Điều trị nhược cơ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực

09-04-2012 21:44 | Tin nóng y tế
google news

Nhược cơ là bệnh rối loạn tự miễn dịch với biểu biện nổi bật là các cơ vân yếu nhược và hoạt động chóng mỏi.

Nhược cơ là bệnh rối loạn tự miễn dịch với biểu biện nổi bật là các cơ vân yếu nhược và hoạt động chóng mỏi. Theo nhiều nghiên cứu sinh bệnh học, người ta thấy nổi bật lên vai trò của tuyến ức. Tuyến ức trong bệnh nhược cơ có những biến đổi giải phẫu rất rõ ràng (có thể gặp tăng sản tuyến ức, tồn tại tuyến ức hoặc u tuyến ức). Sau khi cắt bỏ tuyến ức, các triệu chứng nhược cơ ở phần lớn bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, nhiều trường hợp khỏi hoàn toàn.
 
Do vậy, để điều trị bệnh nhược cơ, một trong những biện pháp hiệu quả là cắt bỏ tuyến ức. Từ trước đến nay có khá nhiều phương pháp cắt bỏ tuyến ức như mổ cắt bỏ tuyến ức qua đường cổ, qua đường mở dọc giữa xương ức, đường cổ- xương ức, qua khoang màng phổi. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng, phẫu thuật đường cổ thì khó có thể lấy được triệt để tuyến ức, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân cao tuổi tuyến ức thoái hoá mủn nát hoặc u tuyến ở cực dưới. Đường mổ qua xương ức thường làm bệnh nhân đau đớn nhiều, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp sau phẫu thuật.
 
Để khắc phục nhược điểm của những biện pháp đã từng được thực hiện, gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 đã áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt bỏ tuyến ức cho người bệnh nhược cơ, một phương pháp điều trị triệt để và có nhiều ưu điểm nhất hiện nay. Khi được áp dụng phương pháp này, tuyến ức bệnh sinh và tổ chức mỡ lỏng lẻo trong trung thất của người bệnh được lấy bỏ triệt để, tổn thương thành ngực ít, ít đau, thời gian chăm sóc sau phẫu thuật được rút ngắn, thẩm mỹ. Phẫu thuật nội soi cắt bỏ u tuyến ức được chỉ định cho những bệnh nhân nhược cơ nhóm I (nhược cơ chỉ khu trú ở mắt), nhược cơ nhóm IIA (nhược cơ toàn thân nhẹ, hình thành dần ở hệ cơ ngoại vi, chưa có rối loạn nuốt và hô hấp), nhược cơ nhóm IIB (nhược cơ toàn thân trung bình, hình thành dần rối loạn nuốt, nói… nhưng chưa có rối loạn hô hấp) theo phân loại của Perlo và Osserman.        
H. Khánh

Ý kiến của bạn