Điều trị ngưng thở khi ngủ ở người tiền tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh tim

08-10-2020 20:38 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đại học Y khoa Chicago cho biết, điều trị ngưng thở khi ngủ bằng áp lực dương liên tục (CPAP), có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim ở những người bị tiền tiểu đường.

Ở giai đoạn tiền tiểu đường, lượng đường trong máu trên mức bình thường nhưng không đủ cao để được coi là bệnh tiểu đường. CPAP được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Máy CPAP sử dụng mặt nạ để cung cấp áp suất không khí ổn định vào đường thở.

Nghiên cứu mới này cho thấy, trong số những người bị tiền tiểu đường và ngưng thở khi ngủ, những người sử dụng CPAP trong hai tuần thấy nhịp tim khi nghỉ ngơi giảm 4-5 nhịp mỗi phút, so với những người không sử dụng CPAP.

Với điều trị CPAP tối ưu, nhịp tim không chỉ thấp hơn vào ban đêm mà còn thấp hơn vào ban ngày. Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Esra Tasali, giám đốc nghiên cứu giấc ngủ tại Đại học Y khoa Chicago, cho biết: Điều đó rất quan trọng. Ngay cả khi nhịp tim nghỉ ngơi giảm một nhịp mỗi phút cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong trong tương lai. Nhịp tim giảm 4-5 nhịp / phút được quan sát trong nghiên cứu có thể so sánh với việc tập thể dục thường xuyên.

Khoảng một tỷ người trên thế giới mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và hơn 60% trong số họ bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng khoảng 80% những người bị ngưng thở không được chẩn đoán.

Theo các tác giả nghiên cứu, các phát hiện này đặc biệt kịp thời vì những người mắc bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tim là những người dễ bị tổn thương nhất bởi COVID-19. Bất kỳ cách nào giúp chúng ta có thể cải thiện sức khỏe tim mạch đều quan trọng hơn bao giờ hết. Những người bị tiền tiểu đường, tiểu đường hoặc các vấn đề về giấc ngủ cần được kiểm tra chứng ngưng thở khi ngủ.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn