Điều trị thiếu máu do thiếu sắt như thế nào?

15-06-2024 09:07 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thiếu máu do thiếu sắt là dạng thiếu máu phổ biến nhất. Đây là một chứng rối loạn về máu ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu. Điều trị thiếu máu do thiếu sắt bằng cách điều trị tình trạng gây thiếu máu và/hoặc kê đơn bổ sung sắt…

Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt để tạo ra huyết sắc tố, một chất trong tế bào hồng cầu cho phép chúng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Do đó, thiếu sắt có thể khiến bạn cảm thấy khó thở hoặc mệt mỏi… Những triệu chứng này phát triển theo thời gian.

1. Thiếu máu do thiếu sắt phát triển như thế nào?

Thông thường, cơ thể lấy sắt từ thực phẩm ăn hàng ngày, dự trữ lượng sắt dư thừa để sử dụng khi cần thiết, nhằm tạo ra huyết sắc tố.

Bệnh thiếu máu do thiếu sắt phát triển khi cơ thể sử dụng lượng sắt dự trữ nhanh hơn mức nạp vào hoặc khi kém hấp thu. Điều này xảy ra trong ba giai đoạn:

- Giai đoạn đầu tiên (Kho sắt cạn kiệt): Trong giai đoạn này, việc cung cấp sắt để tạo ra huyết sắc tố và hồng cầu mới đang giảm dần nhưng vẫn chưa ảnh hưởng đến hống cầu.

- Giai đoạn thứ hai (Khi lượng sắt dự trữ thấp): Quá trình tạo hồng cầu bình thường sẽ bị thay đổi sẽ phát triển tình trạng gọi là tạo hồng cầu do thiếu sắt hay thiếu sắt tiềm ẩn. Trong giai đoạn này, tủy xương tạo ra các tế bào hồng cầu không có đủ huyết sắc tố.

- Giai đoạn thứ ba: Thiếu máu do thiếu sắt phát triển do không có đủ chất sắt để tạo ra huyết sắc tố cho hồng cầu. Ở giai đoạn này, nồng độ hemoglobin sẽ giảm xuống dưới mức bình thường. Đây là lúc bạn có thể bắt đầu nhận thấy các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt.

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt như thế nào?- Ảnh 1.

Thiếu máu do thiếu sắt khiến có thể mệt mỏi, thiếu năng lượng…

2. Ai có khả năng bị thiếu máu do thiếu sắt?

Hầu như bất cứ ai cũng có thể bị thiếu máu do thiếu sắt. Những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai, đang cho con bú có nhiều khả năng bị thiếu máu do thiếu sắt hơn những phụ nữ đã trải qua thời kỹ mãn kinh hoặc nam giới.

Ngoài ra, những nhóm người dưới đây cũng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt:

- Một số trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 6 tháng đến 12 tháng: Trẻ sinh ra đã nhận được sắt từ mẹ trong suốt quá trình mang thai. Tuy nhiên, nguồn cung cấp sắt đó sẽ cạn kiệt sau 4-6 tháng. Với những trẻ chỉ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức không được tăng cường sắt, có thể không nhận đủ chất sắt.

- Trẻ từ 1 đến 2 tuổi: Nhiều trường hợp trẻ nhỏ uống nhiều sữa bò có thể không được cung cấp đủ chất sắt.

- Thanh thiếu niên: Ở nhóm này do tăng trưởng nhanh, nên có thể sử dụng hết lượng sắt dự trữ nhanh hơn, gây thiếu sắt.

- Người lớn trên 65 tuổi: Người lớn tuổi có thể không nhận được đủ lượng chất sắt cần thiết vì họ ăn ít thức ăn hơn.

- Những người mắc một số bệnh mạn tính, rối loạn tủy xương hoặc rối loạn tự miễn dịch...

3. Điều trị thiếu máu thiếu sắt

Bác sĩ có thể điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt theo nhiều cách khác nhau:

3.1 Chất bổ sung sắt

Sắt có nhiều lợi ích và là một trong những khoáng chất quan trọng nhất đối với cơ thể. Sắt cần thiết để sản xuất hemoglobin và myoglobin. Hemoglobin giúp các tế bào hồng cầu (RBC) mang oxy đi khắp cơ thể và myoglobin là một loại protein giúp cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ bắp.

Mặc dù tất cả các tế bào của con người đều chứa sắt nhưng sắt chủ yếu được tìm thấy trong hồng cầu. Bổ sung sắt đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh thiếu máu (lượng hồng cầu khỏe mạnh thấp), đặc biệt là thiếu máu do thiếu sắt.

