Thông tin cho biết, y học cổ truyền xếp bệnh sốt xuất huyết vào nhóm Ôn bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt tà tác động vào Vệ, Khí, Dinh, Huyết.
Nhiệt độc tấn công vào phần Vệ khí gây sốt cao, vào phần Dinh gây ban chẩn (xung huyết), vào phần Huyết (gây xuất huyết). Bệnh ở giai đoạn nặng có thể chuyển thành chứng Quyết (nhẹ là nhiệt quyết – tương đường với sốc nhẹ, nặng là hàn quyết – tương đương với sốc nặng).
Nguyên tắc điều trị cơ bản của y học cổ truyền là thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết. Thanh nhiệt giải độc nhằm loại trừ nguyên nhân (nhiệt độc), lương huyết chỉ huyết nhằm làm mát huyết, đưa huyết về trạng thái bình thường và để cầm máu.
1. Kết hợp đông tây y ở giai đoạn sớm của sốt xuất huyết
Tại Hội thảo TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc, Phó chủ tịch Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, y học cổ truyền rất hiệu quả trong điều trị sốt xuất huyết Dengue ở giai đoạn sớm của bệnh giúp:
- Hạn chế bệnh chuyển thành mức độ nặng
- Bệnh nhân chóng bình phục sức khỏe
- Giảm chi phí điều trị
- Góp phần phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue hiệu quả.
Ở giai đoạn nhiệt tấn công vào phần Vệ và Khí có thể dùng các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, dễ tìm kiếm có tác dụng điều trị sốt, mất dịch làm giảm các triệu chứng của sốt xuất huyết.
Ở giai đoạn nhiệt tấn công vào phần Dinh và Huyết (giai đoạn nặng) hay nói cách khác sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo hoặc sốt xuất huyết Dengue nặng, cần điều trị bằng y học hiện đại. Tuy nhiên có thể lựa chọn các bài thuốc bổ dưỡng phối hợp điều trị.
BSCKII Nguyễn Trung Cấp, PGĐ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các triệu chứng của sốt xuất huyết rầm rộ trong 3 ngày đầu nhưng ít biến chứng nặng với các biểu hiện: Sốt cao liên tục, đau đầu, mỏi người dữ dội, nôn, tiêu chảy…
Điều trị chủ yếu là:
- Hạ sốt với paracetamol 10-15mg/kg/lần. 3-4 lần/ngày; lau mát bằng nước ấm khi sốt cao;
- Bù dịch bằng đường uống
- Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu; tránh thức ăn, uống có màu đỏ, đen, nâu.
Ở giai đoạn này có thể phối hợp nhiều biện pháp hạ sốt (do sốt thường rất cao, uống thuốc vào hết thuốc lại sốt…) trong đó có kết hợp đông, tây y… để tránh lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol có thể gây ngộ độc thuốc. BS Cấp cũng nhấn mạnh, không cạo gió, cắt lể, châm cứu; không dùng aspirin, ibuprofen để hạ sốt và không truyền dịch nếu còn bù dịch được bằng đường uống.
Ở giai đoạn phục hồi, theo TS BS Trương Thị Ngọc Lan, bệnh nhân chủ yếu nghỉ ngơi. Người bệnh có thể dùng thêm các thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm… giúp nâng cao thể trạng và nhanh phục hồi sức khỏe
2. Cách nhận biết dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết cần nhập viện
BS Nguyễn Trung Cấp lưu ý, từ ngày thứ 4,5,6 sốt bắt đầu lui nhưng có thể có diễn biến nặng nên người bệnh không được chủ quan.
Theo đó, người bệnh cần phải tự phát hiện các dấu hiệu diễn biến nặng và theo dõi sát các dấu hiệu cảnh báo; đánh giá hàng ngày qua biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm để phát hiện các diễn biến nặng. Người bệnh cần nhập viện cấp cứu ngay nếu có dấu hiệu cảnh báo.
Các dấu hiệu cảnh báo trên lâm sàng xuất hiện ít nhất một trong các dấu hiệu sau:
- Vật vã, lừ đừ, li bì
- Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau vùng gan
- Nôn nhiều: ≥ 3 lần/1 giờ hoặc ≥ 4 lần/6 giờ.
- Xuất huyết niêm mạc, cảy máu răng, mũi, lợi, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu đại thể
- Tiểu ít…
Đối với trẻ nhỏ đưa đến bệnh viện ngay nếu có các dấu hiệu:
- Đau bụng, bứt rứt, lăn lộn
- Chảy máu cam, máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen
- Tay chân lạnh
- Nằm một chỗ không chơi
- Ăn uống kém hoặc bỏ bú
Theo TS BS Trương Thị Ngọc Lan, hiện vẫn còn một số người lạm dụng y học cổ truyền điều trị trong tất cả các giai đoạn, người dân còn lạm dụng truyền dịch (đặc biệt ở các vùng nông thôn).
TS BS Trương Thị Ngọc Lan nhấn mạnh: Trong giai đoạn đầu bệnh ưu tiên điều trị tại nhà, bổ trợ tăng cường sức khỏe… và dùng một số bài thuốc nam. Khi có dấu hiệu cảnh báo nặng phải điều trị tại bệnh viện. Do đó, điều quan trọng là phải phân biệt các giai đoạn của sốt xuất huyết, theo dõi và ứng dụng điều trị phù hợp… để tránh lạm dụng thuốc y học cổ truyền. Đặc biệt người bệnh không nên xông hơi, cạo gió… sẽ tăng nguy cơ bị mất nước làm nặng thêm bệnh.
Mời độc giả xem thêm video:
Xơ phổi hậu COVID-19 - Chuyên gia chỉ cách điều trị