Theo BS. Hà Thị An Diên (BS chuyên khoa da liễu thẩm mỹ ở Hà Nội), cách điều trị mụn trứng cá sẽ tùy thuộc theo mức độ nghiêm trọng và dai dẳng của các nốt mụn.
1. Điều trị mụn trứng cá ở tình trạng nhẹ
Mụn trứng cá ở mức độ nhẹ có thể được điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da không kê đơn như:
- Retinoid và các loại thuốc có công dụng tương tự retinoid: Thuốc có chứa axit retinoic hoặc tretinoin... có thể ở dạng kem, gel hoặc lỏng. Trong thời gian đầu sử dụng, nên dùng với tần suất cách ngày hoặc 3 lần/tuần, sau đó tăng dần lên cho đến khi da đã quen thuốc thì dùng mỗi ngày. Thành phần này khiến da nhạy cảm hơn với ánh sáng, do đó nên dùng vào buổi tối.
- Benzoyl peroxide: Có tác dụng diệt khuẩn và đẩy nhanh quá trình tái tạo da mới, làm chậm sự tiết bã nhờn trên da. Không nên dùng benzoyl peroxide đồng thời cùng tretinoin vì hai hoạt chất này dễ gây kích ứng da nếu không có sự kiểm soát tốt.
- Axit azelaic: Là một loại axit tự nhiên giúp ngăn chặn sự sản xuất bã nhờn quá mức, đồng thời hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Thành phần này khá an toàn nên có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Dapsone: Gel bôi có chứa thành phần dapsone thường được chỉ định trong điều trị mụn trứng cá viêm, đặc biệt là ở phụ nữ.
Điều trị mụn trứng cá tùy thuộc theo mức độ của các nốt mụn.
2. Điều trị mụn trứng cá ở mức độ trung bình đến nặng
Để điều trị mụn trứng cá ở tình trạng trung bình hoặc nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc trị mụn, thuốc kháng sinh đường uống hoặc bôi:
2.1. Thuốc kháng sinh
Thông thường loại thuốc kháng sinh được dùng trong điều trị mụn là tetracycline (minocycline, doxycycline) hoặc macrolid (erythromycin, azithromycin).
Mục tiêu điều trị kháng sinh nhằm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn. Có thể kết hợp với các loại thuốc khác để tăng cường hiệu quả, đồng thời ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh.
2.2. Thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai hai thành phần progestin và estrogen cũng có thể sử dụng để điều trị mụn trứng cá. Bằng cách ức chế tuyến dầu hoạt động quá mức, thuốc tránh thai có thể kiểm soát sự phát triển của mụn trứng cá ở phụ nữ.
Tuy nhiên, cần sử dụng lâu dài để thuốc phát huy tác dụng. Do đó, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
2.3. Isotretinoin
Isotretinoin là một dẫn xuất của vitamin A, thường được chỉ định trong các trường hợp điều trị mụn trứng cá trung bình đến nặng không đáp ứng với các phương pháp khác. Thuốc dùng đường uống, có thể gây ra một số phản ứng phụ như da khô, thay đổi tâm trạng…
Thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai vì có ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, có thể gây dị tật bẩm sinh. Do đó khi sử dụng, cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị được kê, trao đổi với bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong quá trình dùng thuốc.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
3. Một số phương pháp điều trị mụn trứng cá khác
Bên cạnh việc dùng thuốc, có thể kết hợp điều trị mụn trứng cá bằng một số liệu pháp dưới đây:
- Liệu pháp ánh sáng: Sử dụng các bước sóng nhất định của ánh sáng xanh hoặc đỏ để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn mà không làm tổn thương da.
- Peel da: Là phương pháp lột da bằng công nghệ hóa học với các thành phần như axit salicylic, axit glycolic hoặc axit retinoic, giúp cải thiện vẻ ngoài của da. Tuy nhiên, người bệnh cần thực hiện theo liệu trình nhất định để đạt hiệu quả như mong muốn.
- Tiêm steroid: Các tổn thương da dạng mụn nốt và dạng nang có thể được điều trị bằng cách tiêm steroid. Liệu pháp này đã giúp cải thiện nhanh chóng và giảm đau. Tuy nhiên, có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm mỏng da hoặc đổi màu da ở vùng trị liệu…
Mời bạn đọc xem tiếp video:
5 cách ăn uống bảo vệ sức khỏe tim mạch | SKĐS