Điều trị mụn, không chỉ cần đến laser

17-06-2019 13:26 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Một số thiết bị ánh sáng, Laser bước sóng 1320nm, IPL, LED, Fractional laser..., có mục đích điều trị mụn, giảm tiết bã nhờn, làm teo nhỏ lỗ chân lông, điều trị sẹo xấu do mụn để lại, hỗ trợ một phần trong trẻ hóa da. Với các bác sĩ chuyên khoa da liễu, laser ít khi được chỉ định trong điều trị mụn, bởi vì chi phí cao.

Mụn, ít cần đến laser

Anh Đoàn V. C., 36 tuổi, ngụ tại TP.HCM, bị mụn cá đỏ từ nhiều năm nay. Biểu hiện rõ nhất của anh là lỗ mũi đỏ bóng như quả cà chua. Ngay từ khi bắt đầu bị mụn, anh đã theo lời chỉ dẫn của bạn bè, đi đến một số cơ sở tư nhân để nặn mụn.

Do nặn không đúng cách nhiều lần, lỗ mũi anh sưng to và trở thành di chứng. Những di chứng này tồn tại hoài và không thay đổi theo thời gian. Các vết sẹo lồi lên lõm xuống.Những trường hợp này, các bác sĩ phải dùng phương pháp laser để điều trị tình trạng da nhờn, mụn viêm và sẹo mụn.Laser giúp huỷ tuyến bã nhờn tránh tình trạng tăng tiết bã nhờn, ứ bã nhờn hay viêm dẫn đến tình trạng mụn hay giúp tăng tái tạo cơ chất cho da láng mịn.

Ngày cao điểm, Khoa Da Liễu - Thẩm mỹ Da của BV.ĐH Y Dược TP.HCM có thể tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám vì mụn, trong đó một có trường hợp đã được chỉ định điều trị bằng ánh sáng hay laser.

TS. BS. Lê Thái Vân Thanh, Trưởng Khoa Da Liễu - Thẩm mỹ Da (BV. ĐH Y Dược TP.HCM), cho biết, một số thiết bị như laser bước sóng 1320nm, có mục đích điều trị mụn, làm giảm tiết bã nhờn, làm teo nhỏ lỗ chân lông, hỗ trợ một phần trong trẻ hóa da; IPL/ LED nhắm đích là các tuyến bã nhờn; Fractional CO2/PICO laser biến hóa cho làn da mịn màng giảm sẹo.

Điều trị mụn, không chỉ cần đến laser

Do đó, công nghệ ánh sáng/laser được chỉ định trong điều trị mụn trong những trường hợp cần thiết hoặc khách hàng không muốn sử dụng phương thức uống/bôi trị mụn mà không có chống chỉ định tiếp cận ánh sáng/laser trị liệu.

Một thiết bị laser điều trị mụn có thể giá vài tỷ đồng, tương đương với các máy laser triệt lông, hay máy laser ứng dụng trong trẻ hóa da hay laser để trị nám. Do đó, chi phí điều trị mụn bằng laser thường từ 1 - vài triệu đồng/lần.

Hiệu quả điều trị da nhờn/mụn viêm bằng laser không kéo dài lâu.Bởi vì, khi laser hủy các tuyến bã nhờn đang hoạt động, không chắc là có thể tiêu diệt các tuyến bã nhờn khác hay đơn vị nang lông khác. Do đó, để thanh toán hết mụn không thể chỉ bằng chiếu laser một hoặc hai lần.

Ngoài ra, ánh sáng/laser cũng có những chống chỉ định, đặc biệt là với bệnh nhân tăng sắc tố sau viêm, những bệnh nhân có da nhạy cảm, bệnh nhân có viêm da do tia laser, bệnh nhân có viêm da dị ứng.

Do đó, để có thể phân biệt được các loại da phải là một bác sĩ chuyên khoa da liễu có kinh nghiệm.

Điều trị mụn: Thuốc kết hợp với ánh sáng LED/IPL

Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, điều trị mụn không khó.Mụn cỡ nào đi nữa, từ mụn cục, nang, cho đến một cụm mụn tạo thành lỗ dò, đều có thể được điều trị bằng thuốc uống và thuốc bôi nhưng có thể chịu tác dụng phụ của các phương thức này.

Do đó nên hỗ trợ thêm bằng phương pháp chiếu ánh sáng LED/IPL. Ánh sáng này có tác động với độc tố gây mụn trong nang lông gọi là Propionibacterium acnes.

“Với ánh sáng kết hợp điều trị nội khoa, mụn được chữa hết nhanh hơn điều trị nội khoa đơn thuần.Điều trị mụn bằng laser thật sự không mấy cần thiết trừ mụn nặng để sẹo xấu. Bác sĩ chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da tại các cơ sở uy tín sẽ giúp giải quyết mụn và các vấn đề “tàn tích” của mụn một cách thích hợp nhất”, BS. Vân Thanh nói.

Điều quan trọng nhất của điều trị mụn là ngăn ngừa tái phát.Nghệ thuật ngăn ngừa tái phát phụ thuộc vào từng bác sĩ và từng bệnh nhân. Nhưng, điều chung nhất, bệnh nhân cần kiêng đồ ngọt, chất béo và các thức ăn nêm nếm quá mặn. Đây là những thức ăn có thể kích thích da tăng tiết nhờn.Đồng thời, bệnh nhân không tự nặn mụn ở nhà, điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý. Điều trị không đúng cách sẽ làm cho mặt bị rỗ do sẹo và sẽ rất tốn kém để khắc phục mà vẫn không thể đạt hiệu quả 100%.

-Mụn trứng cá là một bệnh da phổ biến, tác động đến nhiều người, đặc biệt là dân số trẻ (hơn 90% thanh thiếu niên). Bệnh thường có nhiều biểu hiện như mụn đầu đen hay đầu trắng (do tắc nghẽn lỗ chân lông), mụn mủ và những nốt cục dưới da.
-Nguyên nhân là do sự phối hợp của ba yếu tố: tăng tiết bã từ các tuyến bã nhờn, hoạt động của vi trùng Propionibacterium acnes gián tiếp tác động lên tiến trình viêm, hiện tượng tạo chất sừng quanh lòng phễu nang lông (cồi).
-Các yếu tố góp phần gây nên mụn trứng cá: Khí hậu nóng, ẩm; các mỹ phẩm pha dầu (oil-based); mặc quần áo chật, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt; chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý; sử dụng một số thuốc như lithium, isoniazid, phenytoin, corticosteroids, thuốc uống ngừa thai có hoạt tính androgen cao.
-Do những nơi như mặt hay vùng dưới hàm tập trung nhiều tuyến bã, nên mụn trứng cá thường xuất hiện. Trong một vài trường hợp, mụn cũng có thể nổi ở cổ, lưng, ngực, vai, cánh tay và ở mông.
-Tuổi dậy thì là giai đoạn đang phát triển, nội tiết tố luôn biến đổi dưới tác động của hormone giới tính (nữ: oestrogen, nam: androgen). Do đó chất dầu tiết ra lại càng nhiều hơn, kết hợp với ô nhiễm môi trường, khí hậu nóng ẩm, khiến mụn có điều kiện thuận lợi để phát triển.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn