(Nguyễn Thành Long - Bạc Liêu)
Nguyên nhân gây tăng cholesterol máu thường do chế độ ăn gây ra, ăn quá nhiều mỡ động vật, ăn thức ăn giàu cholesterol (phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa toàn phần…), thừa năng lượng (béo phì), bên cạnh đó là những nguyên nhân do di truyền hoặc thứ phát sau các bệnh suy tuyến giáp, đái tháo đường, hội chứng thận hư,… Triglycerid máu tăng cũng gặp trong di truyền hoặc do thiếu hụt men hủy lipoprotein, uống nhiều bia rượu, đái tháo đường, béo phì, dùng thuốc chẹn beta kéo dài…
Nguyên nhân giảm HDL- cholesterol do rối loạn gien chuyển hóa HDL, do hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, ít vận động thể lực… Trong thực tế hay ghi nhận được một số lý do gây tăng mỡ máu: ăn nhiều mỡ động vật, béo phì, uống rượu bia.
Về điều trị, người ta căn cứ vào từng cá thể có tăng mỡ máu để xem xét mức cholesterol hoặc triglycerid tối ưu.Đó là tùy vào bệnh nhân có biểu hiện bệnh mạch vành hay chưa.Nếu bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh mạch vành được điều trị bằng biện pháp không dùng thuốc trước, nếu không có hiệu quả sau một thời gian mới dùng thuốc hạ mỡ máu. Đầu tiên là tiết chế ăn uống, NCEP khuyến cáo giới hạn lượng cholesterol ăn hàng ngày dưới 200mg, lượng mỡ ít hơn 30% tổng năng lượng, mỡ bão hòa chiếm ít hơn 7% tổng năng lượng hàng ngày. Kèm theo là hạn chế tối đa mỡ động vật, các thực phẩm giàu cholesterol như đã nêu, không uống rượu bia, bỏ hút thuốc lá. Bên cạnh tiết chế ăn uống là tập luyện thể lực hàng ngày.
Thuốc giảm mỡ trong máu có nhiều nhóm và tùy vào từng kiểu rối loạn mỡ máu mà thuốc điều trị sẽ khác nhau, chính vì vậy mà việc điều trị thuốc chữa rối loạn mỡ máu phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.Không nên tự tiện tự dùng thuốc giảm mỡ máu hoặc lấy toa thuốc giảm mỡ máu của người khác để áp dụng, việc này nhiều khi không hiệu quả mà người dùng thuốc còn phải chịu những tác dụng phụ không mong muốn.
Người có xét nghiệm mỡ máu tăng không quá thờ ơ, xem thường mà phải biết được tác hại về lâu dài đối mạch máu và cũng không quá căng thẳng, lo lắng quá mức. Khi bị rối loạn mỡ máu, người bệnh cần phải được khám và đánh giá bởi chuyên gia tim mạch, được hướng dẫn điều trị và theo dõi định kỳ.