Hà Nội

Điều trị rung nhĩ không dùng thuốc

21-09-2009 08:08 | Bệnh thường gặp
google news

Hiệu quả hạn chế và nguy cơ gây rối loạn nhịp tim của các thuốc chống rối loạn nhịp tim đã dẫn đến sự nghiên cứu rộng rãi các biện pháp không sử dụng thuốc thay thế trong điều trị RN.

Hiệu quả hạn chế và nguy cơ gây rối loạn nhịp tim của các thuốc chống rối loạn nhịp tim đã dẫn đến sự nghiên cứu rộng rãi các biện pháp không sử dụng thuốc thay thế trong điều trị RN. Hơn nữa, các nghiên cứu gần đây về cơ chế của RN đã dẫn đến việc phát triển các biện pháp điều trị không dùng thuốc khác nhau bằng cách trực tiếp loại bỏ yếu tố khởi phát và làm thay đổi điện sinh lý nền để phòng ngừa và điều trị RN.

Thủ thuật ngoại khoa Maze

Phẫu thuật tạo ra những hàng rào ngăn cản sự dẫn truyền ở những vùng đặc biệt trong tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái để điều trị RN. Thủ thuật ngoại khoa Maze bao gồm rạch những đường xung quanh các tĩnh mạch phổi và rạch nhiều đường kẻ ở trong tâm nhĩ ở cả hai tâm nhĩ bằng kỹ thuật kinh điển "cắt - vá - khâu" hay bằng các loại năng lượng khác nhau (sóng radio, vi sóng, siêu âm và cắt lạnh) để điều trị RN. Ưu điểm của các kỹ thuật sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau thay thế cho "cắt - vá - khâu" là có thể thực hiện đơn giản hơn, nhanh hơn với sự xâm lấn tối thiểu. Tuy vậy, thủ thuật ngoại khoa Maze này rất phức tạp. Trình độ kỹ thuật cũng như kỹ năng của các nhà phẫu thuật quan trọng hơn là các dụng cụ phương tiện để đảm bảo có kết quả tốt trên lâm sàng. Mặt khác, các bệnh nhân RN được phẫu thuật tim mở do các bệnh lý đi kèm như phẫu thuật van hai lá hay bắc cầu nối chủ-vành, thủ thuật ngoại khoa Maze có thể là một phương pháp điều trị có hiệu quả cho các bệnh nhân bị RN kháng thuốc.

 Cấy máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân.
Điều trị bằng dụng cụ- Tạo nhịp nhĩ và phá rung

Với các bệnh nhân có chỉ định cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn theo quy ước như suy nút xoang, nhịp tim chậm có triệu chứng, việc sử dụng máy tạo nhịp gần với sinh lý hơn như tạo nhịp hai buồng tim, tạo nhịp tâm nhĩ thì tốt hơn là tạo nhịp một buồng thất và đã được chứng minh là có thể phòng ngừa RN. Hơn nữa, ở các bệnh nhân có dẫn truyền nút nhĩ thất bình thường nên cố gắng giảm thiểu tạo nhịp thất. Mặc dù có rất nhiều loại máy tạo nhịp đời mới và máy phá rung có thể cấy được trong cơ thể với các tác dụng khác nhau cùng được tích hợp trong máy (tạo nhịp vượt tần số, tạo nhịp nhĩ chống cơn tim nhanh và phá rung nhĩ) được thiết kế để phòng ngừa và điều trị RN. Tuy nhiên chưa có những nghiên cứu ngẫu nhiên lớn chứng tỏ hiệu quả của các loại máy này. Tạo nhịp nhĩ một vị trí, tạo nhịp nhĩ phải nhiều vị trí và tạo nhịp 2 nhĩ đã được thử nghiệm để điều trị và phòng ngừa RN, nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh lợi ích lâu dài của phương pháp điều trị này.

 Cơ chế rung nhĩ bằng máy tạo nhịp tim.
 

Triệt phá nút nhĩ thất và cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn là một chiến lược điều trị có hiệu quả để làm giảm triệu chứng và/hoặc để kiểm soát tần số tim ở các bệnh nhân RN kháng trị. Các nhà khoa học cho thấy có sự cải thiện đáng kể sau triệt bỏ nút nhĩ thất và cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn về chất lượng cuộc sống và kết quả lâm sàng, cũng như tỷ lệ tử vong toàn bộ hay đột tử. Các bệnh nhân có triệu chứng suy tim hay có rối loạn chức năng thất trái, tạo nhịp 2 buồng thất sau khi triệt bỏ nút nhĩ thất để điều trị RN mạn tính cho thấy có cải thiện tốt hơn khả năng gắng sức và chức năng thất trái khi so sánh với tạo nhịp một buồng thất phải. Tuy nhiên phương pháp này xâm lấn nhiều hơn và làm nhịp tim của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào máy tạo nhịp. Phương pháp này thường được cân nhắc trong trường hợp bệnh nhân bị RN mà các biện pháp điều trị khác thất bại trong kiểm soát nhịp tim hay tần số tim hay ở những bệnh nhân đã được cấy máy tạo nhịp hay máy phá rung rồi.

Điều trị qua ống thông

Chiến lược điều trị RN qua ống thông với mục tiêu chủ yếu là loại bỏ ổ kích hoạt gây RN hay duy trì RN và làm thay đổi điện sinh lý nền của tâm nhĩ. Hiện nay, các kỹ thuật điều trị qua ống thông khác nhau để cô lập hoạt động điện học của các tĩnh mạch phổi với tâm nhĩ và/hoặc thay đổi điện sinh lý nền của nhĩ trái xung quanh các tĩnh mạch phổi đã được sử dụng để điều trị RN mạn tính. Tại những trung tâm có nhiều kinh nghiệm điều trị RN qua ống thông có tỷ lệ thành công với các kỹ thuật điều trị RN qua ống thông khác nhau tương tự nhau và đạt được vào khoảng 80%. Thậm chí ở những bệnh nhân bị suy tim và rối loạn chức năng thất trái, điều trị RN qua ống thông khôi phục lại nhịp xoang mà không cần phải dùng thuốc chống loạn nhịp tim đạt tới 70% các trường hợp và cải thiện rõ rệt chức năng thất trái.

Mặc dù những báo cáo cho thấy tỷ lệ thành công rất ấn tượng của phương pháp can thiệp qua ống thông điều trị RN, các thủ thuật này cũng có những biến chứng nguy hiểm đe doạ đến tính mạng người bệnh. Do vậy điều trị RN qua ống thông nên được cân nhắc ở những bệnh nhân RN có triệu chứng kháng với điều trị thuốc, đặc biệt là những bệnh nhân trẻ và chỉ có RN đơn thuần, hay ở những bệnh nhân không thể sử dụng thuốc chống rối loạn nhịp tim lâu dài.

TS. Nguyễn Quang Tuấn


Ý kiến của bạn