Điều trị phổi nhiễm nấm Candida

10-07-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Điều trị nấm phổi do Candida chủ yếu dùng thuốc amphotericine B, với liều 0,5mg/kg/ngày. Tổng liều và thời gian điều trị thường từ 1,5-3g trong 2-4 tuần.

Có thể sử dụng thuốc kháng nấm toàn thân cho bệnh nhân, hoặc dùng thuốc kháng nấm bơm vào hang nấm bằng một ống thông đặt xuyên qua da.

Phẫu thuật cắt phổi: khi đã phát hiện u nấm thì cần mổ cắt phổi để điều trị ho ra máu, mổ là cắt đi một phân thùy, một thùy phổi hay một phần phổi có giới hạn là nguồn gốc làm cho bệnh nhân ho ra máu. Việc cắt toàn bộ một lá phổi chỉ được dùng trong những trường hợp tổn thương lan tỏa, u nấm lan rộng khắp một bên phổi, hoặc tổn thương lao đã hủy hoại toàn bộ phổi xung quanh u nấm. Nếu có nhiễm nấm ở các cơ quan khác thì cần điều trị đồng thời với điều trị nấm phổi.Candida ở niêm mạc miệng, lưỡi thì dùng dung dịch natricacbonat súc miệng hoặc chấm dung dịch glycerinborat 3%.Candida âm đạo dùng dung dịch nabicacbonat rửa, đặt thuốc chống nấm nystatin, clotrimazol, polygynax, tergynan... kết hợp uống thuốc chống nấm như nizoral, sporal hoặc fluconazol. Bệnh ở da có thể bôi thuốc: milian, castellani, fungizon, kem nystatin, nizoral, canesten. Trong điều trị nấm Candida cần cho bệnh nhân uống thêm vitamin nhóm B, đồng thời giảm lượng đường trong chế độ ăn.

 

Lời khuyên của bác sĩ

Việc phòng ngừa nhiễm Candida ở phổi đạt được tốt nhất bằng cách loại trừ hay giới hạn những yếu tố có khả năng làm Candida ký sinh và hít vào phổi bệnh nhân.

Ở trên đã cho chúng ta biết, nấm Candida có trong đường tiêu hóa, đường sinh dục nữ và trên da người; lượng nấm tăng khi điều trị kháng sinh hoặc khi sức đề kháng của cơ thể bị thương tổn; khi bệnh nhân phải đặt catheter nội tĩnh mạch và các ống thông bàng quang dễ làm cho nấm xâm nhập; nấm thường tấn công khi cơ thể bị suy yếu do hóa trị liệu, do bệnh u hạt mạn tính, do điều trị bằng thuốc corticosteroid, do bệnh đái tháo đường, do vết thương... Vì vậy chúng ta có thể phòng chống bệnh nấm Candida phổi bằng các biện pháp như sau: Khi phát hiện bệnh nấm, cần điều trị tích cực nhất là nấm ở miệng, họng để tránh hít phải nấm vào phổi. Không sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi vì rất dễ làm mất cân bằng vi khuẩn chí trong miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây nhiễm nấm cơ hội. Chăm sóc tốt bệnh nhân phải đặt catheter nội tĩnh mạch, đặt ống thông bàng quang... để tránh nhiễm nấm vào máu.Không bao giờ tự ý dùng thuốc corticosteroid vì làm suy giảm miễn dịch của cơ thể dễ nhiễm nấm.Điều trị tích cực bệnh đái tháo đường, vết thương... để giảm nguy cơ nhiễm nấm, tránh bệnh nấm phổi.

 

ThS. Nguyễn Xuân Lục

 

 

 


Ý kiến của bạn