Điều trị sỏi bàng quang bằng thuốc nam, vài năm sau vẫn ra...sỏi khủng

12-03-2021 18:45 | Camera bệnh viện

SKĐS - Thầy thuốc Khoa Ngoại Thận – Tiết niệu, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành phẫu thuật lấy sỏi bàng quang kích thước 6x7 cm cho ông Tạ Văn S. 64 tuổi trú tại Đông Triều – Quảng Ninh.

 Người bệnh nhập viện ngày 8/3/2021 với biểu hiện tiểu tiện buốt, ngắt quãng và đôi khi có lẫn máu.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó đã phát hiện ra sỏi bàng quang và có điều trị thuốc nam nhiều năm.

Đợt này, tiểu buốt nhiều và có lẫn máu nên đi khám và được các Bác sĩ thăm khám làm các xét nghiệm chẩn đoán sỏi bàng quang kích thước lớn và được chỉ định phẫu thuật mở bàng quang lấy sỏi. Viên sỏi được lấy ra sần sùi có kích thước 6x7 cm.

Viên sỏi sần sù kích thước 6x7cm trong bàng quang bệnh nhân

Thầy thuốc cho biết, sỏi đường tiết niệu là một bệnh lý thường gặp ở Việt Nam, sỏi có thể nằm ở các vị trí khác nhau của đường tiết niệu như, sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang...

Đối với sỏi đường tiết niệu được phát hiện sớm khi kích thước còn nhỏ chưa gây biến chứng thì có thể điều trị bằng các phương pháp như: dùng thuốc, can thiệp bằng các phương pháp hiện đại ít xâm lấn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi bằng lazer, nội soi tán sỏi qua da.

Nếu sỏi đường tiết niệu không được phát hiện và điều trị kịp thời để sỏi có kích thước lớn, gây ra các biến chứng như nhiễm trùng tiết niệu, suy thận...người bệnh có thể phải trải qua cuộc phẫu thuật lấy sỏi gây đau đớn, tiềm ẩn 1 số nguy cơ như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, kéo dài thời gian nằm viện gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế cho người bệnh.

Vì vậy khi người bệnh khi gặp các triệu chứng của bệnh sỏi đường tiết niệu như: Đau vùng thắt lưng, bàng quang, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu... cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn phương pháp điều trị.


Nhị Vũ
Ý kiến của bạn