(SKDS) - Trên kẽ ngón chân của tôi xuất hiện các nốt sần rất khó chịu. Tôi đi khám được bác sĩ cho biết bị mụn cóc và khuyên nên đốt điện điều trị để tránh lây lan. Xin hỏi quý báo, phương pháp đốt điện này có ưu và nhược điểm gì?
Phạm Minh Trang (Nghệ An)
Mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính ở lớp thượng bì của da, bề mặt thường sần sùi, gây ra bởi virut Papovavirus, thuộc nhóm HPV (Human Papilloma Virus). Có 2 dạng mụn cóc thường gặp là dạng mụn cóc thông thường và mụn cóc phẳng. Mụn cóc có thể tự lây nhiễm trên bản thân người bệnh từ những mụn cóc mẹ do tiếp xúc trực tiếp (như cào, gãi, cầm nắm) và cũng có thể lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người bệnh như sờ, cọ xát, cầm nắm... hay dùng chung vật dụng.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị mụn cóc như tự điều chỉnh tại nhà bằng cách chọn giày dép thích hợp, vừa vặn, không chật hay rộng quá, giữ chân luôn khô ráo và thay tất thường xuyên. Ngoài ra còn một số biện pháp khác như chấm acid, chấm nitơ lỏng, đốt điện, tiểu phẫu... Đối với phương pháp đốt điện, sử dụng dòng điện cao tần hay laser để lấy đi mụn cóc, được áp dụng cho các mụn cóc dưới 1cm hay ở những vị trí khó tiểu phẫu như kẽ ngón chân, kẽ ngón tay.
Ưu điểm của phương pháp này là tiến hành nhanh chóng, đơn giản, rẻ tiền và có thể khoét sâu lấy hết nhân mụn cóc. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là thời gian lành vết thương lâu hơn, chăm sóc vết thương phải kỹ hơn, dễ bị nhiễm khuẩn (vì vết thương hở)... Trường hợp của bạn, do mụn cóc nằm ở vị trí khó tiểu phẫu (kẽ ngón chân) nên có thể áp dụng biện pháp đốt điện theo lời khuyên của bác sĩ.
BS. Trịnh Văn Tùng