Điều trị hiếm muộn: không dám chữa vì ngỡ tốn nhiều tiền

29-07-2014 06:00 | Giới tính
google news

SKĐS - “Em cứ tưởng chữa hiếm muộn phải tốn mấy trăm triệu nên không dám đi chữa”, đó là chia sẻ của rất nhiều người khi đến khám bệnh hiếm muộn

“Em cứ tưởng chữa hiếm muộn phải tốn mấy trăm triệu nên không dám đi chữa”, đó là chia sẻ của rất nhiều người khi đến khám bệnh hiếm muộn tại các bệnh viện. Và hậu quả là tỉ lệ thành công của họ rất thấp. Nguyên nhân do người bệnh đến khám đã muộn. Trên thực tế, một ca thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại hai bệnh viện (BV) lớn là Từ dũ và Hùng Vương TP.HCM chỉ dao động từ 50 - 60 triệu đồng tùy vào từng bệnh nhân.

Không dám chữa vì ngỡ… tốn quá nhiều tiền

Chị H.T.M (37 tuổi ngụ tại tỉnh Tây Ninh), ngồi bần thần tại khoa Hiếm muộn, BV. Từ Dũ. Chị kể, lập gia đình khi 31 tuổi, đã lớn tuổi nên hai vợ chồng muốn có con ngay. Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua dẫu vợ chồng chị quan hệ bình thường và không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào nhưng niềm mong mỏi vẫn không thành hiện thực. Chị biết như vậy là bị hiếm muộn, cũng có ý định đi chữa bệnh nhưng nghe hàng xóm và bạn bè bảo muốn chữa bệnh phải có mấy trăm triệu đồng. Không chỉ nghe nói mà chị cũng đã có một người quen chữa vô sinh tại TP.HCM và chi phí hết gần 200 triệu đồng. Do đó, dẫu mong ngóng con từng ngày, vợ chồng chị cũng không dám đi chữa. Vì gom góp hết cả gia đình chị cũng chỉ được vỏn vẹn 100 triệu đồng. Hai vợ chồng tự bảo nhau, chịu khó làm thật nhiều, tiết kiệm chi tiêu khi đủ tiền sẽ đi TP.HCM chữa bệnh.

Đã gần 13 giờ nhưng TS. Vũ Minh Ngọc vẫn khám và tư vấn kỹ lưỡng cho người bệnh!

Hôm nay, tới BV. Từ Dũ, các bác sĩ (BS) khám và cho biết tổng chi phí điều trị cho hai vợ chồng chị hết khoảng trên dưới 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do chị đã trên 35 tuổi nên tỉ lệ thành công sẽ thấp hơn những người dưới 35 tuổi. “Tôi không đi chữa vì ngỡ… tốn quá nhiều tiền như mọi người nói. Hóa ra, chi phí chữa trị lại nằm trong tầm tay. Vậy mà do không có thông tin chính xác nên đã bỏ qua cơ hội: càng chữa trị sớm cơ hội có con càng cao”, chị M. nói trong sự tiếc nuối.

Theo TS.BS. Vũ Minh Ngọc - phó trưởng khoa Hiếm muộn, BV. Từ Dũ, rất nhiều bệnh nhân (BN) bị hiếm muộn đi khám muộn. Lý do vì “không có điều kiện”. “Ồ em nghe phải cần cả trăm triệu mới điều trị được”, là câu nói mà TS.Vũ Minh Ngọc và các bác sĩ khám tại khoa này thường nghe thấy. Các bệnh nhân thường cho rằng, IVF phải tốn khoảng 100 - 200 triệu, thậm chí có người nghĩ phải tốn đến 500 triệu đồng để làm IVF để có hiệu quả. Chính vì nghĩ như vậy nên người dân ngần ngại khi tiếp cận với phương pháp này. Đến với phương pháp này khi đã lớn tuổi, kinh tế ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả của IVF.

IVF là một phương pháp điều trị vô sinh khi bệnh nhân bị tắc vòi trứng 2 bên, vô sinh do nguyên nhân nam nặng, hoặc những trường hợp thất bại nhiều lần sau khi bơm tinh trùng, tổn thương vùng chậu hoặc bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Đây là biện pháp sau cùng, áp dụng khi tất cả những phương pháp khác không mang lại hiệu quả.

Điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao

TS. Ngọc cho biết, tổng chi phí điều trị bệnh hiếm muộn tại BV Từ Dũ từ 50 - 60 triệu, tùy từng BN. Trong đó, khoản chi phí cho môi trường nuôi cấy, vật tư tiêu hao, kim chọc hút trứng, nuôi cấy phôi, catheter chuyển phôi…là 20 triệu. Chi phí mua thuốc chích cho BN để tạo trứng thì không cố định. Bởi tùy thuộc đáp ứng của BN với thuốc tốt hay không mà BS sẽ dùng liều cao hay thấp. Đối với bệnh nhân trẻ, dự trữ buồng trứng còn dồi dào thì liều thuốc sẽ được hạ thấp, chi phí của người bệnh cũng được giảm xuống. Ngược lại, BN lớn tuổi, dự trữ buồng trứng kém, liều thuốc chắc chắn phải nâng lên để tạo được nhiều trứng, chi phí BN phải trả sẽ cao hơn.

Trong chu kỳ đầu tiên, tùy vào số lượng trứng thu thập được mà người bệnh có thể có nhiều phôi hay ít phôi. Chẳng hạn, một BN trẻ, dự trữ buồng trứng tốt, không có bệnh lý vùng chậu, thường số trứng thu được vào khoảng 12 - 15 trứng. Số phôi có thể có được 10 - 12 phôi từ số trứng nói trên. Trong chu kỳ chuyển phôi đầu tiên thông thường bác sĩ chuyển tối đa là 2 - 3 phôi. Còn lại 7 - 9 phôi sẽ được trữ đông dùng trong những lần chuyển phôi sau. Tại khoa Hiếm muộn, BV. Từ Dũ, một lần chuyển phôi trữ đông chỉ 2 triệu đồng.

Tại BV. Hùng Vương, chi phí để thực hiện IVF được chia thành 2 khoản, một khoản đóng cố định cho BV là 15 - 16 triệu. Ngoài khoản này, còn một khoản khác là tiền mua thuốc chích cho BN để tạo trứng. Chi phí này, cao hay thấp phụ thuộc vào việc đáp ứng thuốc của từng người bệnh. Tuy nhiên, theo ước tính của các bác sĩ BV. Hùng Vương, ước đoán khoản tiền thuốc phải tốn kém là vào khoảng 25 - 30 triệu. Như vậy, với tổng chi phí cho một chu kỳ thực hiện IVF là 40 - 45 triệu cho chu kỳ đầu tiên. Trong những chu kỳ chuyển phôi trữ đông sau đó, bệnh nhân lại tốn rất ít tiền, khoảng 5 - 6 triệu cho một chu kỳ chuyển phôi.

TS. Vũ Minh Ngọc cho biết, số lượng và chất lượng trứng, tỉ lệ thành công cao hay thấp còn tùy thuộc rất nhiều vào tuổi của người bệnh. Người ta thấy, IVF ở người dưới 35 tuổi thì tỉ lệ thành công cao hơn người trên 35 tuổi, số trứng được tạo thành nhiều hơn, số phôi tốt để chuyển cũng nhiều hơn. Vì vậy, nếu đã có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm thì các chị em nên thực hiện càng sớm hiệu quả mang lại càng cao. Bên cạnh đó, chất lượng tinh trùng của người chồng cũng tác động đến tỉ lệ thành công của việc TS. Ngọc cũng khuyến cáo, những người dưới 35 tuổi quan hệ bình thường trong vòng 1 năm, không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà không có con thì nên đi khám ngay. Với những người trên 35 tuổi, 6 tháng nên đi khám. Khi đi khám người bệnh nên đến những bệnh viện công như BV Từ Dũ để được khám và tư vấn với những thông tin chính xác về chi phí chữa trị và phương pháp chữa trị khoa học nhất. Tránh trường hợp lấy thông tin từ các BN khác, hoặc do quá trình trao đổi giữa các BN với nhau thông qua các trang mạng khác. Khi có dấu hiệu của hiếm muộn cần khi khám ngay, bởi chi phí cho một lần khám tổng quát về hiếm muộn bao gồm cả siêu âm chỉ 200 ngàn.

Nguyễn Huyền


Ý kiến của bạn