Điều trị lạc nội mạc tử cung ở trẻ vị thành niên

20-02-2019 13:47 | Đời sống
google news

SKĐS - Lạc nội mạc tử cung (LNMTC) được báo cáo từ 25 - 38% số trẻ vị thành niên đau vùng chậu mạn tính, và 47% những người bị đau vùng chậu mạn tính trải qua nội soi ổ bụng.

Theo TS.BS. Lê Thị Thu Hà (Trưởng khoa Hậu sản M, BV. Từ Dũ, TP.HCM), LNMTC là tình trạng khi có sự hiện diện của tổ chức tuyến nội mạc tử cung và mô đệm ở ngoài buồng tử cung, thường định vị ở vùng chậu. Bệnh có thể liên quan nhiều đến triệu chứng đau và suy nhược, hoặc có thể không có triệu chứng. LNMTC xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều ở phụ nữ tuổi hoạt động sinh dục. LNMTC thường gặp sau dậy thì 15 năm hoặc 5 năm sau lần có thai cuối cùng. Đặc biệt, ở trẻ vị thành niên, chẩn đoán và điều trị LNMTC  không dễ dàng. Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10 - 19 là độ tuổi vị thành niên.

Đau từ trước năm 20 tuổi

Theo BS. Thu Hà, hơn 60% số phụ nữ trưởng thành bị LNMTC cho biết các triệu chứng của họ bắt đầu từ trước 20 tuổi. Nhiều trường hợp có một vài dấu hiệu phát triển tuyến vú và những một số khác ngay sau khi hành kinh lần đầu. Một số trẻ vị thành niên có yếu tố di truyền. Một nghiên cứu trên 123 bệnh nhân bị LNMTC, trong đó khoảng 7% số bệnh nhân có mẹ hoặc chị ruột cũng nhiều khả năng bị LNMTC. Ngoài ra, các dị tật bẩm sinh của bộ phận sinh dục nữ làm tăng tình trạng trào ngược có liên quan đến LNMTC ở trẻ vị thành niên.

Điều trị lạc nội mạc tử cung ở trẻ vị thành niên  Bệnh có thể liên quan nhiều đến triệu chứng đau và suy nhược

“Chẩn đoán và điều trị LNMTC sớm ở trẻ vị thành niên giúp làm chậm tiến triển bệnh và làm giảm các tác động lâu dài không mong muốn của bệnh như đau mạn tính, khối u nội mạc tử cung, vô sinh. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của thanh thiếu niên và những phụ nữ bị rối loạn này. 63% số trẻ vị thành niên bị LNMTC thường có cả cơn đau không theo đúng chu kỳ và có chu kỳ với những cơn đau nặng và đau tiến triển. Các triệu chứng đau ở đường ruột (đau trực tràng, táo bón, đau khi đi tiêu có chu kỳ, chảy máu trực tràng) và các triệu chứng bàng quang (chứng tiểu khó, tiểu gấp, tiểu máu) khá phổ biến trong khi khối u lạc nội mạc ở buồng trứng và vô sinh hiếm gặp ở trẻ vị thành niên”, BS. Thu Hà cho biết.

Ở trẻ vị thành niên, chẩn đoán và điều trị lạc nội mạc tử cung không dễ dàng

Ngược lại, theo BS. Thu Hà, người lớn bị lạc nội mạc thường có cơn đau theo chu kỳ, thống kinh, giao hợp đau, khối u vùng chậu, vô sinh hoặc đau vùng chậu mạn tính.

Dễ mắc dị tật đường sinh dục

Cách tiếp cận khám phụ khoa tùy thuộc vào bệnh nhân. Ở trẻ đã quan hệ tình dục thì khám âm đạo, còn trẻ chưa thì khám trực tràng, đánh giá màng trinh xem có bị bít không, có máu tụ âm đạo, có vách ngang ngăn âm đạo không. Dị tật đường sinh dục dưới chiếm khoảng 5% trong số bệnh nhân này.

“Tổng phân tích tế bào máu, phân tích nước tiểu hoặc cấy nước tiểu để xác định nguyên nhân đau do liên quan đến đường niệu. Ngoài ra, CA 125 thường được dùng như một chất đánh dấu sinh học cho ung thư buồng trứng, nhưng có thể tăng cao trong một số tình trạng khác, như lạc nội mạc tử cung. Siêu âm có thể hữu ích để xác định hoặc loại trừ những nguyên nhân thực thể gây đau vùng chậu như u buồng trứng xoắn, xuất huyết buồng trứng, bất thường đường sinh dục hoặc viêm ruột thừa”, BS. Thu Hà cho biết.

Nếu đã loại bỏ bụng ngoại khoa và cấp cứu, điều trị nội khoa tình trạng thống kinh và LNMTC được ưu tiên hơn là nội soi chẩn đoán và điều trị bằng kháng viêm NSAIDs và nội tiết có chu kỳ.


NGUYỄN KHỞI
Ý kiến của bạn
Tags: