Có 2 bệnh lý thường gặp ở cột sống cổ là thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Có thể là 2 bệnh lý riêng biệt, nhưng đa phần trường hợp thường phối hợp trên cùng một người bệnh (nhất là bệnh nhân từ tuổi trung niên trở nên), có cùng tác động do quá trình thoái hóa của đĩa đệm và đốt sống cổ (gai xương, hẹp lỗ liên hợp...) gây chèn ép các tổ chức lân cận: rễ thần kinh, tủy cổ, mạch máu...
Có sự liên quan bệnh lý của quá trình thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:
- Khi gai đốt sống và đĩa đệm lồi vào trong ống sống gây ra chèn ép tủy sống và rễ thần kinh; còn lồi vào lỗ liên hợp chỉ gây chèn ép rễ, làm ảnh hưởng xấu đến chức năng thần kinh.
- Có vai trò thiếu máu của động mạch và tĩnh mạch (chạy cạnh bện cột sống) bị chèn ép, gây thiếu máu lên não và là một cơ chế sinh lý bệnh học liên quan đến rối loạn thần kinh thực vật.
- Sự chuyển động bất thường của mặt khớp và sự chèn ép tủy từng đợt do gai đốt sống tác động khi chuyển động cổ, có thể gây ra bệnh lý đĩa đệm đốt sống cổ.
- Vai trò chấn thương vùng cổ cấp tính và mãn tính, liên quan đến quá trình thoái hóa và thoát vị đĩa đệm cột sống (tác động rõ hơn trên bệnh nhân đã có sẵn thoái hóa cột sống cổ).
Triệu chứng lâm sàng
Do triệu chứng khởi phát âm thầm và tiến triển từ từ trong thời gian dài, khiến bệnh nhân chủ quan không điều trị kịp thời, đến khi biểu hiện lâm sàng nặng và có nhiều biến chứng, người bệnh ý thức cần được điều trị thì đã chậm trễ, gây khó khăn cho điều trị và tốn kém về thời gian và tiền bạc.
Một số biểu hiện lâm sàng gây hoang mang và nhầm lẫn cho người bệnh, như: tưởng bệnh tim (có đau ngực, hồi hộp...), bệnh phổi (có đau xiên giữa 2 bả vai), bệnh suy nhược thần kinh hay hội chứng tiền đình (có đau nặng đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, hay quên).
Biểu hiện chung ở giai đoạn nhẹ chủ yếu là đau mỏi âm ỉ, kéo dài ở vùng cổ gáy. Đau tăng khi mang xách nặng, ngồi lâu trên máy tính, khi thay đổi thời tiết, về đêm gần sáng và giảm khi nghỉ nghơi và xoa bóp. Kèm theo người bệnh thường mệt mỏi, khó ngủ, ngủ không sâu...
Mức độ nặng hơn có kèm các hội chứng: hội chứng chèn ép rễ thần kinh, hội chứng chèn ép tủy cổ và hội chứng rối loạn thần kinh thực vật.
Hội chứng chèn ép rễ thần kinh: người bệnh thường có biểu hiện đau, tê, yếu cơ ở cổ, gáy. Đau tê lan xuống vai và cánh tay, bàn tay.
- Đau có thể lan dọc xuống dưới đến giữa 2 bả vai, gây đau nhói vùng bả vai, tăng khi ấn chẩn.
- Một số trường hợp đan lan ra trước ngực, gây cơn đau nhói ngực vùng trước tim, kéo dài trong một vài giây gây hoang mang cho người bệnh vì tưởng bị đau tim, thiếu máu cơ tim.
Hội chứng chèn ép tủy cổ: thường có biểu hiện rối loạn cảm giác trong lúc cột sống cổ chỉ đau nhẹ hoặc một số ít người bệnh không đau. Rối loạn vận động là triệu chứng nổi bật, lúc đầu thấy mất khéo léo bàn tay, thay đổi dáng đi, một số người bệnh có cảm giác yếu đột ngột nhưng thoáng qua ở tay, hay nửa bên người.
Ở mức độ nặng hơn có yếu liệt dần dần xuất hiện các biểu hiện yếu liệt một hay 2 tay (kiểu ngoại biên), yếu liệt hai chân (kiểu trung ương). Kèm có rối loạn về phản xạ và cơ vòng (cầu tiểu kém tự chủ).
Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật: có biểu hiện lâm sàng gây nhiều khó chịu cho người bệnh:
- Đổ mồ hôi vùng đầu và gáy, cảm giác ớn lạnh, sợ lạnh.
- Chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng, mắt mờ từng cơn, đôi khi đau ở phần sau hốc mắt, có những cơn đỏ mặt đột ngột, cơn hạ huyết áp, vã mồ hôi, tăng nhu động ruột, cơn đau ngực, khó nuốt do chèn ép thực quản.
- Một số trường hợp nặng có thể thoáng ngất.
