Hà Nội

Điều trị phòng ngừa biến chứng động mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường

13-02-2023 14:05 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hẹp động mạch vành là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim; nhồi máu não hay đột quỵ... Tuy biến chứng này là nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách điều trị tốt bệnh đái tháo đường và thực hiện lối sống lành mạnh.

1. Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành là tình trạng các mạch máu nuôi tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn, chủ yếu do các mảng mỡ hoặc mảng xơ vữa. Cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim sẽ xuất hiện khi không có đủ máu nuôi tim.

Nhồi máu cơ tim là biến chứng đáng sợ nhất của bệnh đái tháo đường vì nó có thể gây tử vong rất nhanh, có khi bệnh nhân chết trước khi đến được bệnh viện. Nguy cơ tai biến mạch máu não do bệnh lý động mạch vành có thể khiến bệnh nhân tàn phế hoặc tử vong. Phần lớn các bệnh nhân đái tháo đường bị đột tử cũng là do bị bệnh động mạch vành.

Điều trị phòng ngừa biến chứng động mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 1.

Khi động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não.

2. Làm gì để phòng ngừa bệnh động mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường?

Ước tính có tới 80% số bệnh nhân đái tháo đường bị tử vong do nguyên nhân tim mạch, trong đó nguyên nhân chính là do bệnh lý động mạch vành.

Để làm giảm nguy cơ bị bệnh động mạnh vành, cần phải điều trị tốt bệnh đái tháo đường. Ngoài kiểm soát đường huyết tốt, cần đạt được mục tiêu (A, B, C) bằng các biện pháp như chế độ ăn, hoạt động thể lực và dùng thuốc. Giảm cân cũng là một biện pháp tốt giúp người bệnh dễ đạt được các mục tiêu A, B, C hơn và phòng ngừa bệnh tim mạch dễ hơn. Vì vậy hãy phấn đấu để đạt mục tiêu ngay từ khi bắt đầu điều trị, càng đạt được nhiều mục tiêu thì cơ hội phòng ngừa các biến chứng tim mạch càng lớn.

3. Điều trị phòng ngừa bệnh động mạch vành

Các mục tiêu A - B - C là:

- A: Là HbA1C

HbA1C là phần cấu trúc hemoglobin (Hb) của hồng cầu. Mỗi khi các tế bào hồng cầu được tuỷ xương sản xuất và giải phóng vào dòng máu nó sẽ gắn với một lượng glucose trong máu. Mức độ gắn nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nồng độ đường trong máu tại thời điểm đó cao hay thấp. Do hồng cầu có đời sống khoảng 100-120 ngày nên HbA1C có giá trị đánh giá nồng độ đường máu trong vòng 3-4 tháng, nên các bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm HbA1C cho bệnh nhân mỗi 3-4 tháng.

Lưu ý, bệnh nhân đái tháo đường cần phải kiểm soát tốt cả đường huyết lúc đói và đường huyết sau bữa ăn thì mới hy vọng đạt được mức HbA1C theo khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Mỹ là dưới 7%. Nếu để HbA1C tăng lên thêm 1% thì nguy cơ bị bệnh động mạch vành tăng lên 11%.

Các thuốc hạ đường huyết loại uống như: Diamicron, amaryl, glucophage, avandia hoặc loại tiêm như insulin.

Hiện nay, với các thuốc điều trị đái tháo đường mới không chỉ tác động lên đường huyết, mà còn giúp giảm cân, hạ huyết áp, hạ lipid máu. Các thuốc như kháng thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1RA), thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4is), thuốc ức chế đồng vận chuyển natri/glucose (SGLT2is), trong các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy lợi ích, giúp giảm biến cố tim mạch rất tốt.

- B: Là huyết áp

Con số huyết áp sẽ cho biết áp lực trong lòng động mạch. Huyết áp càng cao thì tim càng phải hoạt động mạnh để bơm được máu vào các mạch máu, vì vậy có nguy cơ bị suy tim nếu huyết áp cao nhiều hoặc cao kéo dài.

Khuyến cáo của Hiệp hội đái tháo đường Mỹ từ nhiều năm nay về mức huyết áp cho các bệnh nhân đái tháo đường là phải dưới 130/80mmHg, tốt nhất là 120/70 mmHg. Nếu để huyết tâm thu tăng thêm 10mmHg thì nguy cơ bị bệnh động mạch vành tăng lên 15%.

Thuốc điều trị tăng huyết áp tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường là:

- Các thuốc nhóm ức chế men chuyển: Coversyl, renitec, zestril…

- Hoặc nhóm ức chế thụ thể angiotensin: Approvel, micardis…

Các thuốc này ngoài tác dụng hạ hạ huyết áp còn có tác dụng bảo vệ tim và thận của bệnh nhân đái tháo đường.

Điều trị phòng ngừa biến chứng động mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường - Ảnh 2.

Kiểm soát tốt huyết áp để làm giảm nguy cơ bệnh lý động mạch vành.

- C: Là mỡ máu (cholesterol)

Cholesterol chính là lượng mỡ trong máu. Có nhiều loại mỡ khác nhau, ví dụ HDL cholesterol thì có tác dụng bảo vệ tim mạch còn LDL cholesterol thì lại có thể gây xơ vữa các mạch máu, dẫn tới bị các bệnh tim. Triglycerides cũng là một loại mỡ có hại cho tim.

Theo Hiệp hội đái tháo đường Mỹ, mục tiêu cần đạt được về mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường:

  • LDL cholesterol: Dưới 2,6 mmol/l
  • HDL cholesterol nam: Trên 1,0 mmol/l
  • HDL cholesterol nữ: Trên 1,25 mmol/l
  • Triglýceride: Dưới 1,7 mmol/l

Nếu để LDL-C tăng lên 1mmol/l thì nguy cơ bị bệnh động mạch vành tăng lên 57%. Nhưng nếu làm tăng được HDL-C lên thêm 0,1mmol/l thì sẽ làm giảm nguy cơ bị bệnh động vành xuống 15%.

Để điều trị rối loạn mỡ máu nguyên tắc là điều trị theo nguyên nhân và theo loại rối loạn mỡ máu. Trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần được đánh giá đầy đủ nguy cơ tim mạch để có phác đồ điều trị phù hợp. Khi cần dùng thuốc, cần phối hợp cả biện pháp không dùng thuốc như chế độ ăn khoa học và vận động phù hợp, kiểm soát cân nặng, bỏ rượu và thuốc lá. Cần phối hợp chặt chẽ điều trị cùng lúc các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp. Đồng thời phải được theo dõi thường xuyên về đáp ứng điều trị để kịp thời điều chỉnh thuốc.

Về thuốc, hiện nay có nhiều nhóm thuốc để lựa chọn trong điều trị các rối loạn mỡ máu. Mỗi nhóm thuốc có cơ chế tác dụng và hiệu quả khác nhau. Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ đánh giá và lựa chọn nhóm thuốc phù hợp với bệnh nhân, bao gồm cả vấn đề chi phí.

Các thuốc thường được kê đơn như crestor, zocor, lipitor. Có thể cần sử dụng aspirin liều thấp để phòng xơ vữa mạch máu.

4. Cách đạt được các mục tiêu A, B, C

  • Lựa chọn các loại thức ăn phù hợp: Giảm mỡ, đặc biệt mỡ bão hòa (mỡ lợn, mỡ gà, bơ, sữa toàn phần, kem, pho mát, dầu dừa, dầu cọ…), chuyển sang ăn các loại thức ăn ít mỡ hoặc không có mỡ, chọn ăn các loại chất béo giúp làm giảm cholesterol trong máu như dầu oliu, dầu canola hoặc các loại hạt cũng là những thức ăn chứa chất béo tốt. Tăng cường ăn cá, ăn các loại thức ăn nhiều chất xơ, hạt khô, đậu, ăn vừa phải hoa quả, tăng cường các loại rau.
  • Tích cực tập luyện: Tăng cường tập thể dục thể thao, vận động thể lực nhiều hơn nữa với các bài tập vừa sức. Làm việc nhà cũng là một cách tiêu hao năng lượng tích cực.
  • Uống thuốc đều đặn: Uống đúng liều lượng, đúng thời thời gian và đầy đủ, không được tự động ngừng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng mà không có sự đồng ý của bác sĩ
  • Bỏ thuốc lá: Thuốc lá không chỉ có hại cho phổi mà còn rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, làm gia tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch, cần bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.

Khi thực hiện tốt các biện pháp này sẽ giúp đạt được các mục tiêu A, B, C và giúp phòng ngừa biến chứng bệnh động mạch vành.

Mời độc giả xem thêm video:

Những sai lầm kinh điển về dinh dưỡng cha mẹ hay mắc phải

TS.Nguyễn Vinh Quang
Nguyên PGĐ BV Nội tiết TW
Ý kiến của bạn