Điều trị Parkinson, cần lựa chọn thuốc phù hợp với từng người bệnh

12-10-2019 13:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện tại không có cách chữa dứt điểm bệnh Parkinson, nhưng các phương pháp điều trị như thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng... có thể giúp giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống, trong đó, thuốc là một phần quan trọng trong điều trị bệnh này.

Bệnh Parkinson là một rối loạn cấp cao của hệ thần kinh có ảnh hưởng đến vận động, với đặc trưng là run, cứng và khó đi lại, khó giữ thăng bằng và phối hợp. Các triệu chứng này thường bắt đầu dần dần và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đi lại và nói chuyện, cũng như có những thay đổi về tinh thần và hành vi, khó ngủ, trầm cảm, khó nhớ và mệt mỏi.

Các thuốc thường dùng bao gồm: thuốc làm tăng nồng độ dopamine trong não như levodopa (còn được gọi là L-dopa) và thuốc bắt chước dopamine hoặc ngăn chặn sự phá vỡ dopamine; thuốc làm giảm run và các triệu chứng khác ảnh hưởng đến chuyển động cơ thể; thuốc trị trầm cảm, rối loạn tâm thần, mất trí nhớ và các triệu chứng không vận động khác...

Không có phác đồ điều trị chung cho các bệnh nhân Parkinson.

Không có phác đồ điều trị chung cho các bệnh nhân Parkinson.

Thuốc làm tăng nồng độ dopamine

Các triệu chứng của Parkinson chủ yếu là do nồng độ dopamine (chất dẫn truyền thần kinh) trong não thấp. Não thiếu dopamine nhưng lại không thể tiêm hay uống dopamine vì chất này không đi qua được hàng rào máu - não để vào não. Do đó phải dùng tiền chất của dopamine đi qua được hàng rào máu - não hoặc dùng các chất bắt chước hiệu ứng dopamine trong não, để bù đắp sự thiếu hụt này. Một số thuốc hường dùng:

Tiền chất của dopamine

Levodopa: Là tiền chất của dopamine. Levodopa đi qua được hàng rào máu - não, khi vào não sẽ được chuyển thành dopamine, bù đắp cho sự thiếu hụt chất này trong não. Levodopa là thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị Parkinson. Thuốc được dùng bằng đường uống ở dạng viên hoặc dạng lỏng. Tuy nhiên, bất lợi thường gặp của thuốc là buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chóng mặt...

Thuốc phối hợp levodopa và carbidopa: Carbidopa có tác dụng ngăn chặn sự phá hủy levodopa bởi các enzyme trong đường tiêu hóa và làm giảm một số tác dụng phụ của thuốc này, bao gồm cả buồn nôn. Các tác dụng phụ của thuốc kết hợp này có thể bao gồm: rối loạn tâm thần (nhầm lẫn, ảo tưởng và ảo giác); chuyển động không tự chủ (giật hoặc xoắn)... Những người dùng thuốc này cũng có nguy cơ mắc các vấn đề về gan, thận và tim mạch cao hơn và có nhiều khả năng mắc bệnh tăng nhãn áp.

Thuốc chủ vận dopamine

Đây là nhóm thuốc bắt chước tác dụng của dopamine, làm não bộ nhầm tưởng chúng đang nhận được chất này. Thuốc chủ vận dopamine có thể là một lựa chọn tốt thay thế cho levodopa vì chúng có nguy cơ biến chứng lâu dài thấp hơn. Ưu điểm của các thuốc này là sử dụng được trong tất cả các giai đoạn của Parkinson, nhất là trong giai đoạn đầu, nó làm tăng tác dụng của levodopa khi dùng kết hợp.

Các chất chủ vận dopamine không tác dụng nhanh như nhóm tiền chất dopamin, do đó chúng ít gây loạn vận động, nhưng vẫn cần thận trọng khi mới dùng, vì thuốc cũng có thể gây: rối loạn tâm thần, buồn nôn, hạ huyết áp tư thế, buồn ngủ, chuột rút cơ bắp... Những triệu chứng này sẽ nặng hơn ở người mắc bệnh tim, phổi nên không dùng cho người có tiền sử bệnh tim mạch, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần. Thuốc có thể gây tương tác với rượu, bia, thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng hitstamine H1, thuốc chống trầm cảm...

