Nằm ven nội thành, huyện An Dương là một trong những địa bàn làm tốt công tác điều trị methadone cho người nghiện ở Hải Phòng. Đây cũng là địa bàn có hai cơ sở điều trị methadone cho người địa phương và một số công nhân trong khu công nghiệp (KCN).
Cơ sở 1 đặt tại trạm y tế xã An Hưng và cơ sở 2 nằm trong Trung tâm y tế của huyện. Cả 2 cơ sở này đều thực hiện nhiệm vụ vừa điều trị vừa cấp phát thuốc phục vụ những người cai nghiện trên địa bàn huyện.
Tạo điều kiện cho người bệnh duy trì điều trị
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, hàng ngày, cơ sở điều trị methadone sẽ bắt đầu mở cửa phục vụ việc điều trị, cấp phát thuốc cho bệnh nhân trên địa bàn từ 7 giờ sáng.
Hầu hết các bệnh nhân đều tuân thủ quy định của cơ sở điều trị: Không bỏ lịch, có mặt đúng giờ và uống thuốc đều đặn...
Một số trường hợp phải đi làm tại nhà máy, công xưởng sẽ đến sớm hơn nhận thuốc uống rồi đến nơi làm việc. Một số bệnh nhân khác làm tại nhà hoặc theo ca thì thoải mái hơn về thời gian đến trung tâm nhận thuốc uống.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp do bận việc đột xuất nên không tuân thủ việc uống thuốc đúng lịch. Do đó, nếu thấy bệnh nhân bỏ 2 ngày liền, Trung tâm và Trạm y tế sẽ liên lạc ngay với gia đình tìm hiểu và vận động bệnh nhân đến điều trị ngay để kết quả cai nghiện được tốt.
Theo lời kíp trực của Trạm y tế An Hưng, huyện An Dương, có lần bệnh nhân bị ốm vào viện nằm, bác sĩ của Trung tâm y tế phải liên hệ chuyển bệnh nhân đến với cơ sở điều trị methadone gần nhất để người bệnh có điều kiện vừa điều trị bệnh, vừa uống methadone. Ví dụ, bệnh nhân nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, thì bác sĩ chuyển đến cơ sở điều trị methdone gần nhất là ở quận Lê Chân để bệnh nhân có thể duy trì uống thuốc.
Đối với bệnh nhân phải đi đâu xa thì cần báo trước cho cơ sở điều trị để các y bác sĩ sẽ hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.
Để hạn chế bệnh nhân bỏ liều, cơ sở điều trị methadone An Hưng đặt việc tư vấn bệnh nhân tuân thủ lên hàng đầu, sẽ tư vấn xuyên suốt từ trước khi vào điều trị và khi bệnh nhân cần hỗ trợ.
Là một trong những bệnh nhân hiện đang điều trị tại cơ sở điều trị methadone ở An Hưng, huyện An Dương, chị Vũ Thị Th, SN 1974, trú tại xã Tân Tiến, An Dương được đánh giá là thành viên tích cực điển hình trong cai nghiện heroin bằng methadone.
Theo trưởng Trạm Y tế xã An Hưng, bệnh nhân Th. khởi liều điều trị từ ngày 07/4/2012 đến giờ đã hơn 10 năm. Trong suốt quá trình điều trị, chị Th luôn kiên trì, tuân thủ uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ và đã phục hồi thành công. Hiện tại, chị và các con đang sống với ông bà ngoại tại xã Tân Tiến huyện An Dương. Điều đáng mừng là chị Th. đã xin được một công việc ổn định làm nhân viên dọn vệ sinh môi trường ở xã với thu nhập tạm đủ để nuôi sống gia đình.
Song song với việc điều trị cai nghiện heroin, chị Th cũng đang tiếp tục điều trị ARV (HIV) tại phòng khám OPC An Dương được 4 năm nay. Chị Th kể "Lúc mới phát hiện ra mình bị bệnh, mình rất sốc. Sức khỏe lúc đó yếu ớt, tinh thần hoảng loạn vô cùng. May nhờ sự động viên và chỉ dẫn của các y bác sĩ tại cơ sở điều trị nên mình đã vượt qua được sự mặc cảm, tuân thủ nghiêm ngặt việc uống thuốc và điều trị. Hiện, sức khỏe của mình khá tốt, có thể làm việc hàng ngày kiếm tiền nuôi con và tự chăm sóc được con cái, không phải nhờ cậy vào bố mẹ như trước".
Nhắc về trường hợp công dân Th. đã thực hiện cai nghiện hiệu quả, ông Vũ Khánh Huyền - Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến cho biết: Trường hợp của chị Th. được cả xã Tân Tiến quan tâm. Theo đó, chúng tôi đã hăng hái tìm việc ngay tại địa phương cho chị Th. tạo cơ hội để chị có nguồn kinh tế nuôi bản thân và chăm sóc gia đình. Để hỗ trợ chị Th. đảm đương được công việc vệ sinh môi trường thuận lợi hơn, UBND xã đã làm 1 xe kéo bằng xe máy để chị vận chuyển rác cho đỡ vất vả...
Theo Trạm Y tế xã An Hưng, ngoài chị Th. tại cơ sở điều trị methadone An Hưng còn một số bệnh nhân rất tích cực, vượt lên bệnh tật kiên trì điều trị phục hồi thành công và tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, công việc ổn định như: Anh Nguyễn Văn Ch, sinh năm 1986, trú tại xã Đại Bản, An Dương, Hải Phòng, khởi liều điều trị methadone từ ngày 25/12/2018, sau khi phục hồi điều trị thành công đã có công việc ổn định là làm thợ cắt tóc.
Anh Đinh Văn H, sinh năm 1976, trú tại xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng, khởi liều điều trị methadone từ ngày 01/4/2011. Sau khi phục hồi điều trị thành công, anh H đã tìm được công việc làm lái xe, thu nhập khá tốt.
Hoặc trường hợp anh Hoàng Văn Th. sinh năm 1988, trú tại xã Tân Tiến, An Dương, khởi liều điều trị từ ngày 13/9/2011, sau khi phục hồi điều trị thành công tìm được công việc làm công nhân trong khu công nghiệp.
Nhiều bệnh nhân đã tìm được hạnh phúc cho mình sau điều trị
Trao đổi với phóng viên, BSCKI. Bùi Thị Thu Hằng - phụ trách Cơ sở điều trị methadone tại huyện An Dương cho biết: Hiện 2 cơ sở điều trị methadone của huyện đang điều trị 280 bệnh nhân, trong đó cơ sở tại trạm y tế An Hưng điều trị 199 bệnh nhân (có 1 bệnh nhân nữ). Số bệnh nhân điều trị giai đoạn duy trì là 175 bệnh nhân, chiếm 88%. Số bệnh nhân điều trị giai đoạn điều chỉnh liều là 24 chiếm 12%. Trong 199 bệnh nhân ở cơ sở điều trị An Hưng có 21 bệnh nhân bị nhiễm HIV dương tính và đang điều trị ARV tại phòng khám OPC An Dương và 35 bệnh nhân nhiễm virus viêm gan C được điều trị tại khoa truyền nhiễm trung tâm y tế huyện An Dương.
Trong năm 2022, số bệnh nhân mới đăng kí điều trị tại cơ sở An Hưng là 24 bệnh nhân. Số bệnh nhân bỏ điều trị là 5 bệnh nhân và quay lại điều trị là 5 bệnh nhân.
Đại đa số các bệnh nhân sau khi điều trị thành công methadone đã từ bỏ được heroin tránh xa ma túy, tái hòa nhập cộng đồng, có công việc và thu nhập ổn định, sức khỏe được cải thiện. Nhiều bệnh nhân đã lập gia đình, sinh con có cuộc sống hạnh phúc. Không có bệnh nhân bị nhiễm mới HIV trong quá trình điều trị methadone. Tất cả bệnh nhân đã được điều trị phục hồi đều tham gia sinh hoạt nhóm " Tự lực hàng tháng" do Hội liên hiệp khoa học- xã hội của thành phố thành lập.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác điều trị methadone tại địa bàn, BSCK1 Bùi Thị Thu Hằng cho biết: Quá trình điều trị khó khăn nhất vẫn là phía người bệnh không kiên trì tuân thủ. Đặc thù việc điều trị methdone phải lâu dài, đến tận cơ sở điều trị mỗi ngày lấy thuốc uống nên ít nhiều có sự ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày của họ. Quá trình điều trị quá lâu khiến 1 số bệnh nhân nản chí, bỏ cuộc, khó thành công. Bên cạnh đó là tâm lý và áp lực công việc khiến nhiều y, bác sĩ bị căng thẳng, đặc biệt họ phải làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật thậm chí cả ngày lễ tết không được nghỉ ngơi.
Ở góc độ là những người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ, chúng tôi rất mong có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình với cơ sở để nắm bắt, động viên người bệnh tuân thủ điều trị cho tốt, điều dưỡng Nguyễn Thị Nô En cho hay.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Người bệnh tới Trạm y tế điều trị methadone