Điều trị thiếu máu do bệnh trĩ bằng y học cổ truyền

SKĐS - Trĩ là bệnh phổ biến hay gặp ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Bệnh ít nguy hiểm, nhưng gây nhiều trở ngại, phiền phức trong sinh hoạt. Ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sống và tâm sinh lý của người bệnh.

Bệnh trĩ là bệnh xảy ra do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn. Trong trạng thái bình thường, các mô này giúp kiểm soát phân thải ra. Khi các mô này phình lên do sưng, viêm thì gọi là trĩ.

Trĩ nội: Nằm bên trong trực tràng và thường không gây khó chịu nên người mắc phải sẽ không thể cảm thấy hay nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, khi đi đại tiện, các búi trĩ có thể chịu áp lực và kích thích dẫn đến chảy máu. Thỉnh thoảng, áp lực có thể khiến búi trĩ nội lòi ra ngoài gọi là sa búi trĩ, gây đau và khó chịu.

Trĩ ngoại: Trĩ ngoại thường nằm ở vùng da quanh hậu môn. Khi bị kích thích, trĩ ngoại có thể gây ngứa hoặc chảy máu. Đôi khi máu có thể ứ lại ở bên trong búi trĩ, tạo thành những cục máu đông, khiến búi trĩ sưng viêm, đau dữ dội.

Điều trị thiếu máu  do bệnh trĩ bằng y học cổ truyền

Yếu tố nguy cơ

- Ngồi lâu thường xuyên.

- Tiêu chảy hoặc táo bón mãn tính.

- Béo phì.

- Mang thai.

- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

- Chế độ ăn ít chất xơ.

- Độ tuổi: bệnh thường xảy ra hơn ở người cao tuổi.

- Gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người thường xuyên lao động nặng.

- U vùng tiểu khung bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung.

- Sa tử cung ở phụ nữ.

Tác hại

Khi đi cầu, áp lực rặn khiến búi trĩ phình ra. Phân đi ngang búi trĩ làm xước bề mặt búi trĩ, gây chảy máu. Nếu mạch máu lớn có thể nghiêm trọng và khó cầm máu hơn.

Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống nhiễm trùng có nguy cơ chảy máu cao hơn. Búi trĩ có thể tạo ra một “con đường” dễ dàng cho vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng.

Mẹo cầm máu: Nếu trường hợp chảy máu nhiều xảy ra, có thể nằm xuống và đặt gối dưới búi trĩ để nâng mông lên trên tim. Tránh gãi trĩ, dùng áp lực nhẹ nhàng để ngăn chảy máu. Búi trĩ sẽ ngừng chảy máu trong vòng vài phút.

Hãy đến các cơ sở y tế nếu như có các trường hợp sau đây:

- Chảy máu rất nặng.

- Chóng mặt.

- Chảy máu kéo dài hơn một vài phút.

- Đau dữ dội.

Theo y học cổ truyền, bệnh trĩ sinh là do khí hư, khí trệ khiến đại tràng không thông, làm cho cơ nhục yếu và tổn thương giáng hạ mạch lạc, sinh ra tình trạng huyết ứ ở trực tràng hậu môn. Nếu không cải thiện khí trệ và huyết ứ kịp thời, mạch lạc giãn ngày càng sa xuống khiến búi trĩ ứ huyết và chảy máu.

Nguyên nhân khiến khí và thấp nhiệt ngưng kết ở đại tràng là do mắc các bệnh nội sinh về tâm - tỳ - thận, gan; hoặc thường xuyên ăn thức ăn cay nóng, uống rượu…

Thấp nhiệt cũng có thể hình thành do thường xuyên ngồi lâu, lao động quá sức và phòng dục quá độ khiến huyết ứ và khí trệ dồn xuống trực tràng - hậu môn.

Để điều trị thiếu máu trong bệnh trĩ, cần kết hợp điều trị bệnh trĩ, cầm máu, bổ huyết. Các vị thuốc giúp bổ huyết, sinh huyết của y học cổ truyền thường gặp là thục địa, bạch thược, đương quy, hà thủ ô, cao ban long, tang thầm... Các vị này thường được phối hợp thêm trong các bài thuốc điều trị trĩ, vừa trị căn nguyên bệnh, vừa điều trị thiếu máu.

Điều trị thiếu máu  do bệnh trĩ bằng y học cổ truyềnVị thuốc thục địa

Điều trị bệnh trĩ theo y học cổ truyền

Y học cổ truyền chữa bệnh trĩ theo từng thể bệnh riêng biệt. Điều này sẽ giúp tác động trực tiếp đến nguyên nhân cụ thể và cải thiện các triệu chứng của bệnh.

1. Trị trĩ nội

Điều trị trĩ nội thể huyết ứ

Dấu hiệu nhận biết: Búi trĩ không lòi ra khỏi hậu môn, thường đi kèm với triệu chứng táo bón và đại tiện ra máu tươi.

