Theo Điều 77 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, việc điều trị nội trú sẽ được áp dụng đối với trường hợp người bệnh phải lưu lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chỉ định của người hành nghề.
Theo quy định, người bệnh sẽ được điều trị nội trú tùy theo điều kiện hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng tối đa không được quá 72 giờ (trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh,...).
Trong quá trình điều trị nội trú, người bệnh sẽ được chuyển khoa trong trường hợp phát hiện việc khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh tại chuyên khoa khác phù hợp hơn với tình trạng bệnh của người bệnh hoặc khoa chuyển người bệnh đi phải hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án, chuyển người bệnh và hồ sơ bệnh án đến khoa mới.
Trong trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh đi phải hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án và giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới. Ngoài ra, nếu người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh yêu cầu chuyển cơ sở khám chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Người bệnh được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội khi thuộc các trường hợp sau: Khi người bệnh đã khỏi bệnh hoặc tình trạng bệnh ổn định; Có yêu cầu được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và có cam kết của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh.
Khi người bệnh ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án và hướng dẫn người bệnh về việc tự chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh có thể chỉ định điều trị ngoại trú trong trường hợp cần thiết và tiến hành quyết toán chi phí khám chữa bệnh cũng như cung cấp đầy đủ giấy ra viện cho người bệnh.
Trong khi đó, để được tiến hành điều trị ngoại trú, người bệnh chỉ cần không thuộc các trường hợp phải điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Những lưu ý khi tiếp nhận và xử lý đối với người bệnh không có thân nhân
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, khi tiếp nhận, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh không có thân nhân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm kê, lập biên bản và lưu giữ tài sản của người bệnh.
Cụ thể, trong thời gian 48h kể từ khi tiếp nhận người bệnh mà vẫn không thể xác định được thân nhân của người bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở để báo tìm thân nhân của người bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận bệnh nhân cần lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi bị bỏ rơi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định mà vẫn không thể xác định được thân nhân và thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội.
Đặc biệt, nếu người bệnh chưa xác định được thân nhân tử vong, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Điều 73 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Xem thêm video được quan tâm:
Nhiều thay đổi về chính sách bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 12/2023 người dân cần biết.