Điều trị miễn dịch giúp người mẹ ung thư vú khỏe mạnh dần và sinh con an toàn

30-09-2022 17:43 | Y tế

SKĐS - Người phụ nữ trẻ phát hiện ung thư vú trong quá trình mang thai, chị đã được điều trị các phương pháp khác nhau, trong đó có điều trị miễn dịch, điều trị đích. Sau đó, người phụ nữ đã sinh con an toàn, bé phát triển tốt. Đây là thành tựu rõ ràng nhất của điều trị bằng phương pháp miễn dịch.

Câu chuyện trên được PGS.TS Phạm Văn Bình- Phó Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo quốc gia "Ung thư và miễn dịch" do Bệnh viện K phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam tổ chức ngày 30/9. 

Sự kiện quy tụ hơn 500 nhà khoa học trong nước và chuyên gia nước ngoài đến từ các quốc gia có nền y học phát triển, đặc biệt về ung thư như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu

Hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư 

Tại Hội thảo, GS.TS Lê Văn Quảng- Giám đốc Bệnh viện K nêu rõ, ung thư luôn là vấn đề sức khỏe  quan tâm tại nhiều quốc gia. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.

Điều trị miễn dịch giúp người mẹ ung thư vú khỏe mạnh dần và sinh con an toàn  - Ảnh 1.

GS. Lê Văn Quảng- Giám đốc Bệnh viện K nêu rõ, ung thư luôn là vấn đề sức khỏe quan tâm tại nhiều quốc gia

Tại Việt Nam, nếu như năm 2016 có 165 ngàn trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2018 con số này lên đến 182 ngàn, thì năm 2020, ghi nhận 122.690 trường hợp tử vong vì ung thư, gấp 18 lần tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông trong cùng năm, gấp 3 lần tổng số 43.094 ca tử vong vì dịch COVID-19 tính đến tháng 8/2022. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư.

Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. "Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn. Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn"- GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Ứng dụng miễn dịch: Mở ra cánh cửa mới trong điều trị ung thư

Trao đổi bên lề hội thảo với phóng viên, PGS.TS Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trị ung thư phải kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và miễn dịch.

Từ nhiều thập niên trước đây, các nhà khoa học đã dự đoán rằng miễn dịch có thể sẽ trở thành một trong những phương pháp điều trị quan trọng và kỳ vọng sẽ cải thiện tỷ lệ tử vong do ung thư.

Theo lãnh đạo Bệnh viện K, hiểu rõ về cơ chế miễn dịch trong điều trị ung thư giúp người thầy thuốc cá thể hóa trên từng trường hợp cụ thể, hiểu rõ bản chất các đột biến gene, các thay đổi ức chế, dấu ấn miễn dịch, mở ra cánh cửa mới trong điều trị ung thư. Kết quả bước đầu ghi nhận, có nhiều triển vọng tích cực cho tỷ lệ sống thêm, giảm tỷ lệ tái phát di căn.

Điều trị miễn dịch giúp người mẹ ung thư vú khỏe mạnh dần và sinh con an toàn  - Ảnh 2.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, cùng hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo quốc gia "Ung thư và miễn dịch"

Nhờ tiếp cận phương pháp này, người bệnh ở Việt Nam được tối ưu hóa điều trị trong nước và kết quả, chất lượng có thể tiệm cận quốc tế.

Tại Bệnh viện K đã áp dụng điều trị miễn dịch cho nhiều loại ung thư như ung thư vú, đại trực tràng, phổi, ung thư tiền liệt tuyến… và một số lĩnh vực thần kinh, nhi khoa. Một số thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư (phương pháp miễn dịch) được BHYT trả một phần hoặc toàn bộ. Một số thuốc mới được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt trong điều trị có thể giá cao hơn trong khi điều trị ung thư có nhiều bệnh nhân nghèo. 

"Vì vậy bệnh viện thường kết hợp nhiều phương pháp điều trị cùng với sự vận động quỹ, nhà hảo tâm để giúp bệnh nhân được điều trị ung thư"- PGS.TS Phạm Văn Bình nói.

Phó Giám đốc Bệnh viện K cũng chia sẻ về trường hợp người phụ nữ trẻ được chẩn đoán mắc ung thư vú trong quá trình mang thai. Tình mẫu tử mạnh mẽ đến mức, người mẹ sẵn sàng hi sinh bản thân để giữ đứa con.

"Cảm nhận điều đó, các bác sĩ đã nỗ lực để điều trị cho bệnh nhân. Chị được điều trị với các phương pháp khác nhau, trong đó có điều trị miễn dịch, điều trị đích. Sau đó, người phụ nữ đã sinh con an toàn, bé phát triển tốt. Chúng tôi vẫn thường nhận lời cảm ơn của 2 mẹ con. Đó là món quà vô giá với y bác sĩ và là thành tựu rõ ràng nhất của điều trị bằng phương pháp miễn dịch" - PGS.TS Phạm Văn Bình nói.

Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư, giúp cơ hội điều trị sớm, hiệu quả cao

PGS.TS Bình cũng thông tin thêm, tùy từng loại bệnh ung thư. Ở giai đoạn sớm của bệnh có thể điều trị bằng phẫu thuật triệt căn và 60% bệnh nhân ung thư có thể can thiệp ngoại khoa.

Cũng theo PGS.TS Bình, Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển, mô hình bệnh tật nói chung, ung thư nói riêng có đặc điểm khác với các nước phát triển. Đơn cử, tại các nước Âu Mỹ, ung thư dạ dày tỷ lệ mắc thấp nhưng Việt Nam nói riêng và các nước Châu Á nói chung tỷ lệ này cao hơn. Cũng tại các nước này lại có tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng cao hơn.

Điều trị miễn dịch giúp người mẹ ung thư vú khỏe mạnh dần và sinh con an toàn  - Ảnh 4.

PGS.TS Phạm Văn Bình, các thầy thuốc của Bệnh viện K cùng chuyên gia nước ngoài chuẩn bị phẫu thuật cho bệnh nhân

Tỷ lệ mắc ung thư còn liên quan đến tỷ lệ tiêm vaccine (HPV với ung thư cổ tử cung, vaccine viêm gan B, C với ung thư gan…), ngoài ra còn do thói quen, lối sống, chế độ ăn, môi trường... Chẳng hạn, đối với ung thư thực quản, thói quen uống rượu, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ rất cao...

Phó Giám đốc Bệnh viện K khuyến cáo: Hiện có nhiều biện pháp điều trị ung thư nhưng việc phát hiện vẫn là phương pháp rất quan trọng giúp 1/3 số bệnh nhân có cơ hội được điều trị sớm, hiệu quả cao hơn.

Hội thảo quốc gia "Ung thư và miễn dịch" gồm 9 phiên cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán điều trị và đặc biệt là điều trị miễn dịch trong bệnh ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư thường gặp như ung thư đường tiêu hóa; ung thư vú – phụ khoa, sinh dục – tiết niệu; miễn dịch, giải phẫu bệnh và sinh học phân tử; xạ trị và y học hạt nhân; ung thư đầu cổ và hệ thần kinh; ung thư phổi và lồng ngực; chăm sóc giảm nhẹ; chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh ung thư.

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhằm cung cấp các kiến thức, các kết quả tích cực của liệu pháp miễn dịch trong nhiều loại ung thư đơn trị hoặc phối hợp.

Sáng 30/9: COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tớiSáng 30/9: COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới

SKĐS - WHO nhận định dịch bệnh COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch trở nên phức tạp, gia tăng trở lại; Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19.

TháI Bình
Ý kiến của bạn