Để giải thể bệnh này, cần áp dụng bài thuốc giúp lương huyết và hoạt huyết để giải phóng huyết ứ trệ ở trực tràng.

- Bài 1: Sinh địa 20g, Xích thược 12g, Hòe hoa 12g, Hoàng cầm 12g, Đương quy 12g, Kinh giới 12g và Địa du 12g. Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang, cho đến khi khỏi.

- Bài 2: Kinh giới sao đen 16g, Huyền sâm 2g, Trắc bách diệp sao 16g, Bạch thược 12g, Chỉ xác 8g, Đương quy 8g, Hòe hoa 10g, Sinh địa 12g, Cỏ nhọ nồi sao 16g, Xuyên khung 8g, Hạt vừng 12g, Hồng hoa 8g, Đại hoàng 4g. Sắc uống đều đặn mỗi ngày.

Điều trị trĩ nội thể thấp nhiệt

Thể thấp nhiệt đặc trưng với các triệu chứng như búi trĩ sưng nóng, loét, đau rát, đỏ, có thể chảy nước hoặc chảy mủ. Khi ngồi gây đau đớn khó chịu, đi kèm với triệu chứng táo bón và tiểu tiện vàng.

Với thể thấp nhiệt, cần sử dụng những thảo dược có tính mát để thanh nhiệt, hành khí, hoạt huyết và cầm máu.

- Bài 1: Chỉ xác, Hoàng bá, Xích thược, Hòe hoa, Kim ngân, Chi tử sao mỗi thứ 12g. Đem sắc uống đều đặn.

-  Bài 2: Xích thược 12g, Hoàng liên 12g, Hoàng bá 12g với Đào nhân 8g, đem sắc uống.

Điều trị trĩ nội thể nhiệt độc

Thấp nhiệt ứ trệ trong cơ thể khiến búi trĩ sưng nóng, đau nhức và buốt ở hậu môn. Khi đại tiện thấy có máu tươi nhưng không thấy dịch vàng hay mủ chảy ra.

Để giải thể nhiệt độc, sử dụng bài thuốc có tác dụng giải độc, lương huyết, thanh nhiệt và cầm máu: Kim ngân, Hoàng liên, Hạ khô thảo, Hoàng bá, Xuyên khung, Hoàng kỳ, Hoàng cầm, Đương quy mỗi thứ 12g; Đại hoàng 4g, Sinh địa 16g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

Trị trĩ nội theo thể khí huyết hư yếu

Dấu hiệu nhận biết: Búi trĩ lòi ra bên ngoài hậu môn, người mệt mỏi, ù tai, sắc mặt kém, gầy yếu, hoa mắt, mạch trầm tế, đoản hơi.

Với thể bệnh này, cần sử dụng dược liệu chỉ huyết, bồi bổ khí huyết và thăng đề.

- Bài 1: Thăng ma 8g, Địa du 8g, Cam thảo 4g, Hòe hoa sao đen 8g, Đảng sâm 16g, Đương quy 8g, Kinh giới sao đen 12g, Thăng ma 8g, Địa du 8g, Bạch thược 12g, Trần bì 16g. Đem sắc uống ngày dùng 1 thang.

- Bài 2: Hòe hoa sao 8g, Đảng sâm 16g, Kinh giới sao đen 12g, Bạch truật 12g, Biển đậu 12g, Hoài sơn 16g, Kê huyết đằng 12g, Hà thủ ô 12g. Đem sắc uống ngày 1 thang.

2. Trị trĩ ngoại

Trĩ ngoại thể huyết ứ điều trị tương tự như trĩ nội thể huyết ứ. Trĩ ngoại thể nhiệt độc dùng bài thuốc và châm cứu tương tự trĩ nội thể nhiệt độc.

Tuy nhiên trĩ ngoại là trình trạng búi trĩ lòi ra bên ngoài hậu môn nên cần chú trọng các bài thuốc rửa và ngâm.

- Bài 1: Phèn phi và kha tử mỗi thứ 10g. Đem đun sôi kha tử với nước sôi sau đó pha thêm phèn phi vào, ngâm rửa hậu môn.

- Bài 2: Hoàng liên 12g, Hoàng cầm 12g, Khổ sâm 16g, Phác tiêu 8g, Kinh giới 16g, Phòng phong 12g, Đại hoàng 4g, Hoàng bá 20g, Chi tử 10g, Phòng phong 12g. Đem các vị đun sôi và ngâm rửa thường xuyên để giảm viêm nhiễm và cải thiện triệu chứng nóng rát.

Điều trị thiếu máu trong bệnh trĩ cần phải điều trị căn nguyên bệnh trước, bệnh trĩ được cải thiện thì tình trạng chảy máu cũng sẽ cải thiện. Người bệnh cần được thăm khám để có hướng điều trị thích hợp.


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn