Thực hiện nhiệm vụ được giao trong hơn 10 năm qua, Bộ Y tế đã có nhiều cố gắng, tích cực trong công tác nghiên cứu, thẩm định, triển khai ứng dụng các loại thuốc và các phương pháp y học khác phục vụ việc điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy. Đã có một số loại thuốc và phương pháp y học được nghiên cứu, thẩm định và triển khai ứng dụng, bước đầu được đánh giá là có hiệu quả.
Thuốc điều trị hỗ trợ cắt cơn
Phác đồ an thần kinh: Phác đồ an thần kinh trong điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma tuý đã được Bộ Y tế ban hành từ năm 1995, là một trong những phương pháp điều trị cắt cơn nghiện ma tuý đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, giá thành rẻ và phổ biến nhất hiện nay. Cùng với sự phát triển của y học, công nghiệp dược, xu hướng sử dụng một số chất ma tuý mới, phác đồ an thần kinh có những điểm còn chưa phù hợp. Hiện tại, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi phác đồ an thần kinh bằng việc sử dụng thuốc clonidine trong điều trị hỗ trợ cắt cơn.
Phương pháp điện châm hỗ trợ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy: Sau 3 năm nghiên cứu áp dụng phương pháp châm cứu điện châm hỗ trợ điều trị cắt cơn cai nghiện ma tuý, ngày 21/10/2003 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 5467/2003/QĐ - BYT: Hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma tuý. Theo báo cáo của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, phương pháp điện châm không chỉ cắt cơn nghiện cho bệnh nhân mà hiệu quả điều trị còn kéo dài, qua đánh giá sau một số năm người nghiện vẫn không tái nghiện.
Học viên lao động trị liệu tại Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa. |
Thuốc Bông sen: Bộ Y tế đã chỉ đạo PGS. Lý Anh Tuấn, Bệnh viện tâm thần TƯ 2 cùng với tác giả bài thuốc, lương y Lưu Văn Xiêm thuộc Công ty FATACO Bến Tre làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu. Các giai đoạn nghiên cứu và thẩm định bài thuốc đã được Hội đồng KHKT Bộ Y tế nghiệm thu vào ngày 18/9/2001, với kết quả: Bài thuốc có tính an toàn, có tác dụng hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy. Cũng như thuốc cedemex, thuốc Bông sen đã được cấp số đăng ký có thời hạn 5 năm được sử dụng trong các trung tâm cai nghiện và điều trị thí điểm ngoài cộng đồng ở 8 tỉnh, thành phố.
Thuốc camat (BSA52): Đã hoàn thành nghiên cứu 3 giai đoạn, đánh giá tính an toàn, hiệu lực hỗ trợ cắt cơn nghiện ma tuý nhóm opiats. Kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc camat an toàn, không thấy tác dụng độc đối với chức năng gan, thận và chức năng tạo máu. Thuốc có tác dụng hỗ trợ cắt cơn nghiện ma tuý một cách êm dịu ở cả 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Hiện tại BV Y học cổ truyền TƯ đang hoàn thiện quy trình sản xuất và các thủ tục để đăng ký lưu hành thuốc camat (BSA52).
Thuốc heantos 4: Thuốc do Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học công nghệ quốc gia phối hợp với Bộ Y tế (BV Tâm thần TƯ1) đang tiến hành nghiên cứu giai đoạn 3. Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 và 2 cho thấy, thuốc có tác dụng điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma tuý nhóm opiats, quá trình cắt cơn êm dịu, ít xuất hiện các triệu chứng của hội chứng cai và chưa thấy xuất hiện các tác dụng phụ.
Phương pháp dùng thuốc đối kháng naltrexone
Thuốc naltrexone đã được Xí nghiệp Dược phẩm TW 5 Đà Nẵng (nay là Công ty cổ phần dược phẩm Danapha) sản xuất với tên biệt dược là Danapha - Natrex 50. Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đã tiến hành đánh giá thẩm định kết quả nghiên cứu hiệu lực, tính an toàn và phác đồ hướng dẫn sử dụng thuốc Danapha - Natrex 50 để hỗ trợ điều trị chống tái nghiện ma túy nhóm opiats trên người Việt Nam. Ngày 19/6/2006 Bộ Y tế đã ra Quyết định số 2152/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn hỗ trợ điều trị chống tái nghiện ma tuý nhóm opiats bằng thuốc Danapha - Natrex 50; Đồng thời cho phép thuốc Danapha - Natrex 50 được sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở cai nghiện ma tuý có đủ điều kiện. Ngoài ra, hiện nay còn có thuốc albernil (naltrexone 50mg) của Công ty Medochemei (đảo Cyprus).
