Thầy thuốc cần hiểu rõ về bản chất của tâm lý hay cảm xúc của người bệnh và cơ chế dẫn đến các rối loạn đó.
Cảm xúc là một thuộc tính của tâm lý, nó diễn biến phức tạp với các trạng thái tích cực hoặc tiêu cực liên quan đến sự vận hành của các hệ thống trong cơ thể, tạo nên sự thay đổi về sinh lý, suy nghĩ và hành vi của con người.
Khi con người bị mắc bệnh, tâm lý hay cảm xúc cũng có sự thay đổi, sự thay đổi này không những liên quan đến mối quan hệ bên trong, đó là bệnh lý của cơ thể, mà còn liên quan đến mối quan hệ bên ngoài, đó là môi trường xã hội.
Người bệnh mắc COVID-19 dễ lo âu, stress
Người bệnh mắc COVID-19, bên cạnh cuộc chiến với bệnh tật, họ còn phải đối diện với thử thách vô cùng lớn từ môi trường và xã hội. Đó là sự hoang mang, lo lắng và sợ hãi, đặc biệt là điều này xảy ra trong trạng thái cô đơn.
Đó là hoàn cảnh "cô đơn tạm thời" bởi những quy định đặc thù trong quá trình điều trị thường được gọi là "cách ly". Nhiều người bệnh là những người cao tuổi, có bệnh nền. Bản thân họ trước khi mắc COVID-19 đã phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của người thân, thì nay ở trong khu điều trị, không có người thân bên cạnh, họ có cảm giác phải "tự chống chọi", dù có sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ nhân viên y tế nhưng người nào người nấy trùm bộ đồ bảo hộ kín mít, chỉ có dòng tên được ghi trên áo.
Mặt khác, dưới tác động của truyền thông và thông tin trên mạng xã hội, người bệnh nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh COVID-19 đối với sức khỏe, cảm nhận được nỗi kinh hoàng trước tác động của nó đến mọi mặt đời sống .v.v… và như vậy họ càng dễ bị căng thẳng stress, lo âu, trầm cảm.
Tệ hại hơn đó là nạn "tin giả" đã làm cho cảm xúc của người bệnh có sự phản ứng quá mức … Điều này tác động kéo dài và trên một cơ thể yếu đuối khi bị nhiễm bệnh, họ có thể bị dẫn đến trạng thái ám thị hoặc hoang tưởng- rối loạn tâm thần.
Tất cả sự rối loạn về tâm lý, tâm thần nói trên sẽ làm cho virus có cơ hội nhân lên mạnh mẽ, tác động nhiều hơn, từ đó các bệnh lý sẽ nặng hơn và khó điều trị hơn.
Cũng giống như các rối loạn khác, rối loạn về tâm lý hay tâm thần nếu không được điều trị đúng, đủ và kịp thời thì có thể sẽ để lại những di chứng kéo dài đến suốt đời, không những đối với người bệnh, mà đối với cả người thân.
Điều trị cho người bệnh COVID-19 cần lưu ý đến rối loạn tâm lý
Trên thực tế, có nhiều người bệnh với trạng thái bị sang chấn tâm lý quá mức đã trở nên dễ cáu giận, không hợp tác, thậm chí không muốn sống .v.v.. khiến cho công tác điều trị đã khó khăn lại càng phức tạp thêm.
Vì vậy, bên cạnh việc điều trị theo đúng phác đồ, đội ngũ nhân viên y tế còn đảm nhiệm một trọng trách vô cùng to lớn đó là điều chỉnh các rối loạn tâm lý hay cảm xúc, với mục đích tạo cho người bệnh có được trạng thái tinh thần cân bằng, có niềm tin và luôn cảm thấy được quan tâm.
Chia sẻ từ thực tế điều trị COVID-19
Việc điều trị tốt về tâm lý sẽ giúp người bệnh phục hồi tốt hơn, giảm nhẹ tác động đến bệnh nền nếu có, hạn chế được các biến chứng và sớm trở lại cuộc sống bình thường như trước.
Với hiểu biết hiện tại của mình, tôi xin phép được chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác điều trị tâm lý cho người bệnh mắc COVID-19 như sau:
- Các nhân viên y tế phải có kỹ năng tư vấn tốt, phải nắm được các kiến thức cơ bản về tâm lý liệu pháp, điều này cần phải được tập huấn trước khi vào khu điều trị.
- Phải tập trung hơn nữa về công tác phục hồi chức năng, phải thường xuyên, đồng bộ hơn, nhiều thời gian hơn, qua đó lồng ghép việc điều trị tâm lý. Có thể nói việc tương tác về cơ thể (tập cho người bệnh) kết hợp với tương tác về lời nói, ánh mắt sẽ dẫn đến hiệu quả không ngờ.
- Bên cạnh công tác phục hồi chức năng, cũng cần có một đội ngũ nhân viên y tế chuyên ngành tâm lý trị liệu (khoa tâm thần) túc trực thường xuyên tại các cơ sở điều trị.
- Cần có một đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp để chăm sóc người bệnh ở ngay tại giường của họ, lo cho họ ăn uống, bồi phụ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, rung vỗ vật lý trị liệu, tâm sự, an ủi, động viên họ để tiếp thêm sức mạnh cho họ để họ sớm vượt qua được bệnh tật.
Đội ngũ này có thể là các tình nguyện viên, có thể là người nhà, đã từng là F0 và đã được điều trị khỏi bệnh. Và tất nhiên là họ đã được huấn luyện các kiến thức phòng ngừa căn bản và đầy đủ.
- Trong phòng điều trị, nhân viên y tế phải luôn quan sát, phát hiện các dấu hiệu cần hỗ trợ và có mặt kịp thời.
- Không từ chối giúp đỡ những việc nhỏ bé nhất: đó là công việc vệ sinh, bón từng thìa thức ăn khi họ cần, hãy lại gần nói chuyện, chia sẻ chuyện riêng tư và đừng quên kể cho họ nghe những câu chuyện về tấm gương tinh thần vượt qua bệnh tật.
- Hãy để ý đến giấc ngủ của người bệnh, hãy đến với những người không ngủ được, tìm hiểu nguyên nhân và can thiệp kịp thời. Bởi một giấc ngủ đầy đủ vừa là nguyên nhân và vừa là kết quả của sự hồi phục sức khỏe.
- Đừng ngại khi chạm vào người bệnh, phải làm sao để qua một lớp đồ bảo hộ, họ vẫn cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp; cho dù ngăn cách qua lớp khẩu trang và tấm chắn nhưng họ vẫn nhận ra thầy thuốc qua ánh mắt và cử chỉ.
- Đối với những người có sự bấn loạn về tinh thần (thường gặp ở người già, có bệnh về tinh thần từ trước, hoặc người có con nhỏ, đặc biệt là phụ nữ trong giai đoạn hậu sản), người thầy thuốc phải ở bên cạnh dành tất cả sự yêu thương cho họ, đồng cảm, chăm sóc chu đáo, giúp họ liên lạc với người thân, thậm chí giải quyết các vướng mắc ở gia đình để họ an tâm điều trị. Nói chung là phải làm tất cả không chừa một việc gì, để người bệnh hiểu rằng: chúng tôi luôn ở đây bên bạn và chúng tôi luôn nghĩ về bạn.
Xem video có thể bạn quan tâm:
Video chỉ dẫn dinh dưỡng cho F0, F1 tại nhà