Điều trị thoái hoá khớp gối không dùng thuốc

SKĐS - Châm cứu là phương pháp điều trị thoái hoá khớp gối không cần dùng thuốc. Dùng kim châm vào các huyệt hoặc dùng mồi ngải cứu ấm lên các huyệt.

Châm cứu là một bộ phận quan trọng trong cả hệ thống y học cổ truyền (YHCT) phương Đông. Trong thực tế, châm cứu được chỉ định rộng rãi trong điều trị các bệnh cơ xương khớp và thoái hóa khớp gối.

Theo YHCT, châm cứu giúp loại trừ tà khí, hành khí hoạt huyết thông kinh lạc giúp giảm sưng đau khớp, giảm hạn chế vận động. Châm và cứu giúp bổ can thận hư, bổ gân xương (châm cứu bổ các huyệt Can du, Thận du, Dương lăng tuyền, Tuyệt cốt...) giúp điều trị căn nguyên và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Theo các nghiên cứu, châm cứu có tác dụng giảm đau (do phối hợp nhiều cơ chế như: ức chế dẫn truyền cảm giác đau, kích thích sản sinh morphin nội sinh trong cơ thể), tác động qua cung phản xạ thần kinh giúp điều hòa hoạt động các cơ quan tạng phủ bên trong, chống rối loạn thần kinh chức năng do quá trình bệnh lý kéo dài gây ra.

Điện châm: khi châm cứu kết hợp với thông điện (electroacupuncture EA), là phương pháp điều trị đã được chấp nhận trên toàn thế giới, chủ yếu để điều trị các cơn đau cấp tính và mãn tính). Theo tác giả Ji-Sheng Han, qua các nghiên cứu về cơ chế giảm đau của đã chứng minh endorphin (các peptide opioid - morphin giảm đau nội sinh) trong hệ thống thần kinh trung ương đóng một vai trò thiết yếu trong việc làm trung gian cho tác dụng của điện châm. Các loại khác nhau của neuropeptides được tiết ra bởi điện châm với tần số khác nhau.Ví dụ, điện châm với tần số 2Hz làm tăng tiết 3 loại morphin nội sinh (enkephalin, b-endorphin và endomorphin), trong khi đó với tần số 100Hz làm tăng tiết 1 loại morphin nội sinh khác (dynorphin).Một sự kết hợp của hai tần số tạo ra một kích thích làm tăng đồng thời cả 4 loại morphin nội sinh, dẫn đến một hiệu quả điều trị giảm đau tối đa. Phát hiện này đã được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng có hiệu quả cao trên bệnh nhân đau mãn tính như đau lưng, đau khớp gối...

Phát triển kỹ thuật châm cứu kết hợp với hiện đại

Thủy châm (dùng kim đưa 1 lượng nhỏ thuốc - thường là thuốc bổ vào huyệt): tác dụng được gia tăng nhờ tăng tác động lên huyệt châm và phối hợp với tác dụng dược lý của thuốc. Thủy châm có hiệu quả cao trong điều trị giảm đau khớp và tăng tác dụng bổ gân xương khi thủy châm các huyệt bổ thận, bổ gân (như huyệt Thận du, Dương lăng tuyền…). Cũng cần lưu ý, thủy châm chỉ bơm thuốc vô huyệt, không phải là bơm thuốc vô khớp.

Cấy chỉ (nhu châm): đưa chỉ tiêu catgut hoặc chỉ tiêu khác vô huyệt, khi chỉ tiêu tan dần trong huyệt giúp gia tăng thời gian kích thích lên huyệt và kích thích tăng chuyển hóa, tăng tuần hoàn nuôi dưỡng tại vùng được cấy chỉ. Khi dùng phương pháp cấy chỉ mang lại 2 lợi ích cho người bệnh, đó là tăng hiệu quả và tiết kiệm thời gian cũng như tài chính (do liệu trình cấy chỉ trung bình 2 - 4 tuần/ cấy 1 lần).

Hình ảnh Dị vật trong khớp gối

Thời gian: châm cứu, điện châm và thủy châm ngày 1 lần, một đợt điều trị (liệu trình) thông thường 20 lần châm/1 liệu trình (châm cứu, điện châm), riêng thủy châm thông thường 10 -15 lần/liệu trình. Có thể châm từ 1 - 3 liệu trình tùy theo diễn tiến và mức độ bệnh nặng nhẹ của riêng từng bệnh nhân (giữa 2 liệu trình, nghỉ 5 - 7 ngày).

Cấy chỉ (nhu châm), từ 2 - 4 tuần cấy 1 lần, thông thường cấy chỉ 3 lần.

Qua thực tiễn điều trị thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, các phương pháp châm cứu, điện châm, thủy châm và nhu châm đều có hiệu quả cao. Trong điều trị tùy theo giai đoạn đau (cấp tính hay mạn tính kéo dài), thầy thuốc chọn lựa những phương pháp và thời gian phù hợp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Người thoái hóa khớp gối cần hạn chế đứng lâu, đi bộ nhiều, trong đợt đau cấp tính cần được nghỉ nghơi. Những động tác thể dục phù hợp là bơi và đạp xe đạp, thời gian trung bình 30 phút/ngày. Cần có chế độ ăn uống giàu canxi và khoáng chất; kiểm soát cân nặng. Đây là những điều cần thiết giúp phòng ngừa, điều trị và chống tái phát ở những người bệnh thoái hóa khớp gối.

ThS.BS. ĐỖ TÂN KHOA

Trưởng khoa Khám bệnh BV. Y học cổ truyền TP.HCM


Ý kiến của bạn