Bệnh nhân phản ứng với chấn thương tâm lý này với nỗi sợ hãi và bất lực, họ luôn hồi tưởng lại sự kiện đau buồn và cố gắng để xa lánh nó. Sự kiện này có thể được sống lại trong những giấc mơ và suy nghĩ của bệnh nhân lúc thức (hồi tưởng). Các triệu chứng trên sẽ giảm dần và hết trong vòng 30 ngày.
Nếu các triệu chứng của bệnh nhân vẫn tiếp tục tồn tại đến 3 tháng hoặc dài hơn, người ta sẽ gọi là rối loạn stress sau sang chấn.
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) được đặc trưng bởi sự gia tăng căng thẳng và lo lắng sau khi biết tin mình bị nhiễm HIV. Ở đây, sự kiện chấn thương tâm lý chính là thông tin bệnh nhân bị chẩn đoán nhiễm HIV.
Tỷ lệ rối loạn stress cấp và rối loạn stress sau sang chấn ở bệnh nhân nhiễm HIV rất cao, chiếm 31,3% đến 64% số bệnh nhân nhiễm HIV.
1. Các triệu chứng điển hình của rối loạn stress
1.1.Rối loạn stress cấp
Ngay khi có stress (nhận chẩn đoán nhiễm HIV), một số bệnh nhân có cảm giác tan rã, họ có những phản ứng cảm xúc hoặc sinh lý mạnh mẽ để đáp ứng với chấn thương, một số người khác có tình trạng kích động.
Bệnh nhân có hồi tưởng về các sự kiện khó chịu đã xảy ra. Đó là các tình huống gây lây nhiễm HIV cho họ (quan hệ tình dục không an toàn, tiêm chích ma túy...). Những hồi tưởng này thường bao gồm cảm giác (như khi quan hệ tình dục, khi tiêm), tình cảm (ví dụ như trải qua những nỗi sợ hãi khi nghĩ rằng mình có thể bị nhiễm HIV), hoặc sinh lý (ví dụ như cảm giác bay bổng khi tiêm heroin).
Khi bệnh nhân hồi tưởng về sự kiện chấn thương tâm lý, bệnh nhân cư xử như thể trải qua những sự kiện tại thời điểm đó.
Giấc mơ đau buồn có thể chứa các nội dung liên quan đến chấn thương tâm lý (tình huống gây lây nhiễm HIV).
Một số bệnh nhân lại có căng thẳng cảm xúc khi họ được tiếp xúc với các sự kiện giống với chấn thương tâm lý mà họ đã phải trải qua (khi nhìn thấy kim tiêm). Bệnh nhân có thể mất khả năng để cảm nhận những cảm xúc tích cực (hạnh phúc, niềm vui, sự hài lòng, hoặc những cảm xúc liên quan với sự thân mật, âu yếm, hay tình dục). Họ hầu như chỉ có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn rầu, giận dữ, tội lỗi, hoặc xấu hổ.
Một số bệnh nhân không có khả năng nhớ khía cạnh quan trọng của sự kiện chấn thương, tìm cách tránh các sự kiện liên quan đến chấn thương, từ chối thảo luận về kinh nghiệm đau thương mà mình đã phải trải qua.
Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân có rối loạn stress cấp như: Khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, hay có ác mộng; dễ nổi cáu vô cớ, quá nhạy cảm với các mối đe dọa tiềm năng; khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ các sự kiện hàng ngày (quên số điện thoại).
Những triệu chứng trên phải tồn tại ít nhất 3 ngày sau khi sự kiện chấn thương tâm lý, nhưng không kéo dài quá 1 tháng sau khi sự kiện này. Khoảng một nửa số bệnh nhân rối loạn stress cấp sẽ hết triệu chứng trong vòng 1 tháng.
1.2.Rối loạn stress sau sang chấn
Khoảng một nửa bệnh nhân bị rối loạn stress cấp còn lại sẽ chuyển thành rối loạn stress sau sang chấn. Khi đó các triệu chứng của bệnh nhân đã bền vững và định hình thành 3 nhóm sau:
- Các triệu chứng xâm nhập: Hồi tưởng, trong đó các cá nhân có thể cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn, đây là một triệu chứng xâm nhập cổ điển. Triệu chứng xâm nhập khác bao gồm những ký ức đau buồn hay những giấc mơ và những phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với các kích thích được liên kết đến các chấn thương.
- Tránh các kích thích liên quan đến chấn thương: Bệnh nhân cố gắng để tránh các suy nghĩ hoặc các hoạt động liên quan đến chấn thương; giảm khả năng ghi nhớ các sự kiện liên quan đến chấn thương, cảm giác bị bỏ rơi hoặc giải thể thực tế và một cảm giác không có tương lai.
- Tăng các triệu chứng kích thích: Các triệu chứng của tăng kích thích bao gồm mất ngủ, khó chịu, tăng cảnh giác và giật mình. Bệnh nhân khó ngủ hoặc khó vào giấc ngủ họ hay cáu gắt quá mức, luôn than phiền khó tập trung chú ý, có ác mộng dai dẳng.
2. Điều trị rối loạn stress
2.1. Điều trị rối loạn stress cấp
Các thuốc chống trầm cảm bất cứ loại nào cũng không cho kết quả rõ rệt trong phản ứng stress cấp. Thuốc ức chế adrenergic (propranolon) hầu như không có tác dụng điều trị cho phản ứng stress cấp.
Thuốc bình thần benzodiazepin có tác dụng cắt tình trạng lo âu quá mức, hoảng hốt, sợ hãi, phân ly, kích động của bệnh nhân. Chỉ nên dùng nhóm thuốc này khi thực sự cần thiết, không nên sử dụng kéo dài. Khi điều trị, thường sử dụng thuốc đường uống.
2.2. Điều trị rối loạn stress sau sang chấn
Rối loạn stress sau sang chấn cần được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm như sertralin, paroxetin hoặc clomipramin. Hiệu quả tối đa của thuốc xuất hiện sau 12 tuần điều trị. Tuy nhiên bệnh nhân rối loạn stress sau sang chấn do nhiễm HIV cần được điều trị lâu dài, từ 6-18 tháng. Có trường hợp bệnh mạn tính phải điều trị trong nhiều năm.
Rối loạn stress sau sang chấn cũng có thể được điều trị bằng thuốc ức chế beta như propranolon trong 6 tháng cho kết quả tốt. Bệnh nhân thuyên giảm rõ rệt nhất các triệu chứng bùng nổ cảm xúc, ngủ tốt hơn, ít ác mộng, giảm ý nghĩ cưỡng bức, giảm triệu chứng báo động, giảm giật mình...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hành trình vượt qua bóng tối của chàng trai nhiễm HIV.