Phương pháp điều trị bằng thuốc thay thế methadone và một số biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng, chống tệ nạn ma tuý
Trong khi chúng ta vẫn chưa tìm ra một loại thuốc đặc hiệu nào để giải quyết triệt để tệ nạn nghiện ma túy, vấn đề đặt ra phải xây dựng một chương trình đồng bộ giữa việc phòng chống tệ nạn gắn với việc giảm thiểu những tác hại do ma tuý gây ra. Trong thời gian qua được sự trợ giúp của một số tổ chức quốc tế, các chương trình giảm hại đã được Bộ Y tế đưa vào nghiên cứu và triển khai thí điểm tại một số địa phương. Viện Sức khỏe tâm thần BV Bạch Mai đã tiến hành triển khai nghiên cứu và thử nghiệm điều trị thay thế bằng methadone từ cuối năm 1996. Từng giai đoạn đã được đánh giá kết quả. Ngoài việc áp dụng tại Viện Sức khỏe tâm thần thuốc còn được áp dụng tại một số cơ sở y tế địa phương như: BV Tâm thần Hải Phòng và BV Tâm thần Tiền Giang... Ngày 25/5/2005 Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế về kết quả nghiên cứu đề tài "Áp dụng điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng methadone" của Viện Sức khỏe Tâm thần đã họp và ra kết luận: "Điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone cho những người nghiện chất dạng thuốc phiện sẽ làm giảm việc sử dụng chất dạng thuốc phiện, giảm tội phạm và giảm tình trạng tử vong do sốc thuốc quá liều, cũng như giảm những hành vi nguy cơ cao dẫn đến lây nhiễm HIV".
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2007, Bộ Y tế đã có Quyết định số 5073/QĐ- BYT về việc phê duyệt Đề án "Triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Sau 1 năm thực hiện cả hai TP. Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai được 6 điểm điều trị (mỗi thành phố 3 điểm) với 1358 bệnh nhân.
Một số chương trình giảm tác hại khác như là: chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch cho đối tượng nghiện chích ma tuý, tiếp cận và tư vấn thông qua đội ngũ đồng đẳng viên... cũng đã được triển khai thí điểm ở một số địa phương trong cả nước.
Một số khó khăn và tồn tại
Công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng các loại thuốc và phương pháp y học trong hỗ trợ điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, do thiếu đội ngũ cán bộ chuyên sâu, thiếu trang thiết bị và đặc biệt là thiếu kinh phí. Do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên các nghiên cứu của Bộ Y tế chỉ là các nghiên cứu triển khai ứng dụng, do đó việc tìm ra các loại thuốc mới trong hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy còn hạn chế, để thực hiện nghiên cứu cơ bản đòi hỏi phải có rất nhiều kinh phí mà ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế không thể đáp ứng đủ.
Tất cả các loại thuốc và phương pháp y học trong hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy đã được Bộ Y tế ban hành hoặc đang trong thời gian nghiên cứu, chỉ để áp dụng cho các đối tượng nghiện ma túy nhóm opiats, còn nhóm đối tượng nghiện ma túy tổng hợp đang có xu hướng gia tăng, hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về các loại thuốc và phương pháp y học để hỗ trợ điều trị và phục hồi.
Quá trình thực hiện các biện pháp giảm tác hại cũng đã không ít khó khăn do còn một số quan niệm cho rằng can thiệp giảm tác hại sẽ là thỏa hiệp với ma túy, là khuyến khích việc sử dụng ma túy và can thiệp giảm tác hại sẽ làm hủy hoại các giá trị truyền thống.
Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có một loại thuốc hay một phương pháp tối ưu nào có thể đáp ứng được mong mỏi của xã hội về cai nghiện và chống tái nghiện ma túy. Nghị lực của người nghiện, sự chia sẻ, tình thương, sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng vẫn là một yếu tố quyết định để cai nghiện thành công.
ThS. Trần Quang Trung (Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Phòng chống Tệ nạn Ma túy Bộ Y tế)