vào xin về, làm anh BS T. rất sốt ruột vì muốn mổ cứu ông cụ sớm, không thể chờ lâu hơn nữa mà người nhà chần chừ hoài. Anh cố gắng giải thích thiệt hơn một lần nữa, nhóm người nhà nghe xong cũng chưa đồng ý ngay, họ ra bên ngoài hội ý tiếp, chạy ra chạy vô. Cuối cùng khoảng 30 phút sau, người nhà mới đồng ý mổ cho cụ.
Sau khi người nhà ký giấy cam kết mổ xong, bệnh nhân được tức tốc đưa vào phòng mổ. Anh BS T. khẩn trương mổ và phát hiện có một khối lồng ruột ở đoạn hổng tràng, đoạn ruột đã tím không thể tháo lồng bảo tồn ruột được đành phải cắt bỏ gần một mét ruột non chứa khối lồng đó và nối ruột lại.
Vài ngày sau, khi đi thăm bệnh sau mổ có một anh người nhà đòi gặp anh BS T.,nói với anh bằng thái độ vừa cảm ơn vừa ân hận:
- Người nhà chúng tôi rất cảm ơn bác sĩ đã cứu ông nhà tôi. Nói thật với bác là ngày hôm đó chúng tôi định đưa ông cụ về nhà chờ chết chứ chúng tôi không còn hy vọng nữa. May mà có bác sĩ tận tình giải thích tình trạng bệnh của ông cụ với tinh thần còn nước còn tát, nhờ vậy mà hôm nay ông già đã qua cơn nguy kịch rồi. Một lần nữa cảm ơn bác sĩ.
BS T. kể lại:
- Mấy anh biết không, con trai ông cụ vừa nói mà như muốn khóc luôn vậy đó, thấy thật là tội nghiệp lắm.
Hôm nay là ngày hậu phẫu thứ năm, diễn tiến bệnh ổn dần, thuận lợi, vết mổ không nhiễm, chức năng thận có khá hơn.
Hy vọng chuyến này ông cụ sau khi xuất viện có thể về quê ăn Tết vui vẻ với gia đình. Các con ông cũng mừng vì đã có một quyết định đúng đắn cho cha mình, nếu không thì….
Số ông cụ đúng là còn “hên”!
BS. Phan Văn Hoàng
Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!