Khi có biểu hiện trên, người bệnh cần được đến khám và điều trị kịp thời. tùy mức độ bệnh lý bác sỹ chỉ định một số xét nghiệm, thường:
- Chụp X-quang cột sống cổ C1 - C7: thẳng - nghiêng và chếch 3/4 trái và phải: giúp đánh giá trục cột sống và tình trạng thoái hóa.
- Đo điện cơ: giúp đánh giá vị trí và tình trạng chèn ép các rễ thần kinh.
Chụp cộng hưởng từ MRI: phương pháp chẩn đoán tốt nhất hiện nay, có độ chính xác cao nhất.
Điều trị
Thoái hóa cột cột sống cổ đơn thuần: thường điều trị nội khoa.
Khi bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, tùy từng mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ khuyên bạn nên điều trị như thế nào (phẫu thuật hay điều trị nội khoa). Trên 90% số ca được điều trị nội khoa, trường hợp thoát vị gây chèn ép và có các triệu chứng nặng sẽ xem xét điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa có biện pháp chung:
Giúp phục hồi hoạt động của cột sống - đĩa đệm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Sinh hoạt đúng: vừa có tác dụng điều trị vừa là các biện pháp phòng ngừa và giảm tái phát.
- Nằm nệm hay gường cứng, chú ý gối: mền có độ cao vừa phải.
- Không nên làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính (cứ mỗi 30 - 40 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác tập vận động cột sống cổ, vai và tay). Các động tác tự xoa bóp vùng cổ gáy có tác dụng tốt chống thoái hóa.
- Giữ ấm vùng cổ vai khi trời lạnh, khi đi xe máy và đi ngủ, tránh uống nước đá, nước lạnh. Hạn chế ăn măng, cà pháo, cà tím ...
- Tránh các động tác làm căng cơ cổ như xách vật nặng một tay, đeo túi xách, bê vác nặng.
- Loại trừ thói quen xấu: chế độ ăn ít can xi và khoáng chất, lối sống ít thể dục và ít vận động cũng làm cho quá trình thoái hóa cột sống - đĩa đệm diễn ra nhanh hơn.
Thuốc điều trị:
Kết hợp cả Y học cổ truyền và Y học hiện đại.
Thuốc Y học hiện đại: dùng các nhóm:
- Thuốc giảm đau, thuốc chống viêm: tác dụng tốt giai đoạn đầu.
- Dùng paracetamol: 1g - 2g/ ngày. Đôi khi cần chỉ định các thuốc giảm đau bậc 2: Paracetamol phối hợp với Tramadol 1 - 2g/ngày.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Etoricoxia 30mg - 60mg/ngày, Celecoxib 200mg/ngày, Meloxicam 7,5 - 15mg/ngày.
- Thuốc chống viêm không steroid khác: Diclofenac 50 - 100mg/ngày, Piroxicam 20mg/ngày...
- Thuốc giãn cơ.
- Thuốc giảm viêm rễ thần kinh.
- Thuốc điều trị triệu chứng tác dụng chậm: nên chỉ định sớm, kéo dài, khi có đợt đau, kết hợp với các thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh nêu trên.
- Glucosamine sulfate: 1,5g/ngày.
- Thuốc ức chế Interleukin 1: Diacerein 50mg x 2 viên/ngày.
- Lưu ý: tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc, tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi.
Thuốc Y học cổ truyền: có tác dụng thông kinh mạch, bổ can thận, mạnh gân xương. Theo tác dụng dược lý: chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa (chậm quá trình lão hóa).
- Thuốc sắc, nhiều bài thuốc như: Khương hoạt thắng thấp thang. Thân thống trục ứ thang gia giảm.
- Thuốc viên, hoàn, thuốc ngâm rượu.
Điều trị ngoại khoa:
Cần khám và tư vấn của bác sĩ điều trị về phương pháp, biến chứng sau phẫu thuật và chi phí.
Đa số phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường khoét bỏ đĩa đệm. Phẫu thuật cùng lúc hai đĩa đệm trở lên làm mất vững cột sống nên thường phải cố định cột sống bằng nẹp vít.
Các biện pháp không dùng thuốc:
Tập vật lý trị liệu:
Nghỉ ngơi kết hợp bài tập tại gường: giảm áp lực cho đĩa đệm cột sống, giảm đau, giảm co cứng cơ ( đó là một cách phòng ngừa do luyện tập các cơ đốt sống).
- Kéo giãn cột sống cổ.
- Kết hợp nhiệt điều trị: các phương pháp siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao.
Châm cứu:
Có nhiều kỹ thuật châm cứu có đáp ứng tốt trong điều trị như điện châm, thủy châm, nhu châm.
Cột sống ở cổ gồm có 7 đốt sống.
Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm (ở cột sống cổ), phối hợp với những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch, gây đau, hạn chế vận động cột sống và chèn ép vào rễ thần kinh. Đây là hậu quả của quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp và đĩa đệm cột sống cổ.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là do đĩa đệm thoái hóa chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ. Đây là một bệnh thường gặp và có nhiều biến chứng nguy hiểm.
ThS.BS. ĐỖ TÂN KHOA
(Trưởng khoa khám BV. Y học cổ truyền TP..HCM)