Tính đến 31/12/2017 tổng số bệnh nhân được điều trị methadone lên đến 53.627 bệnh nhân tại 310 cơ sở điều trị. Nhờ chương trình này, bệnh nhân giảm tỷ lệ nghiện ma túy, giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV.
Điều trị bằng methadone rất hiệu quả trong việc quản lý người nghiện.
Đơn giản, an toàn và tiết kiệm chi phí
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone (MMT) bắt đầu triển khai từ năm 2008. Cho đến nay, các can thiệp giảm tác hại cho người sử dụng ma túy phòng tránh lây nhiễm HIV được triển khai rộng khắp 63 tỉnh thành trong cả nước.
Đơn giản, an toàn và tiết kiệm chi phí... là những ưu điểm nổi bật từ điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Nhờ chương trình điều trị này, bệnh nhân giảm tỷ lệ nghiện ma túy, giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV. Trước điều trị có tới 87% bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy, thì sau 6 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn 53,9% và sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn sử dụng. Tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm giảm còn 2% trong nhóm bệnh nhân còn tiêm chích ma túy đang tham gia điều trị trên 24 tháng so với 21% trước điều trị.
Nhóm bệnh nhân tham gia điều trị đã giảm sử dụng heroin. Sức khỏe thể chất và tâm thần cũng như chất lượng cuộc sống được cải thiện; Giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng; Giảm tội phạm liên quan đến ma túy, đem lại lợi ích về kinh tế, trật tự xã hội. Người nghiện có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng...
Vẫn còn đó những khó khăn
TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Trong những năm gần đây, nguồn lực dành cho phòng, chống HIV/AIDS liên tục cắt giảm, bao gồm cả ngân sách nhà nước và vốn viện trợ quốc tế, làm ảnh hưởng đến việc triển khai mở rộng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong đó có methadon. Nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu nhân lực và kinh phí. Việc tuyên truyền về methadon chưa sâu rộng, nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình, vẫn còn những thông tin trái chiều về chương trình. Bên cạnh đó, số người sử dụng ma túy tổng hợp, cũng như sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy đang ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng tăng số lượng bệnh nhân tham gia điều trị methadon sử dụng thêm ma túy khác dẫn đến bị bắt đi cai nghiện bắt buộc. Nhiều địa phương mở rộng các hình thức cai nghiện khác nhau nên người nghiện có nhiều lựa chọn trong điều trị.
TS. Hoàng Đình Cảnh cho biết thêm, điều trị methadon là điều trị lâu dài và phải đến uống thuốc hàng ngày do đó có một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân đã bỏ trị, nhất là một số tỉnh miền núi do giao thông đi lại khó khăn. Nhiều thôn bản xa điểm uống methadon 20-70km, có nơi xa 130-150km nên bệnh nhân thường bỏ trị sau 1-2 tháng điều trị. Tình trạng bỏ trị theo thời gian có chiều hướng gia tăng, trong đó bỏ không rõ lý do, bỏ do khoảng cách xa, bị bắt giam, tự nguyện xin dừng điều trị, chuyển cơ sở, bị đưa vào cơ sở cai nghiện là những nguyên nhân chính.
Cần tăng cường hơn nữa
Để duy trì thành quả đã đạt được và tăng số người nghiện ma túy được điều trị, theo TS. Hoàng Đình Cảnh, thời gian tới cần tăng cường công tác truyền thông, vận động chính sách, tiếp tục mở rộng mô hình cấp phát thuốc tại tuyến xã/phường đặc biệt tại các tỉnh miền núi. Đồng thời, triển khai điều trị bằng các thuốc khác như suboxone - buprenorphin/naloxone.
TS. Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, việc tăng cường chất lượng điều trị, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị methadone nhằm giảm tải các hồ sơ biểu mẫu rườm rà, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và uống thuốc tại địa phương một cách đơn giản hơn. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ công tác triển khai điều trị tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở giam giữ: ngành y tế hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thuốc điều trị.
Tuy nhiên, làm được những điều này cần sự nỗ lực của các ban ngành liên quan và sự chung tay của toàn xã hội.