Hà Nội

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng Đông y

10-07-2011 14:17 | Bệnh thường gặp
google news

Thoái hóa khớp (còn gọi là hư khớp, viêm xương khớp) là bệnh lý cơ xương khớp thường gặp nhất trên lâm sàng. Vị trí bị thoái hóa khớp có tỷ lệ cao nhất là: cột sống thắt lưng 31%, cột sống cổ 14% và ở khớp gối 13%. Riêng thoái hóa khớp gối có tỷ lệ mắc bệnh đứng hàng thứ 3,

Thoái hóa khớp (còn gọi là hư khớp, viêm xương khớp) là bệnh lý cơ xương khớp thường gặp nhất trên lâm sàng. Vị trí bị thoái hóa khớp có tỷ lệ cao nhất là: cột sống thắt lưng 31%, cột sống cổ 14% và ở khớp gối 13%. Riêng thoái hóa khớp gối có tỷ lệ mắc bệnh đứng hàng thứ 3, nhưng đứng đầu thoái hóa khớp ở các chi và đang là nguyên nhân hàng đầu gây hạn chế vận động và tàn tật ở người có tuổi.

 Thoái hóa khớp gối có thể điều trị bằng các bài thuốc Đông y
Biểu hiện lâm sàng chính của bệnh là đau, cứng khớp và hạn chế vận động.

Người bệnh thường khởi đau sau vận động đi lại nhiều, mang xách nặng và thay đổi thời tiết… Đau sâu ở khớp gối kiểu cơ học (đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi), khó khăn khi đi lại, lên xuống cầu thang. Cứng khớp buổi sáng kéo dài từ 5 – 30 phút và dấu lạo xạo ở khớp khi vận động.

Đôi khi khớp gối có sưng, phù nề các tổ chức tổ chức quang khớp, hoặc có thể teo cơ cạnh khớp gối do hạn chế vận động.

Dấu hiệu chụp X-quang(khớp gối)có: gai xương, hẹp khe khớp gối và xơ xương dưới sụn.

Các biểu hiện lâm sàng của thoái hóa khớp gối theo Y học cổ truyền: được mô tả trong phạm vi chứng Tý hay bệnh Tý: biểu hiện bằng đau sưng khớp, gối kêu lạo xạo, co cứng gân cơ, đi lại khó khăn,..

Nguyên nhân

Ngoại nhân(thay đổi thời tiết): thừa khi cơ thể suy yếu (vệ khí là yếu tố bảo vệ không đầy đủ) thì tà khí: phong, hàn, thấp tà (gió, lạnh, ẩm thấp) xâm nhập vào làm cho sự vận hành của khí huyết tắc lại, gây sưng, đau, tê nặng ở khớp. Gặp ở những bệnh nhân đau khớp sau nhiễm mưa, nhiễm lạnh, thời tiết chuyển mùa...

Nội thương (yếu tố thể tạng, cơ địa): do người già lớn tuổi hoặc mắc bệnh lâu ngày làm cho tạng can, tạng thậnn bị hư suy, khí huyết giảm sút dẫn đến thận hư không chủ được cốt tủy gây đau nhức trong xương - khớp, gối kêu lạo xạo, đi đứng yếu đau.

Tạng can hư không nuôi dưỡng được gân (theo YHCT gối là chỗ biểu hiện của gân) gân yếu bại thì co duỗi cứng hoặc yếu, teo. Kết quả làm khớp xương bị đau, co duỗi cứng và đi lại khó khăn. Nặng thì khớp bị biến dạng, còn gân cơ bị teo. Gặp ở những trường hợp đau khớp ở người có tuổi, bệnh mạn tính như: đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, béo phì…

Nguyên nhân khác (môi trường sống): điều kiện sống và làm việc trong môi trường ẩm thấp, ngâm tẩm thường xuyên dưới nước, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, làm việc mệt nhọc lại bị mưa rét thường xuyên. Vận động quá mức, mang xách nặng (gây sang chấn).

Thực tế khó phân biệt được nguyên nhân cụ thể, mà các nguyên nhân gây bệnh thường kết hợp với nhau, tạo ra nhiều thể lâm sàng đa dạng, ví dụ trên một người lớn tuổi kết hợp với nhiễm mưa lạnh hoặc đi bộ quá nhiều gây đau sưng khớp gối.

Điều trị

Không có thuốc chữa quá trình thoái hóa của khớp; điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng là quan trọng. Mục đích điều trị: giảm đau cho người bệnh và duy trì chức năng vận động của khớp. Qua thực tiễn lâm sàng, để đạt kết quả điều trị tốt cần phối hợp toàn diện giữa phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu. tập vật lý trị liệu, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý.

Với mỗi bệnh nhân với mỗi mức độ bệnh cần được bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị phù hợp.

Phương pháp chữa nhằm: lưu thông khí huyết, đưa tà khí ra ngoài, bổ khí huyết và bổ can than, mạnh gân xương để giảm đau và chống tái phát.

Trong kho tàng YHCT còn lưu truyền và sử dụng rộng rãi nhiều bài thuốc trong điều trị bệnh thoái hóa khớp gối như bài Bạch hổ thang, Thược dược tri mẫu thang, PT5... Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang thường được chỉ định nhất, cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng tốt và không có tác dụng phụ.

Bài thuốc Độc hoạt tang ký sinh thang:

Độc hoạt 12g, tế tân 4, sinh địa 12g, đảng sâm 12g, quế chi 4g, phòng phong 10g, đương quy 12g, phục linh 10g, tang ký sinh 16g, ngưu tất (Bắc) 12g, bạch thược 10g, cam thảo(Bắc) 4g, tần giao 8g, đỗ trọng(Bắc) 12g, xuyên khung 8.

Bài thuốc PT5 :

Lá lốt 10g, thiên niên kiện 10g, hà thủ ô 12g, mắc cỡ (trinh nữ) 12g, cỏ xước 16g, sinh địa 12g, quế chi 8g, thổ phục linh 16g.

Các phương pháp không dùng thuốc:

Châm cứu: thường chọn các huyệt tại chỗ như: độc tỵ, hạc đỉnh, âm lăng tuyền... Châm tả (kích thích xung điện với tần số 60 -100Hz), hoặc cứu tả.

- Kết hợp bổ khí huyết, bổ can thận, mạnh gân xương: dùng châm bổ các huyệt can du, thận du, dương lăng tuyền, huyết hải…

- Thủy châm (vitamine nhóm B…): thận du, can du, huyết hải…

- Điện phân (dùng dòng điện một chiều đều), tác dụng tốt cho giảm đau và tăng nuôi dưỡng khớp, tránh teo cơ.

- Châm ngày 1 lần, một liệu trình từ 10 -20 lần châm.

Nghỉ ngơi: nên nghỉ nghơi, hạn chế đi lại khi khớp gối đau sưng.

- Các biện pháp bảo vệ khớp: tránh đi bộ nhiều, đeo băng thun khớp gối.

Đau nhiều dùng nạng, can chống.

- Chú ý vấn đề giảm cân đối với các bệnh nhân béo phì... Với nghề nghiệp phải đứng lâu, nếu có thể hướng dẫn cho người bệnh nhân thích nghi với điều kiện làm việc.

Vật lý trị liệu: phục hồi chức năng nhằm giảm đau, duy trì vận động khớp, làm mạnh cơ tứ đầu đùi, ngăn ngừa biến dạng khớp gối.

- Tập theo hướng dẫn của kỹ thuật viên.

- Đạp xe đạp từ 10 - 30 phút/ ngày

- Nhiệt trị liệu: chiếu đèn hồng ngoại 15 - 30 phút/ ngày. Tắm nước khoáng nóng, đắp bùn...

ThS. BS. ĐỖ TÂN KHOA


Ý kiến của bạn