Các lý do dẫn đến suy thận
Nghiên cứu từ Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH) chỉ ra các lý do chính dẫn đến bệnh thận mạn tính và suy thận mạn như sau:
- Đái tháo đường: Tăng đường huyết làm tổn thương vĩnh viễn các mạch máu nhỏ ở cầu thận, dẫn đến suy thận.
- Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm tổn thương vĩnh viễn các bộ lọc li ti ở cầu thận, làm xơ cứng động mạch, dẫn đến suy thận.
- Các bệnh tự miễn hoặc di truyền: Lupus, viêm khớp dạng thấp.
- Các bệnh lý tại thận: Viêm cầu thận, viêm; viêm ống thận mô kẽ; bệnh thận đa nang, viêm đài bể thận tái phát nhiều lần... - Dùng thuốc: Lạm dụng thuốc và thực phẩm chức năng thuốc quá liều, kém chất lượng… là nguyên nhân gây suy thận gia tăng trong những năm gần đây.
Điều trị suy thận bằng cách nào?
Bình thường chúng ta không cần phải dùng thuốc bổ thận mà chỉ cần không làm hại thận bằng lối sống và điều trị tốt các bệnh mạn tính không may mắc phải. Đó là cách bảo vệ thận tốt nhất.
Khi đã có tổn thương ở thận, suy thận thì tùy thuộc nguyên nhân để điều trị. Kiểm soát tốt các bệnh dẫn đến suy thận có thể giúp bảo vệ thận. Khi đái tháo đường, tăng huyết áp ở giai đoạn sớm, chưa có tổn thương vĩnh viễn ở thận, nếu kiểm soát tốt có thể giúp phục hồi chức năng thận.
Trong đó, các thuốc nhóm ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin 2 (ARB) được dùng điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu và còn có vai trò hỗ trợ và phục hồi bệnh thận.
- ACE là một trong các nhóm thuốc được sử dụng phổ biến điều trị tăng huyết áp hiện nay. Thuốc có tác dụng làm giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi giúp hạ huyết áp. Thuốc cũng có vai trò làm giảm nguy cơ tim mạch và bệnh thận mạn tính mà không gây bất lợi trên chuyển hóa đường và lipid… do đó thuốc được sử dụng cho cả bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid.
- ARB là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh tăng huyết áp, suy tim, bệnh thận do đái tháo đường… Thuốc cũng có tác dụng phòng ngừa đái tháo đường và giảm nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân tăng huyết áp, phì đại cơ tim, ngăn ngừa rung nhĩ tái phát…
Khi suy thận ở giai đoạn cuối, cần dùng phương pháp chạy thận nhân tạo, ghép thận...
Suy thận mạn không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị chủ yếu là giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, giảm các biến chứng và làm bệnh tiến triển chậm lại. Tuy nhiên, tổn thương thận có thể tiếp tục diễn biến xấu đi ngay cả khi những nguyên nhân gây ra suy thận đã được kiểm soát tốt. Do đó các bệnh mạn tính cần phát hiện sớm, điều trị sớm trước khi có biến chứng suy thận.
Khi được kê đơn dùng thuốc, bệnh nhân cần uống đúng hướng dẫn và uống đủ liệu trình.
Không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc. Khi uống thuốc nếu gặp tác dụng phụ hoặc các dấu hiệu bất thường, cần thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc đến bệnh viên để được kiểm tra và đổi thuốc nếu cần.
Tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi diễn biến của bệnh, có thể trong quá trình điều trị cần điều chỉnh thuốc hoặc liệu pháp điều trị theo từng giai đoạn của bệnh.
Để phòng thận yếu, chúng ta cần chăm sóc thận ngay từ khi còn khỏe:
- Uống nước đầy đủ, kiểm tra huyết áp, đường huyết thường xuyên.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, tập thể dục thường xuyên để tránh mắc các bệnh mạn tính.
- Cẩn thận với các loại thuốc giảm đau, chỉ dùng chỉ cần thiết. Cẩn thận với các loại thực phẩm chức năng. Uống quá nhiều và bừa bãi sẽ dẫn đến hư thận thay vì bổ thận.
Mời độc giả xem thêm video:
Cháy nắng: Cách nào làm dịu làn da?