BS. Bùi Quang Biểu, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết: Bệnh nhân là anh Trần Minh T., 52 tuổi, có tiền sử hút thuốc, uống rượu 30 năm; bị đái tháo đường týp 2. Tháng 10/2014, bệnh nhân thấy xuất hiện viêm loét amidan phải, đi khám tai mũi họng và được điều trị kháng sinh nhưng không khỏi. Tháng 12/2014, bệnh nhân vào điều trị tại Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Khám lâm sàng bệnh nhân không khàn tiếng, không khó thở, không nuốt nghẹn, không sờ thấy hạch cổ.
Bệnh nhân được nội soi tai mũi họng phát hiện tổn thương sùi loét ở amidan và xoang lê phải, nội soi thực quản - dạ dày phát hiện tổn thương u thực quản1/3 giữa kích thước 1,5 x 2cm. Bấm sinh thiết cả ba tổn thương cho kết quả mô bệnh học của tổn thương amydal phải và xoang lê phải là ung thư biểu mô vảy kém biệt hóa, của tổn thương thực quản là ung thư biểu mô vảy sừng hóa.
Kế hoạch điều trị xạ trị điều biến liều cả 3 ung thư đồng thời cho bệnh nhân T.
Bệnh nhân được chụp PET/CT chẩn đoán giai đoạn ung thư amidan và ung thư hạ họng giai đoạn cT2N2M0, ung thư thực quản giai đoạn cT2N1M0. Sau khi hội chẩn tiểu ban ung thư, bệnh nhân được chỉ định điều trị hóa xạ trị triệt căn đồng thời cả ba bệnh ung thư bằng kỹ thuật xạ trị điều biến liều tại Khoa Xạ trị – Xạ phẫu. Sau khi kết thúc 2 tháng hóa xạ trị, nội soi tai mũi họng của bệnh nhân không còn tổn thương sùi loét ở amidan và xoang lê phải. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị 2 đợt hóa chất bổ trợ theo kế hoạch.
Sau điều trị 3 tháng, bệnh nhân toàn trạng tốt, tăng cân, ăn uống bình thường, khô miệng và khàn tiếng nhẹ, cả ba tổn thương ung thư đáp ứng hoàn toàn, không phát hiện tổn thương tái phát, di căn trên lâm sàng, nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày-thực quản và PET/CT. Hiện tại sau khi phát hiện bệnh và điều trị một năm, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, tái khám định kỳ không phát hiện ung thư tái phát, di căn.
Hình ảnh nội soi tổn thương amidan phải, xoang lê phải và u thực quản trước điều trị tại vị trí mũi tên (A, B, C) và biến mất sau điều trị 3 tháng (D, E, F)
Qua trường hợp này cho thấy, việc hóa xạ trị đồng thời triệt căn là lựa chọn thích hợp với kết quả điều trị khả quan cho các bệnh nhân có ung thư kết hợp vùng đầu – cổ và thực quản có sức khỏe tốt, đặc biệt ở các cơ sở có khả năng thực hiện các kỹ thuật xạ trị tiên tiến như xạ trị điều biến liều và khả năng phối hợp đa chuyên ngành trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân.
BS. Bùi Quang Biểu cũng cho biết, do niêm mạc họng - miệng, thực quản và khí quản đều thường xuyên phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ gây ung thư như thuốc lá, rượu bia nên có một tỉ lệ bệnh nhân xuất hiện nhiều tổn thương ác tính đồng thời. Các nghiên cứu cho thấy 3 -14% bệnh nhân ung thư vùng đầu – cổ có tổn thương kết hợp đồng thời ở vị trí khác, và các vị trí hay gặp nhất là phổi 58% và thực quản 31%. Riêng trong ung thư khoang miệng, 12,5% BN có ung thư kết hợp ở thực quản và 8,9% ở dạ dày. Việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân có nhiều bệnh ung thư kết hợp đồng thời vẫn là một vấn đề khó khăn trên thế giới.