Một số thuốc trong nhóm này như: bromocriptine, pramipexole, ropinirole... Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân dưới dạng viên (uống) hoặc dạng tiêm...

Các chất ức chế MAO-B

Các chất ức chế MAO-B (monoamin oxydase-B) như selegiline và rasagiline là một thay thế khác cho levodopa. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của một loại enzyme gọi là monoamin oxydase-B (MAO-B), phá hủy dopamine trong não. Chặn MAO-B cho phép dopamine tồn tại lâu hơn trong cơ quan này. Thuốc ức chế MAO-B có thể dùng cùng với levodopa hoặc thuốc chủ vận dopamine. Một số bất lợi có thể gặp khi dùng các thuốc này như: chóng mặt, đau đầu, đau bụng, sốt, viêm kết mạc...

Thuốc ức chế COMT

Loại thuốc này ngăn chặn COMT (Catechol O-methyltransferase), một loại enzyme phá vỡ levodopa. Bằng cách này, nó có thể kéo dài hiệu quả của liệu pháp carbidopa-levodopa.

Thuốc chống cholinergic

Trong bệnh Parkinson, có sự thay đổi nồng độ dopamine và chất đối kháng với nó là acetylcholine. Khi nồng độ acetylcholine tăng lên, việc sản xuất dopamine sẽ bị giảm xuống hoặc dừng lại, gây ra một số triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson. Bằng cách giảm lượng acetylcholine trong não, thuốc kháng cholinergic có thể giúp lấy lại cân bằng tỷ lệ 2 chất dẫn truyền thần kinh kể trên, từ đó làm giảm các triệu chứng như run, chảy nước dãi và một số hiện tượng cứng khớp khác. Một số thuốc thường dùng như: trihexyphenidyl, benztropine, biperiden... Liều dùng của các thuốc này sẽ được điều chỉnh phù hợp theo tuổi và cân nặng. Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra như: buồn nôn, khô miệng, táo bón, bí tiểu... Những triệu chứng này sẽ giảm dần giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc.

Thuốc chống trầm cảm, rối loạn tâm thần và mất trí nhớ

Trầm cảm và lo âu là một vấn đề phổ biến đối với những người bị Parkinson. Vì vậy, các thuốc chống trầm cảm như amitriptyline có thể được khuyên dùng. Thuốc chống trầm cảm 3 vòng như imipramine cũng được ưu tiên sử dụng (vì vừa kháng cholinergic vừa có tác dụng chống trầm cảm). Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm 3 vòng không nên dùng cho những người mắc kèm bệnh mất trí nhớ hoặc bệnh tim.

Vấn đề rối loạn tâm thần cũng có thể xảy ra và trở nên nghiêm trọng khi bệnh tiến triển. Vì vậy, các bác sĩ có thể dùng thuốc trị rối loạn tâm thần như clozapine. Tuy nhiên, khi dùng các thuốc này, người bệnh cần được theo dõi cẩn trọng vì thuốc có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.        Chứng mất trí nhớ có thể phát triển theo thời gian ở nhiều người bị Parkinson, đặc biệt là nếu người bệnh Parkinson  với chứng mất trí nhớ thể Lewy. Để ứng phó với chứng mất trí nhớ ở người bệnh, một số thuốc có thể dùng như  rivastigmine, donepezil...

Nguyên tắc dùng thuốc

Tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc cũng như liều lượng phù hợp. Thậm chí ngay trên cùng một người bệnh nhưng các giai đoạn bệnh khác nhau thì liều lượng và thuốc dùng cũng khác nhau.Như vậy, việc chọn thuốc không chỉ phụ thuộc vào sự đáp ứng của từng bệnh nhân mà còn phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nên không có phác đồ chung cho tất cả mọi bệnh nhân.Trong quá trình điều trị, cần có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc và hợp tác chặt chẽ của người bệnh. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định, tái khám đúng hẹn theo chỉ dẫn của bác sĩ…


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn