Như chúng ta đã biết, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virut (ARV) không những làm giảm tỷ lệ bệnh tật và giảm tử vong ở người nhiễm HIV, mà còn làm giảm lây truyền HIV sang người khác.
Cấp phát thuốc ARV cho bệnh nhân.
Một số nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng, điều trị ARV làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Đồng thời, điều trị ARV còn làm giảm gánh nặng điều trị cho gia đình và ngành y tế. Nhận thức rõ được những lợi ích trên, các quốc gia trên thế giới, ngay cả các nước chưa mấy phát triển trong khu vực Đông Nam Á đã chủ động đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là công tác điều trị ARV.
Theo nguồn của Cơ quan an ninh quốc gia, năm 2012, Thái Lan có hơn 350 nghìn người nhiễm HIV trong số đó có 70% đã được điều trị ARV. Năm 2011, Thái Lan đã chi 330 triệu USD cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó 73% chi cho điều trị ARV, 14% chi cho công tác dự phòng và 13% chi các hoạt động bảo trợ xã hội, quản lý, nghiên cứu khoa học... Trong cấu phần kinh phí dành cho điều trị của Thái Lan thì 58% (tương đương 140 triệu USD) dành để mua thuốc ARV, 27% dành cho xét nghiệm hỗ trợ điều trị, 15% cho các hoạt động khác như nâng cao năng lực, quản lý... Tại Thái Lan chỉ có 1% kinh phí từ nguồn tài trợ. Họ dành kinh phí này để điều trị cho những người nhiễm HIV không phải là người Thái. Như vậy, thấy rõ trách nhiệm của Chính phủ Thái Lan đối với người dân của mình.
Đối với Malaysia, tình hình dịch HIV/AIDS có phần nhẹ hơn so với đất Thái với khoảng 80 nghìn người nhiễm HIV vào năm 2012, trong đó có 38,5% đã điều trị ARV. Hầu hết kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS đều từ nguồn trong nước. Chính phủ đầu tư ngày càng tăng cho phòng, chống HIV/AIDS. Giai đoạn 2008 - 2010, Malaysia đầu tư 100% ngân sách nhà nước cho phòng, chống HIV/AIDS với xấp xỉ 30 triệu USD mỗi năm. Từ năm 2011 trở lại đây, Quỹ toàn cầu có hỗ trợ một phần, tuy nhiên ngân sách trong nước vẫn chiếm trên 95%. Cụ thể, trong năm 2011, Malaysia đã chi 16,1 triệu USD cho thuốc ARV và tương tự như vậy là 20,4 triệu USD trong năm 2012.
Có thể nhiều người cho rằng Thái Lan và Malaysia là nước có thu nhập bình quân cao hơn Việt Nam thì mới có thể đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS như vậy. Nhưng chúng ta cũng cần biết, Indonesia là nước có thu nhập bình quân (dưới 1.000 USD/người/năm) thấp hơn Việt Nam khá nhiều nhưng cũng điều trị miễn phí bằng nguồn ngân sách cho người nhiễm HIV, thậm chí với giá thuốc cao hơn so với ở Việt Nam. Điều trị ARV miễn phí ở Indonesia thực hiện từ năm 2005 đến nay và ngân sách Trung ương cho mua thuốc ARV ngày càng tăng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu điều trị của người nhiễm HIV.
Còn với Việt Nam, chúng ta đang ở đâu trên chặng đường đầu tư cho thuốc ARV? Hãy nhìn lại từ năm 2010 đến nay để thấy rõ điều đó. Năm 2010, chúng ta cần 190 tỷ đồng để mua thuốc, trong đó chỉ 6,2% là kinh phí trong nước. Tương tự con số của năm 2011 là hơn 280 tỷ đồng có 5,3%; năm 2012 là hơn 300 tỷ đồng có 7,3%; năm 2013 là hơn 350 tỷ đồng có 6,3%; năm 2014 là gần 400 tỷ đồng có 4,4% kinh phí trong nước. Với những thông báo về lộ trình cắt giảm viện trợ của hai nhà tài trợ lớn là Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) thì trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã tăng nguồn mua thuốc ARV lên 85 tỷ đồng. Vậy lộ trình tăng ngân sách trong nước và cách thức chi trả phí điều trị ARV như thế nào để lấp khoảng trống khổng lồ của các nhà tài trợ? Đó là bài toán tại thời điểm này chưa có lời giải.
Kim Thoa