Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương thăm khám, ấn dọc cột sống thấy đau chói cột sống thắt lưng ngang đốt sống L2. Sau khi chụp MRI, CTscanner, XQuang cột sống thắt lưng, bệnh nhân được chẩn đoán gãy lún đốt sống L2/tai nạn sinh hoạt.
BSCKII. Lê Việt – Trưởng khoa Ngoại chấn thương, BVĐK Nông nghiệp cho biết, hiện BV có nhiều phương pháp, kỹ thuật điều trị gãy lún đốt sống. Trong đó, tạo hình thân đốt sống có bóng (Kyphoplasty) là một can thiệp ít xâm xấm, có tỷ lệ biến chứng rất thấp. Sau khi hội chẩn và tư vấn người bệnh, người nhà người bệnh, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp bơm xi măng tạo hình thân đốt sống L2 bằng hệ thống bơm bóng Ball Kyphoplasty (BKP) dưới hướng dẫn của hệ thống máy DSA.
Mục đích của tạo hình đốt sống có bóng là giảm đau do gãy xương, làm vững đốt sống và khôi phục chiều cao của đốt sống bị xẹp.
Hình ảnh MRI trước phẫu thuật.
Theo thống kê từ tháng 4/2020 đến nay, BV đã thực hiện thành công hơn 20 ca bệnh bằng kỹ thuật mới này. Tất cả các bệnh nhân sau can thiệp đều hết đau, ngồi dậy và đi được sau 1 ngày.
BS. Việt cho biết, các đối tượng dễ bị lún đốt sống bao gồm người bị loãng xương, người lớn tuổi, sau ngã ngồi đập mông xuống nền cứng. Triệu chứng cơ năng của xẹp đốt sống thường là đau chói cột sống, hình ảnh chụp Xquang thấy gãy lún đốt sống, trên MRI hình ảnh tăng tín hiệu, phù tủy xương đốt sống trên phim.
Chỉ định bơm xi măng tạo hình thân đốt sống được áp dụng cho bệnh nhân tự gãy lún đốt sống do loãng xương, gãy lún đốt sống sau ngã ngồi, u máu đốt sống (Hemangioma) gây xẹp đốt sống, u di căn đốt sống...
Thực hiện bơm xi măng trên máy DSA.
Hình ảnh XQuang sau can thiệp.
Để phòng ngừa cũng như phát hiện kịp thời tình trạng lún/xẹp đốt sống, BS. Việt khuyến cáo người dân cần lưu ý những đặc điểm sau:
- Đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ về dinh dưỡng và tập luyện. Nên bổ sung các khoáng chất và vitamin cùng với ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
- Hạn chế sai tư thế khi thực hiện các động tác, tránh những tư thế xấu.
- Tránh hoạt động quá mạnh.
- Tham gia các bài tập giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
- Nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện lún/xẹp đốt sống kịp thời.