Điều trị Iod phóng xạ, người bệnh ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì?

30-07-2023 08:31 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Tùy thuộc vào loại ung thư tuyến giáp mắc phải, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng Iod phóng xạ sau phẫu thuật tuyến giáp. Điều trị Iod phóng xạ cần kiêng gì, hạn chế ăn gì là vấn đề rất nhiều người bệnh quan tâm.

1. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp (K giáp) là bệnh ung thư tuyến nội tiết phổ biến, hay gặp hiện nay. Tỷ lệ chiếm khoảng 3,1% các loại ung thư trên toàn cầu. Bệnh có xu hướng tăng nhanh về tần suất mắc trong những năm gần đây.

Điều trị Iod phóng xạ, người bệnh ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì? - Ảnh 1.

Ung thư tuyến giáp có tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt, thậm chí rất tốt, đặc biệt với thể biệt hóa. Các phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ điều chỉnh phù hợp với từng người bệnh, bao gồm:

  • Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư tuyến giáp.
  • Điều trị Iod phóng xạ thường được chỉ định sau khi cắt bỏ tuyến giáp, bao gồm uống Iod 131.
  • Điều trị nội tiết tố bao gồm dùng hormone tuyến giáp tổng hợp hàng ngày dưới dạng thuốc, levothyroxine.

Điều trị Iod phóng xạ sẽ được bác sĩ chỉ định, dựa trên tình trạng sức khỏe và tiến triển của từng bệnh nhân, với mục tiêu:

  • Tiêu diệt các tế bào ung thư có thể còn sót lại.
  • Điều trị ung thư tuyến giáp đã lan rộng.
  • Điều trị ung thư tuyến giáp tái phát sau lần điều trị đầu tiên...
Điều trị Iod phóng xạ là sử dụng một dạng phóng xạ của Iod gọi là Iod131 (I-131). Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với các dạng ung thư tuyến giáp thể biệt hóa dạng nang và dạng nhú.

Iod phóng xạ đã được chứng minh là hiệu quả trong việc giảm kích thước của u tuyến giáp và điều trị ung thư tuyến giáp sau phẫu thuật.

2. Người bệnh ung thư tuyến giáp cần kiêng gì?

Để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao,  lưu ý bệnh nhân đã được chỉ định điều trị I-131 sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp những vấn đề sau đây:

2.1 Về việc dùng thuốc

Bệnh nhân trong tình trạng suy giáp (TSH trong khoảng 25-30 mU/l hoặc cao hơn), khuyến cáo được đưa ra: Có thể ngừng hormone tuyến giáp 3-4 tuần trước khi điều trị I-131 hoặc giảm 50% liều levothyroxine trong 4 tuần và ngừng hẳn thuốc trong 1 tuần trước khi điều trị I-131.

Trước khi điều trị, tránh sử dụng và bôi lên da các sản phẩm khử trùng có chứa Iod. Tương tự, các xét nghiệm hình ảnh cần tiêm chất cản quang chứa Iod cũng bị chống chỉ định. Thời gian là từ 6 đến 8 tuần trước khi bắt đầu điều trị bằng Iod phóng xạ.

Điều trị Iod phóng xạ, người bệnh ung thư tuyến giáp kiêng ăn gì? - Ảnh 3.

Trước khi điều trị iod phóng xạ người bệnh cần giảm lượng Iod bằng cách tuân theo chế độ ăn kiêng ít Iod.

2.2 Về chế độ ăn uống

Một phần quan trọng khác là giảm lượng Iod bằng cách tuân theo chế độ ăn kiêng ít Iod. Việc này giúp tối đa hóa sự hấp thụ Iod phóng xạ trong cơ thể.

Để chuẩn bị cho các tế bào tuyến giáp có thể hấp thụ Iod phóng xạ, cần thực hiện chế độ ăn hạn chế Iod (< 50 mcg/ngày) trong 10 ngày trước và 2 ngày sau khi dùng I-131.

Các thực phẩm có chứa nhiều Iod cần hạn chế:

  • Muối iod, muối biển…
  • Hải sản đặc biệt là loại có vỏ, rong biển…
  • Sữa, các sản phẩm từ sữa ( pho mai, sữa chua, bơ, kem…)
  • Trứng và các loại thực phẩm từ lòng đỏ trứng…
  • Các loại vitamin, thực phẩm chức năng có chứa iod (nên đọc kỹ thành phần trước khi dùng)
  • Thịt giăm bông, thịt nguội, pizza, dưa bắp cải…
  • Các sản phẩm từ đậu nành ( sữa đậu nành, đậu phụ, nước tương…)
  • Socola, bánh gato, bánh mì trắng, bánh quy…
  • Ớt..
2.3 Các lưu ý khác với người bệnh ung thư tuyến giáp khi sử dụng Iod

Iod phóng xạ được giải phóng trong nước tiểu và trong phân. Vì vậy bệnh cần uống nhiều nước để đào thải càng nhiều Iod phóng xạ càng tốt. Uống nhiều nước cũng giúp tránh ứ đọng trong ruột hoặc đường tiết niệu.

Ngoài ra cần lưu ý, Iod phóng xạ tạo ra bức xạ nên sau khi điều trị I-131 người bệnh cần tuân thủ các quy định của bệnh viện để đảm bảo an toàn bức xạ. Tùy thuộc vào liều lượng Iod được sử dụng, bệnh nhân có thể phải cách ly. Thời gian cách ly là từ 2 đến 5 ngày trong phòng bệnh viện. Phòng bệnh sẽ được trang bị đặc biệt để ngăn chặn bức xạ. Sau khi hoạt động phóng xạ đã giảm, bệnh nhân có thể xuất viện.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân không cần thiết phải cách ly, thì cần tránh tiếp xúc với phụ nữ mang thai và trẻ em trong khoảng thời gian phụ thuộc vào liều Iod được sử dụng.

3. Cần nhận biết các tác dụng phụ có thể xảy ra

Mặc dù đã được chứng minh là hiệu quả nhưng điều trị bằng Iod phóng xạ có thể xảy ra các tác dụng phụ, bao gồm:

  • Viêm tuyến nước bọt, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để hạn chế tình trạng viêm nhiễm này.
  • Có thể xảy ra tình trạng buồn nôn và rối loạn tiêu hóa trong vòng một giờ sau khi uống Iod. Bác sĩ sẽ thông báo trước cho người bệnh những việc cần làm trong trường hợp này.
  • Trong một số ít trường hợp, có thể gây ra sự thay đổi về vị giác được gọi là chứng loạn vị giác, nhưng rối loạn này là thoáng qua.

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh ung thư có tiên lượng rất tốt, nhưng điều cần thiết là phải điều trị càng sớm càng tốt để tối đa hóa cơ hội hồi phục hoàn toàn. Điều trị ngay khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, không chỉ làm giảm nguy cơ biến chứng và tái phát mà còn giảm di chứng sau này.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Chế độ dinh dưỡng phòng tránh bệnh ung thư.

BSCKII Nguyễn Thu
Ý kiến của bạn