Điều trị hội chứng mãn kinh với bài thuốc bổ thận âm

SKĐS - Trong thời kỳ mãn kinh sự suy giảm nội tiết tố sinh dục đã dẫn đến nhiều thay đổi trong cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người phụ nữ...

1. Những vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh

Mãn kinh gồm hai giai đoạn:

+ Thời kỳ tiền mãn kinh: Trước tiên là ngưng rụng trứng, thời kỳ này kéo dài nhiều tháng, có khi nhiều năm. Do không rụng trứng nên nội tiết tố progesteron của buồng trứng không được tiết ra, gây rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh thay đổi khi dài, khi ngắn, kinh không đều, sau đó buồng trứng sẽ ngưng tiết nội tiết tố folliculin (oestrogen).

+ Thời kỳ mãn kinh thực sự: Người phụ nữ không còn thấy kinh nữa và thỉnh thoảng có những cơn bốc hoả, cảm giác nóng bừng, đỏ mặt, hay ra mồ hôi nhiều, cảm giác nặng chân, hay bị chuột rút về đêm…

photo-1696256491910

Nhức đầu, chóng mặt, triệu chứng hay gặp trong giai đoạn mãn kinh

Một số triệu chứng hay gặp trong giai đoạn mãn kinh:

+ Sức khỏe tinh thần: Người phụ nữ dễ buồn vui vô cớ, trầm cảm hoặc cáu gắt vì nội tiết tố buồng trứng suy giảm. Biểu hiện này cũng thường gặp trong một chu kỳ kinh nguyệt, do nội tiết tố buồng trứng lúc tăng lúc giảm.

+ Hiện tượng rối loạn vận mạch: Xuất hiện cơn bốc hỏa, nóng bừng mặt toàn thân vã mồ hôi, người ớn lạnh... kèm theo đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, tim đập nhanh, giảm trí nhớ, khó ngủ, mất ngủ…

+ Bệnh về da: Xuất hiện nhiều nếp nhăn, da khô, da có nhiều đám đồi mồi trên mu bàn tay, da mặt có nhiều vết rám da, lông tóc móng khô xơ dễ rụng.

+ Bệnh tiết niệu: Tiểu buốt, tiểu són, tiểu không tự chủ là bệnh thường gặp do niêm mạc bàng quang, niệu đạo hay bị viêm nhiễm, kích ứng gây ra.

+ Bệnh xương khớp: Do thiếu nội tiết tố nên xương không hấp thu tốt canxi, trở nên giòn, dễ gãy, hay gặp gãy cổ xương đùi, ngoài ra còn hay bị đau cột sống thắt lưng, cột sống cổ, đau dây thần kinh toạ.

+ Suy giảm tình dục: Ở thời kỳ mãn kinh, khả năng chống nhiễm khuẩn kém đi, niêm mạc ở bộ phận sinh dục dần dần teo mỏng, khô do tiết ít chất nhờn, rất dễ bị xây xước, dễ chảy máu, nhiễm trùng.

2. Bài thuốc 'Lục vị địa hoàng hoà' trị hội chứng mãn kinh

Trong Đông y, để dự phòng chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi mãn kinh có thể sử dụng bài thuốc giúp cải thiện chứng mãn kinh từ gốc, điều trị giảm nhẹ các triệu chứng tiền hậu mãn kinh gây nên. Bài thuốc 'Lục vị địa hoàng hoà' có thể giúp nhuận âm bổ thận, dưỡng sinh, điều tiết sự cân bằng âm dương trong cơ thể.

Đông y cho rằng, thận có tác dụng chủ yếu giúp việc sinh trưởng và phát triển. Lục vị địa hoàng hoàn hỗ trợ chức năng sinh sản, có thể khiến phụ nữ ở tuổi mãn kinh kéo dài tuổi thọ, làm chậm sự lão hóa. Mặt khác, lục vị địa hoàng hoàn có chứa các thành phần từ thảo dược thiên nhiên giúp chống lại bệnh loãng xương, điều tiết sự cân bằng thay thế canxi, phốt pho giúp tăng cường gân cốt. Thận thông với não, còn có thể giúp tăng cường trí nhớ, phòng ngừa bệnh đãng trí hay quên.

photo-1696256492701

Vị thuốc sơn dược trong bài thuốc Lục vị địa hoàng hoàn

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, bài thuốc lục vị địa hoàng hoàn chứa nhiều nguyên tố vi lượng, có thể bổ sung và điều chỉnh những nguyên tố vi lượng mất cân bằng trong cơ thể, nâng cao khả năng miễn dịch, giảm nhiệt độ cơ thể, giảm đau, tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi...

- Thành phần bài thuốc: Thục địa hoàng 8 lạng, bạch phục linh 3 lạng, mẫu đơn bì 3 lạng, sơn thù du 4 lạng, sơn dược 4 lạng, trạch tả 3 lạng.

- Cách dùng: Các vị thuốc trên tán bột mịn, trộn đều, luyện với mật hoàn viên bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần mỗi lần uống 1 viên với nước muối nhạt.

- Chủ trị: Điều trị hội chứng mãn kinh biểu hiện rối loạn kinh nguyệt, lưng đau gối mỏi, đau đầu, mất ngủ, ra mồ hôi nhiều, cốt chưng chiều nhiệt, lòng bàn chân tay nóng, mệt mỏi, vô lực.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả dùng thuốc, bạn đọc nên đến các phòng khám Đông y uy tín để được thăm khám và hướng dẫn cụ thể, không tự ý sử dụng.

3. Lưu ý trong điều trị hội chứng mãn kinh

Bên cạnh việc dùng thuốc, phụ nữ thời kỳ mãn kinh nên kết hợp điều trị không dùng thuốc bằng chế độ ăn uống, tăng cường rèn luyện thể lực.

- Chế độ dinh dưỡng cân đối, nhiều rau xanh, giàu vitamin, ít mỡ động vật, nhiều canxi (trong hải sản, sữa ít béo...), acid béo omega 3, omega 6 (có trong cá, rong biển, các loại hạt...), ăn nhiều đậu tương và các chế phẩm từ đậu tương để có các estrogen nguồn gốc thực vật.

- Tập thể dục đều đặn để giảm ứ trệ tuần hoàn, béo phì, chống loãng xương.

- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và phòng các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung do suy giảm nội tiết tố gây ra.

Mời bạn xem thêm video:

Tập yoga có tốt cho tim mạch?

TTND.BS Trần Văn Bản
Ý kiến của bạn