Một số sản phẩm bổ sung sắt như: Sắt sunfat, sắt gluconate, sắt citrat, sắt sunfat…

Căn cứ vào tình trạng thiếu sắt của mỗi người, bác sĩ sẽ kê đơn liều phù hợp. Sắt cũng có sẵn ở dạng lỏng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Để cải thiện khả năng cơ thể hấp thụ chất sắt trong viên thuốc, người bệnh cần lưu ý:

- Uống viên sắt khi bụng đói: Nếu có thể, hãy uống viên sắt khi bụng đói. Tuy nhiên, vì viên sắt có thể gây khó chịu cho dạ dày ở một số người, nên có thể cần uống viên sắt trong bữa ăn (để khắc phục tình trạng này).

- Không dùng sắt với thuốc kháng axit: Các loại thuốc này có thể cản trở quá trình hấp thu sắt. Uống sắt hai giờ trước hoặc bốn giờ sau khi dùng thuốc kháng axit.

- Uống viên sắt kèm vitamin C: Vitamin C giúp cải thiện sự hấp thu sắt. Do đó, nên uống vitamin C (hoặc một ly nước cam) cùng với sắt. Ngoài ra, ăn thực phẩm giàu vitamin C đồng thời với phẩm giàu chất sắt có thể giúp ích. Một số thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, các loại rau như bông cải xanh và rau lá xanh, dâu tây, cà chua và ớt…

- Tác dụng phụ của sắt: Bổ sung sắt có thể gây táo bón, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ợ nóng… Nếu táo bón nghiêm trọng hơn, có thể cần dùng thuốc làm mềm phân. Ngoài ra, sắt có thể làm phân có màu đen, đây là một tác dụng phụ vô hại.

3.2 Bổ sung thực phẩm giàu sắt

Bạn cũng có thể nhận được nhiều chất sắt hơn trong chế độ ăn uống của mình bằng cách ăn nhiều thực phẩm sau:

  • Thịt bò, thịt lợn, gan, thịt gà, gà tây, vịt và động vật có vỏ.
  • Các loại rau lá xanh như bông cải xanh, cải xoăn…
  • Đậu Hà Lan, đậu lima, đậu mắt đen và đậu pinto
  • Ngũ cốc giàu sắt và các loại ngũ cốc khác
  • Trái cây sấy khô, chẳng hạn như mận và nho khô

Lưu ý: Cơ thể hấp thụ nhiều chất sắt từ thịt hơn là từ các thực phẩm thực vật và các nguồn khác. Nếu bạn không ăn thịt, việc bổ sung các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu chất sắt vào chế độ ăn uống của bạn có thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

3.3 Điều trị nguyên nhân cơ bản gây thiếu sắt

Tùy thuộc vào nguyên nhân, điều trị thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm:

  • Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai để làm giảm lượng kinh nguyệt ra nhiều.
  • Thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác để điều trị loét dạ dày tá tràng (nguyên nhân gây mất máu làm thiếu sắt).
  • Phẫu thuật cắt bỏ polyp chảy máu, khối u hoặc u xơ…

Nếu thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng, bạn có thể cần tiêm sắt vào tĩnh mạch hoặc có thể cần truyền máu để giúp thay thế sắt và huyết sắc tố một cách nhanh chóng.

3. Lưu ý khi dùng thuốc

- Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt, do đó nếu nghi ngờ thiếu máu nên đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp.

- Người bệnh có thể cần phải bổ sung sắt trong vài tháng hoặc hơn để đưa mức độ sắt về mức bình thường. Do đó, khi được kê đơn bổ sung sắt, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám (xét nghiệm máu) theo lịch hẹn.

- Cố gắng uống thuốc sắt khi bụng đói khoảng 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn. Không dùng thuốc kháng axit hoặc uống sữa/ đồ uống có chứa caffeine (chẳng hạn như cà phê, trà hoặc cola) cùng lúc hoặc trong vòng 2 giờ sau khi bạn uống thuốc sắt.

- Không dùng vượt quá giới hạn khuyến cáo của bác sĩ. Uống quá nhiều chất sắt từ thực phẩm bổ sung có thể dẫn đến khó chịu ở dạ dày và táo bón. Sắt dư thừa có thể gây độc, viêm niêm mạc dạ dày và loét, làm giảm hấp thu kẽm. Sự tích tụ nồng độ sắt trong cơ thể cuối cùng có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan và bệnh tim. Trong trường hợp nghiêm trọng, dùng quá liều sắt có thể dẫn đến suy nội tạng, hôn mê và tử vong.

- Nên ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước hàng ngày giúp giảm táo bón do dùng sắt.

Mời độc giả xem thêm:

Dấu hiệu thiếu sắt và cách phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắtDấu hiệu thiếu sắt và cách phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt

SKĐS - Sắt là khoáng chất quan trọng trong việc tạo máu. Thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, đây là bệnh lý khá phổ biến và gây nguy hiểm tới sức khỏe. Vì vậy bạn cần nắm được cách dấu hiệu thiếu sắt thiếu máu để có phương pháp bổ sung sắt đúng và đủ.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn