1.Nguyên nhân gây thiếu máu?
Các nguyên nhân thường gặp của thiếu máu: Di truyền; bệnh huyết sắc tố; bệnh thalassemia; các bất thường của enzyme; chảy máu; tan máu; bệnh lý tủy xương; các bệnh mãn tính (bệnh thận mãn tính, bệnh gan, viêm mãn tính, bệnh hệ thống, các bệnh ung thư khác…); nhiễm trùng (viêm gan do virus, nhiễm khuẩn huyết, sốt rét)…
Để biết có bị thiếu máu hay không, cần dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu thì bác sĩ mới kết luận được. Khi bị thiếu máu nhẹ, các dấu hiệu lâm sàng thường không rõ ràng và dễ bị lẫn với các dấu hiệu của các bệnh khác như bệnh tim mạch, bệnh gan… Các dấu hiệu của thiếu máu chỉ rõ khi bị thiếu máu vừa hoặc nặng.
- Các dấu hiệu cơ năng gồm: Cảm giác mệt mỏi có thể liên tục hoặc khi vận động, làm việc; ăn uống giảm sút; cảm giác tức ngực, đánh trống ngực, khó thở khi hoạt động; mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc… thiếu máu nặng có thể dẫn đến hoa mắt chóng mặt, thậm chí choáng hoặc ngất…
- Các dấu hiệu thực thể (được phát hiện bằng thăm khám): Da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc môi hoặc mắt), móng tay, móng chân nhợt, khô, giòn dễ gãy, nhịp tim tăng, nhịp thở tăng…
Thiếu máu mạn tính thường tiến triển rất chậm, nên người bệnh rất khó tự mình nhận biết được cho đến khi tình trạng thiếu máu nặng. Thiếu máu cấp tính thì các triệu chứng đến rất nhanh và rõ ràng nên người bệnh có thể tự phát hiện được rất sớm.
Tuy nhiên, không phải cứ có cảm giác mệt mỏi, thậm chí choáng hoặc ngất là nghĩ ngay đến thiếu máu vì các dấu hiệu trên có thể gặp trong rất nhiều các bệnh khác nhau.
Để xác định thiếu máu cần đi khám và làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (bao gồm cả xét nghiệm hồng cầu lưới). Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là xét nghiệm đếm số lượng các loại tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, định lượng huyết sắc tố, phân tích hình thái và tỷ lệ % của các loại tế bào máu… Với các xét nghiệm, bác sĩ có thể xác định được bệnh nhân có bị thiếu máu hay không, nguyên nhân gây thiếu máu và có biện pháp điều trị thích hợp.
2. Điều trị thiếu máu như thế nào?
Phương pháp và thuốc điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây thiếu máu. Mỗi nguyên nhân có phương pháp điều trị đặc hiệu khác nhau. Truyền máu là phương pháp điều trị chung duy nhất cho tất cả các loại thiếu máu. Tuy nhiên, truyền máu chỉ được chỉ định khi các phương pháp điều trị không có hiệu quả hoặc bệnh nhân bị thiếu máu quá nặng.
2.1 Thiếu máu do dinh dưỡng
Tình trạng này do dinh dưỡng không đầy đủ như: Thiếu sắt, thiếu vitamin B12, thiếu folate và thiếu dinh dưỡng toàn thể...
- Thiếu sắt: Điều trị chủ yếu bằng các thuốc có chứa sắt. Các thuốc có chứa sắt có thể dưới dạng uống hoặc dưới dạng tiêm truyền đường tĩnh mạch. Nguyên nhân gây thiếu sắt có thể do chế độ ăn không đủ sắt hoặc sắt không được hấp thu do bệnh đường tiêu hóa (ví dụ như cắt đoạn ruột non…) hoặc bị mất sắt do bị mất máu kéo dài (xuất huyết đường tiêu hóa, kinh nguyện kéo dài, u xơ tử cung...). Trong quá trình điều trị thiếu máu do thiếu sắt, cần xác định được nguyên nhân gây thiếu sắt để điều trị.
