Hà Nội

Điều trị nhược thị ở trẻ em bằng liệu pháp atropin

20-05-2008 10:31 | Đời sống
google news

Trong điều trị nhược thị, nhỏ atropin vào mắt lành gây giãn đồng tử và liệt điều tiết làm cho mắt tốt này nhìn kém đi một cách có chủ đích, bắt buộc bệnh nhân phải sử dụng mắt nhược thị, do đó làm tăng thị lực của mắt kém.

 Khám mắt cho trẻ.
Atropin là dẫn xuất alkaloid chiết xuất từ cây cà độc dược (Atropa belladonna) và là nguyên mẫu của các chất chống tiết cholin được sử dụng làm thuốc chống co thắt cũng như thuốc giải độc các chất kháng cholesterase. Trong nhãn khoa, thuốc đã được sử dụng rộng rãi từ nhiều năm để tra mắt với tác dụng làm giãn đồng tử và liệt cơ thể mi. Chính vì tác dụng này mà atropin có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ở mắt.

Trong điều trị nhược thị, nhỏ atropin vào mắt lành gây giãn đồng tử và liệt điều tiết làm cho mắt tốt này nhìn kém đi một cách có chủ đích, bắt buộc bệnh nhân phải sử dụng mắt nhược thị, do đó làm tăng thị lực của mắt kém. Nhược thị là một bệnh lý mắt rất thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em và kết quả của quá trình điều trị nhược thị phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Bịt mắt lành để điều trị mắt nhược thị là phương pháp kinh điển áp dụng từ hàng trăm năm nay và cho đến nay vẫn là phương pháp đơn giản có hiệu quả tốt để điều trị nhược thị. Tuy nhiên phương pháp bịt mắt này cũng có nhiều bất tiện như vấn đề vệ sinh, có thể bị dị ứng với băng bịt mắt, yếu tố thẩm mỹ... nhất là đối với trẻ nhỏ do dễ bị trêu chọc, bị mặc cảm từ đó dẫn đến bỏ không chịu bịt mắt và là nguyên nhân của thất bại điều trị. Trong các trường hợp như vậy thì dùng thuốc atropin tra vào mắt lành là một giải pháp tốt, ngày càng có xu hướng trở thành phương pháp chuẩn mực và là sự lựa chọn đầu tiên để điều trị nhược thị ở trẻ em.

Cách dùng:

- Dùng dung dịch thuốc nhỏ mắt (hoặc mỡ) atropin 0,5% cho trẻ dưới 3 tuổi và 1% cho trẻ trên 3 tuổi. Khi nhỏ atropin cần tuân thủ đúng quy trình tra thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, cần bịt chặt đường dẫn nước mắt để tránh thuốc xuống miệng gây nguy cơ ngộ độc toàn thân.

- Khi nhỏ atropin cần phải theo dõi nghiêm ngặt và đầy đủ, khám lại đúng hẹn theo quy trình điều trị nhược thị nhằm tránh nguy cơ nhược thị đảo ngược (tức là nhược thị ở bên mắt tốt) xảy ra.

- Trong quá trình điều trị nhược thị, nếu bệnh nhân có tật khúc xạ thì vẫn phải đeo kính đầy đủ và đúng cách. Do thuốc tra atropin chỉ làm cho bệnh nhân nhìn mờ khi nhìn gần nên có thể chủ động thay đổi cả số kính đeo ở mắt tốt làm cho mắt này mờ cả nhìn gần và nhìn xa để tăng hiệu quả điều trị.

Một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như: mắt kích thích và đỏ mắt, phù mi mắt; lóa mắt, nhìn mờ; khô miệng, khô hoặc đỏ da, phát sốt, nhịp tim nhanh. Không dùng cho bệnh nhân mẫn cảm với các thành phần của thuốc, glocom góc đóng. Thận trọng với các trường hợp: trẻ dưới 3 tháng tuổi, bệnh nhân bạch tạng, hội chứng Down. Không đeo kính tiếp xúc khi nhỏ thuốc atropin.

BS.ThS. Đỗ Quang Ngọc (BV Mắt TW)


Ý kiến của bạn