Hà Nội

Điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ

30-10-2024 13:54 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chứng hoảng sợ khi ngủ (hoảng sợ ban đêm) có thể gây khó thở, tim đập nhanh… làm giảm hiệu quả học tập và làm việc vào ban ngày. Do đó, việc điều trị sớm, đúng cách là rất quan trọng.

Bài tập cho người mắc chứng hoảng sợ khi ngủBài tập cho người mắc chứng hoảng sợ khi ngủ

SKĐS - Chứng hoảng sợ khi ngủ (hoảng sợ ban đêm) là một dạng rối loạn giấc ngủ, thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của giấc ngủ sâu.

1. Mối nguy khi mắc chứng hoảng sợ khi ngủ

Chứng hoảng sợ khi ngủ là cảm giác sợ hãi đột ngột khiến thức giấc. Những người bị hoảng sợ khi ngủ thường thức dậy trong trạng thái hoảng loạn, trải qua các phản ứng như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở, đau ngực, rùng mình, cảm giác sợ hãi tột độ, buồn nôn, cảm giác ngứa ran hoặc tê ở ngón tay hoặc ngón chân, run rẩy…

Các triệu chứng hoảng sợ khi ngủ thường đạt đỉnh trong vòng chưa đầy 10 phút và sau đó giảm dần. Người bệnh có thể mất một thời gian để ngủ lại.

Biến chứng của cơn hoảng sợ khi ngủ:

- Thức dậy trong cơn hoảng loạn sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. Lo lắng về việc bị hoảng loạn vào ban đêm có thể trì hoãn việc đi ngủ hoặc dẫn đến mất ngủ.

- Việc thiếu ngủ thường xuyên sẽ khiến người bệnh lo lắng, trầm cảm, khó tập trung, tăng căng thẳng, cáu kỉnh, các cơn hoảng loạn vào ban ngày thường xuyên hơn, hiệu suất làm việc hoặc học tập kém, tăng cân.

Điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ- Ảnh 2.

Chứng hoảng sợ khi ngủ là cảm giác sợ hãi đột ngột khiến thức giấc.

2. Các phương pháp điều trị chứng hoảng sợ khi ngủ

Việc điều trị bao gồm sử dụng thuốc và liệu pháp để ngăn chặn các cơn hoảng sợ khi ngủ. Mục tiêu của điều trị là giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của các cơn hoảng sợ, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ. Điều trị những cơn hoảng sợ ban ngày có thể giúp giảm các cơn hoảng sợ khi ngủ.

Một số phương pháp điều trị có hiệu quả, bao gồm:

2.1. Liệu pháp hành vi nhận thức

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là một liệu pháp tâm lý tập trung vào việc xác định và thay đổi những suy nghĩ, hành vi có hại. CBT hướng dẫn người bệnh các kỹ năng đối phó, phương pháp chống lại chứng lo âu về đêm, cách để nhận biết khi các triệu chứng được kích hoạt bởi chứng lo âu mà không phải do trường hợp cấp cứu y tế. Theo thời gian, các cơn hoảng loạn sẽ giảm dần, có thể dừng hẳn.

2.2. Dùng thuốc trị chứng hoảng sợ khi ngủ

Tùy từng trường hợp, bác sĩ cũng có thể cân nhắc sử dụng các thuốc chống trầm cảm hoặc một số thuốc an thần để làm giảm tần suất, mức độ nghiêm trọng của các cơn hoảng sợ ban đêm, làm giảm hoặc hết tình trạng này. Các loại thuốc này có thể mất đến 6 đến 8 tuần để đạt hiệu quả điều trị.

Các loại thuốc thường được dùng bao gồm:

- Thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não thường được sử dụng cho các cơn hoảng loạn về đêm, bao gồm: Paroxetine, sertraline.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, khô miệng, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, tăng cân, suy nhược, run, giảm tập trung, mất ngủ, suy giảm chức năng tình dục, tăng nồng độ cholesterol…

- Thuốc an thần benzodiazepine có thể nhanh chóng làm giảm lo lắng và hoảng sợ. Các thuốc bao gồm: Alprazolam và clonazepam.

Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, khả năng phối hợp kém... Nếu dùng kéo dài người bệnh có thể bị lệ thuộc thuốc.

- Thuốc chẹn beta (như propranolol) có thể làm giảm các triệu chứng của cơn hoảng loạn, có thể dùng các loại thuốc này khi cơn hoảng loạn sắp xảy ra.

2.3. Điều trị các bệnh lý tiềm ẩn

Điều trị một số bệnh nếu có liên quan đến các cơn hoảng sợ khi ngủ. Một nghiên cứu cho thấy, điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bằng liệu pháp đường thở dương liên tục (CPAP) có thể làm giảm các cơn hoảng sợ khi ngủ.

Điều trị hội chứng hoảng sợ khi ngủ- Ảnh 3.

Liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp giảm dần các cơn hoảng sợ khi ngủ.

2.4. Thay đổi lối sống

Ngoài ra, một số biện pháp liên quan đến thay đổi lối sống có thể giúp quản lý bệnh hoảng sợ khi ngủ, bao gồm:

- Nên có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng.

- Giữ thói quen ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm hàng ngày.

- Tạo môi trường ngủ yên tĩnh, thoáng mát.

- Tránh các thức ăn, đồ uống có chất kích thích để giảm nguy cơ làm trầm trọng thêm các triệu chứng hoảng sợ.

- Tập thể dục thường xuyên giúp giải tỏa căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ, có thể tập thiền, yoga...

3. Lưu ý khi điều trị chứng hoảng sợ khi ngủ

- Hầu hết mọi người đều giảm triệu chứng thông qua liệu pháp và thuốc.

- Các phương pháp điều trị chứng hoảng sợ khi ngủ được điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể. Do đó, không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Nên đi khám ngay nếu gặp các vấn đề về hô hấp, đau ngực, khó tập trung, cực kỳ cáu kỉnh, mất ngủ, các cơn hoảng loạn kéo dài hơn 15 phút, lo lắng dai dẳng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc giấc ngủ, các dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ như ngáy to hoặc thở hổn hển.

- Nên khám tại phòng khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Việc kiểm soát các nguyên nhân gây kích hoạt và ngăn ngừa các cơn hoảng loạn vào ban ngày sẽ giúp loại bỏ các cơn hoảng loạn vào ban đêm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Rối loạn tâm thần do mất ngủ, Những dấu hiệu cảnh báo I SKĐS



ThS. BS. Đinh Hữu Uân
Ý kiến của bạn