Hà Nội

Điều trị nám da

25-06-2019 10:38 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Nám là một bệnh da phổ biến, biểu hiện với tình trạng tăng lượng hắc tố quá mức bình thường của da. Việc điều trị ngoài dùng thuốc còn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Về nguyên nhân:

Nám da là một hội chứng phức tạp, thường do các yếu tố  như: ánh nắng mặt trời, gen, cơ địa; thai kỳ; dùng thuốc ngừa thai; dùng mỹ phẩm; rối loạn nội tiết tố từ bệnh lý của tuyến giáp hay buồng trứng; tình trạng dinh dưỡng không hợp lý, ăn uống thiếu rau quả tươi; rối loạn chức năng gan từ đó làm thay đổi sắc tố mật, muối mật; thiếu vitamin cũng làm cho da trở nên nhạy cảm hơn. Trong đó, ánh nắng mặt trời là  nguyên nhân quan trọng nhất. Vị trí của tổn thương thường là ở mặt như ở giữa mặt, ở gò má, mũi hay dưới cằm, cũng có thể ở những vùng phơi bày ánh sáng ngoài vùng mặt: cổ - ngực - cẳng tay…

Có 3 biểu hiện nám da thường gặp: nám da nông, với biểu hiện tăng sắc tố ở lớp thượng bì trên màng đáy; nám sâu là sang thương ở dưới lớp thượng bì, thường gặp ở phía trên gò má, tổn thương là những đốm xanh đen, nằm rải rác, có khuynh hướng tăng sắc tố và tăng dần về số lượng theo thời gian; và loại nám da hỗn hợp bao gồm cả hai loại trên tức là vừa nám nông và vừa nám sâu trên cùng một sang thương.

Điều trị nám da

Với nám da ở lớp thượng bì, giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng các chế phẩm dưới dạng kem để tẩy nám

Giải pháp cho điều trị:

Với nám da ở lớp thượng bì, giải pháp tốt nhất hiện nay là sử dụng các chế phẩm dưới dạng kem để tẩy nám, có nhiều trên thị trường hiện nay như: phenols (hydroquinone, mequinol), retinoid (tretinoin), corticoid (dexamthasone, fluocinolone acetonide) Azelaic acid, kojic acid…Chế phẩm thoa chứa hydroquinone có tác dụng tốt giảm sắc tố, thuốc thường được sử dụng ở nồng độ 2 - 5%, nồng độ thuốc cao hơn sẽ có hiệu quả hơn nhưng cũng dễ gây kích ứng da. Tác dụng phụ của thuốc có thể gây viêm da kích ứng, viêm da tiếp xúc, tăng sắc tố sau viêm. Cách dùng, liều khởi đầu  nồng độ thấp 2%, sau đó tăng dần đến khi có phản ứng kích ứng nhẹ, thoa mỏng 1 lần lúc tối trước ngủ trong 2 - 7 ngày, sau đó khi da đã thích ứng thì có thể tăng lên 2 lần mỗi ngày, dùng kéo dài sau 3 - 6 tháng, hiệu quả khoảng 80% trường hợp cải thiện tốt sau 12 tuần điều trị, vùng da tăng hắc tố sẽ nhạt màu nhanh và hoàn toàn hơn những vùng da xung quanh.

Hoặc có thể sử dụng các dẫn xuất của Retinoid, bao gồm các dạng như: Tretinoin, Isotretinoin hay Adapalene. Tretinoin còn gọi là retinoic axít hay vitamin A axít, được xem là có hiệu quả trong việc ức chế Tyrosynase, do đó chặn đứng được quá trình sinh tổng hợp melanin. Thuốc thường được sử dụng ở nồng độ 0,05 - 0,1%. Thuốc có tác dụng phụ thường là gây kích ứng da, ngứa, đỏ nhưng các tác dụng phụ này sẽ giảm dần khi tiếp tục được duy trì điều trị. Thời gian để có hiệu quả trong điều trị thường là dài, có thể trên 20 tuần.

Trường hợp nám da do tăng sắc tố sau viêm và mụn trứng cá, thường dùng azelaic axít, đạt hiệu quả thường là sau 24 tuần điều trị,  thoa 2 lần trong ngày. Tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua, như có cảm giác ngứa và bỏng rát. Ngoài ra, có thể sử dụng điện di ion vitamin C. Vitamin C khi được điện di dưới dạng ion sẽ tăng khả năng thấm qua da tốt hơn nhiều, khi dùng 12 tuần cho thấy kết quả cải thiện rõ rệt, các tác dụng phụ chỉ nhẹ nhàng và thoáng qua như cảm giác châm chích, ngứa, đỏ da, bỏng rát và khô da.

laser điều trị nám da

Đối với các vết nám sâu, thường sử dụng thoa dạng kem ít đem lại hiệu quả, nên sử dụng laser được chỉ định ưu tiên trong điều trị

Đối với các vết nám sâu, thường sử dụng thoa dạng kem ít đem lại hiệu quả, nên sử dụng laser được chỉ định ưu tiên trong điều trị. Có thể dùng laser CO2, laser YAG hay laser Q-switched alexandrite. Trong đó, laser Q-switched alexandrite là laser chuyên biệt cho hắc tố. Để tăng hiệu quả điều trị, thường được phối hợp giữa các loại laser với nhau, trong đó laser CO2 cần được thực hiện trước trước để phá hủy các vết nám, tiếp theo dùng Q-switched alexandrite để loại bỏ có chọn lọc hắc tố trong lớp bì.

Chế độ dinh dưỡng trị nám da:

Ngoài các giải pháp như trên, giải pháp dinh dưỡng và chống nắng cũng giữ vai trò quan trọng trong điều trị. Với chế độ dinh dưỡng hợp lý thì cần duy trì thường xuyên thức ăn có chứa nhiều glutathone như cà chua, để ngăn ngừa được sự nhiễm sắc tố và sự hình thành vết nám. Ăn các thức ăn có chứa nhiều selen như: măng, nấm, hành tây, tỏi, trứng, cá, tôm, sò biển, gan... để selen giúp cơ thể chuyển hóa thành các glutathione trong cơ thể, có tác dụng phòng ngừa nám da. Cần bổ sung vitamin C trong trái cây tươi như: táo, cam, bưởi, quýt, lê, cà chua, chanh, thực phẩm này có thể hạn chế sự hình thành sắc tố, ngăn ngừa hắc sắc tố bị nhiễm mạn tính trong da; bổ sung vitamin E, vì vitamin E cũng có tác dụng hạn chế sự hình thành nám da, vitamin E có nhiều lúa mì, dầu vừng, dầu lạc, trong các loại đậu và rau xanh. Cần hạn chế tối đa các thức ăn gây kích thích: ớt, hạt tiêu, rượu, bia thuốc lá.

Ánh nắng là nguyên nhân được các nhà khoa học cho là yếu tố nhiều nhất gây nám da, cần tránh nắng với giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều; cần đội mũ rộng vành, mang khẩu trang, găng, vớ, mặc quần áo có chất liệu sậm màu như: đen, nâu, xanh đậm… Sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài trời, nên chọn sản phẩm có chỉ số SPF từ 15 - 50 là thích hợp nhất.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn