Gần đây cứ đến chiều tối là tôi bị đau bụng và đau ở bên hạ sườn phải. Lần trước bố tôi bị đau đến mức phải đi cấp cứu do sỏi túi mật. Có phải bố tôi bị sỏi mật tái phát không, điều trị thế nào?
Nguyễn Hải Sâm (Thanh Hóa)
80% sỏi túi mật không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng rất nhẹ. 20% sỏi túi mật có triệu chứng biểu hiện bằng các cơn đau dữ dội ở hạ sườn phải (cơn đau quặn gan). Đây là triệu chứng nổi bật của sỏi túi mật. Cơn đau xuất hiện do sỏi di chuyển đến ống cổ túi mật, gây tắc tạm thời và do căng giãn dẫn đến thiếu máu gây ra cơn đau. Các cơn đau thường hay xảy ra sau một bữa ăn nhiều mỡ, rượu hoặc trong thời kỳ trước khi hành kinh hoặc khi quá căng thẳng thần kinh. Cơn đau thường xuất hiện vào buổi tối hoặc vào ban đêm, cơn đau liên tục, tăng dần lên đôi khi đi kèm theo các triệu chứng như rối loạn nhịp thở, ngoại tâm thu, chậm nhịp tim. Điều trị sỏi túi mật chưa có biến chứng chủ yếu bằng nội khoa. Điều trị cơn đau quặn gan bằng thuốc chống co thắt và thuốc giảm đau. Điều trị loại bỏ sỏi bằng các thuốc làm tan sỏi chỉ có hiệu quả đối với sỏi cholesterol có kích thước nhỏ hơn 1cm. Các thuốc được dùng làm tan sỏi là các thuốc có tác dụng làm giảm độ bão hòa của cholesterol, làm cholesterol không kết tủa được. Cắt bỏ túi mật (cholecystectomie) là phương pháp lý tưởng nhất để điều trị sỏi túi mật đã có biến chứng hoặc đau nhiều, tái phát liên tục. Ngày nay, phương pháp mổ cắt túi mật qua nội soi được áp dụng rộng rãi thay thế cho phương pháp mổ kinh điển với nhiều lợi ích: thời gian phẫu thuật nhanh, ít đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn, biến chứng rất hiếm.
BS. Mai Huê