- Thiếu máu do thiếu vitamin B12: Thiếu vitamin B12 và axit folic có thể gây bệnh thiếu máu dai dẳng có đặc điểm hồng cầu kích thước to. Nguyên nhân gây bệnh thường do đường tiêu hóa không hấp thu được các chất trên hoặc do chế độ ăn uống thiếu vitamin B12 và axit folic. Điều trị chủ yếu bằng bổ sung vitamin B12 (thường là đường tiêm) và axit folic. Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải sử dụng hai thuốc này trong suốt cuộc đời.
Thiếu folate và thiếu dinh dưỡng toàn thể ngoài bổ sung sắt và vitamin còn cần bổ sung một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không ăn kiêng khem và không ăn chay toàn phần.
2.2 Thiếu máu trong các bệnh mãn tính
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu tập trung điều trị bệnh mãn tính chính. Trong trường hợp này, các thuốc bổ máu thường không có tác dụng, do đó không nên dùng. Nếu thiếu máu nặng thì cần chỉ định truyền khối hồng cầu. Trường hợp thiếu máu mức độ trung bình có thể chỉ định thuốc kích thích tủy sinh hồng cầu gọi là erythropoietin.
2.3 Thiếu máu do các bệnh lý tủy xương
Tùy theo từng loại bệnh có các phương pháp điều trị riêng. Theo đó có thể dùng các thuốc đơn thuần đến hóa trị liệu, xạ trị hoặc ghép tủy xương...
2.4 Thiếu máu do tan máu
Hồng cầu trong cơ thể có thể bị vỡ do cơ thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, do phản ứng với một loại thuốc nào đó mà bệnh nhân đang sử dụng. Hoặc do bệnh tự miễn- nghĩa là cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại hồng cầu của chính mình.
Các thuốc ức chế miễn dịch như prednisolon, cyclophosphamid, gamma globulin… sẽ được chỉ định để điều trị bệnh thiếu máu tan máu tự miễn. Tan máu tự miễn mãn tính, kéo dài sẽ làm cho lách to ra. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể phải chỉ định cắt lách.
2.5 Thiếu máu tan máu bẩm sinh
Loại thiếu máu này thường không có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng. Các thể tan máu bẩm sinh vừa và nặng sẽ cần được truyền khối hồng cầu định kỳ. Bệnh nhân cũng sẽ được kiểm tra lượng sắt trong cơ thể thường xuyên để kịp thời sử dụng các thuốc có tác dụng tăng thải sắt ra khỏi cơ thể.
3. Dự phòng thiếu máu bằng cách nào?
Đa số các dạng thiếu máu đều không có dự báo trước, như vậy không thể đề phòng được. Tuy nhiên, các trường thiếu máu do thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt do chế độ ăn, thì chúng ta hoàn toàn có thể dự phòng. Trong các trường hợp này, chúng ta nên ăn chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và có các loại thực phẩm dưới đây:
- Sắt: Nguồn thực phầm giàu chất sắt nhất là thịt bò và các loại thịt khác. Một số loại thực phẩm khác cũng giàu chất sắt như: Đậu xanh, đậu lăng, các loại rau xanh, các quả khô, củ lạc…
- Axit folic: Có trong các loại quả như cam, quýt, chuối, các loại rau xanh….
- Vitamin B12: Có trong các loại thịt và trong hầu hết các loại thực phẩm.
- Vitamin C: Giúp cơ thể tăng hấp thu sắt, thường có trong các loại hoa quả và rau…
Trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ cần ăn các loại thực phẩm có giầu chất sắt nhiều hơn những người khác vì nhu cầu về sắt của nhóm người này thường cao hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
Nghỉ hè: Trẻ ăn gì đảm bảo sức khỏe và phòng bệnh mùa hè?