Điều trị hẹp eo động mạch chủ như thế nào?

13-12-2024 11:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hẹp eo động mạch chủ là một bệnh tim bẩm sinh. Đây là tình trạng động mạch chủ bị hẹp ở một vị trí làm hạn chế lưu lượng máu đến phần dưới của cơ thể. Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật hoặc thông tim mở rộng chỗ hẹp và giúp giảm triệu chứng.

1. Hẹp eo động mạch chủ là gì?

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, giúp vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến toàn cơ thể. Khi eo động mạch chủ bị hẹp, lượng máu giảm đi qua đoạn động mạch chủ bị thu hẹp, buộc tim phải co bóp nhiều hơn để đảm bảo đủ lượng máu cung cấp đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Nếu bệnh ở mức độ nặng sẽ gây quá tải áp lực trong động mạch phía trước chỗ hẹp, lâu dần sẽ dẫn đến phì đại thất trái, tăng huyết áp phần trên của cơ thể. Đồng thời, tình trạng này còn làm giảm tưới máu đến các cơ quan trong ổ bụng và các chi dưới.

Do buồng bơm chính của tim phải bơm mạnh hơn bình thường sẽ làm tăng áp lực lên tâm thất trái. Trường hợp hẹp nghiêm trọng, bệnh có thể gây sốc, suy tim, thậm chí là tử vong. Ngoài ra, hẹp eo động mạch chủ nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng:

Điều trị hẹp eo động mạch chủ như thế nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh hẹp eo động mạch chủ.

2. Biện pháp điều trị hẹp eo động mạch chủ

Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh lý này. Lựa chọn biện pháp điều trị phụ thuộc vào các yếu tố, bao gồm: Độ tuổi được chẩn đoán mắc bệnh, mức độ hẹp eo động mạch chủ, tình trạng sức khỏe cũng như bệnh lý khác đi kèm... Trường hợp có kèm theo các khuyết tật tim bẩm sinh khác, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp nhiều biện pháp điều trị cùng lúc.

Các phương pháp điều trị hẹp eo động mạch chủ bao gồm:

2.1 Điều trị nội khoa

Là phương pháp dùng thuốc điều trị triệu chứng nhằm bảo tồn bệnh nhân để chuẩn bị can thiệp. Khi bệnh nhân đủ sức khỏe sẽ thực hiện các phẫu thuật.

- Đối với trẻ sơ sinh, prostaglandine E1 (còn được gọi là alprostadil - là một loại prostaglandin tự nhiên được sử dụng như một loại thuốc, chỉ định điều trị suy tim mạn tính nghiêm trọng và tình trạng còn ống động mạch) giúp mở ống động mạch, cải thiện nhanh chóng triệu chứng lâm sàng.

Thuốc lợi tiểu, digoxin và thông khí nhân tạo được chỉ định khi thực sự cần thiết. Do tác dụng phụ, nên cần chú ý đến chức năng thận khi dùng các thuốc điều trị suy tim ở trẻ sơ sinh.

Thuốc điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh thường không có hiệu quả, do đó không nên chỉ định.

- Trường hợp bệnh ở trẻ sơ sinh ổn định, siêu âm tim mỗi 2-3 ngày, đồng thời đánh giá triệu chứng suy tim và giảm tưới máu chi dưới.

Nếu trong quá trình theo dõi, khi ống động mạch có xu hướng co thắt, bệnh nhân bắt đầu biểu hiện triệu chứng suy tim tăng lên, có chỉ định prostaglandin E1 để duy trì ống động mạch nhằm ngăn ngừa sốc tim xảy ra. Sau đó, bệnh nhân sẽ được ổn định nội khoa các bệnh lý khác để chuẩn bị cho can thiệp ngoại khoa tiếp theo, bao gồm:

+ Các chỉ định điều trị suy tim với thuốc cận mạch, lợi tiểu, oxy…

+ Điều trị các rối loạn đi kèm như suy hô hấp, rối loạn toan kiềm, thiếu máu, nhiễm trùng.

- Trường hợp hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh có triệu chứng nặng, cần thực hiện ngay các biện pháp hồi sức như truyền tĩnh mạch trung tâm, theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập; truyền prostaglandin E1; dopamine và thuốc lợi tiểu; đặt nội khí quản và thở máy.

Bệnh nhân nếu đã có suy thận cần thẩm phân máu trước khi phẫu thuật. Nếu đáp ứng với các biện pháp điều trị trên, tiến hành phẫu thuật sửa chữa hẹp động mạch chủ trong vòng 24 giờ. Trường hợp trẻ không đáp ứng đầy đủ điều trị và tiếp tục xuất hiện toan máu hoặc vô niệu hay cả hai, phẫu thuật nên thực hiện ngay không được chậm trễ.

Nếu trẻ không bị nguy kịch hoặc không có triệu chứng, nhưng có bóng tim lớn hoặc có tăng áp lực động mạch phổi nặng, thì cần có kế hoạch phẫu thuật sửa chữa sớm.

2.2 Điều trị thông tim can thiệp

Đây là phương pháp nong mạch bằng bóng qua da/đặt stent. Trong quá trình nong bóng, bác sĩ sẽ đưa một ống thông có gắn bóng ở đầu, đi từ động mạch đùi hoặc nách, cổ… di chuyển đến vị trí eo động mạch chủ bị hẹp. Bóng được bơm căng phồng giúp mở rộng đoạn động mạch chủ bị hẹp và đặt stent. Ống đỡ động mạch này được đưa vào sẽ giúp giữ cho động mạch được mở rộng lâu dài hơn. Phương pháp này được thực hiện ở trẻ lớn. Tuy nhiên khi trẻ lớn lên, cần tái can thiệp nong lại để stent nở rộng ra hơn.

Mặc dù phương pháp này đã được ghi nhận, tuy nhiên vẫn cần khảo sát thêm để xác định tính hiệu quả, độ an toàn cũng như tránh khả năng tái hẹp. Hạn chế của nong chỗ hẹp bằng bóng là tái hẹp sớm và có tới 60% trường hợp cần mổ lại.

Ngoài ra, phương pháp này còn hình thành giả phình (13%), tổn thương động mạch đùi liên quan đến kỹ thuật chọc động mạch.

2.3 Điều trị bằng phẫu thuật sửa chữa

- Loại bỏ đoạn hẹp eo: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp đoạn hẹp eo động mạch chủ ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, hoặc hẹp lan tỏa. Bác sĩ sẽ cắt bỏ đoạn hẹp eo và nối hai đầu còn lại của mạch máu với nhau.

- Phẫu thuật tạo hình động mạch chủ: Bác sĩ sẽ lấy mảnh ghép từ động mạch dưới đòn để mở rộng đoạn động mạch bị hẹp. Hoặc sử dụng miếng vá được làm bằng vật liệu tổng hợp để sửa chữa, tạo hình động mạch chủ. Phương pháp này hiện ít được sử dụng do biến chứng túi phình động mạch trong theo dõi lâu dài.

Việc can thiệp điều trị bằng phẫu thuật có thể giúp cải thiện các triệu chứng, đồng thời cũng giảm nguy cơ xuất hiện những biến chứng nguy hiểm. Hầu hết các triệu chứng sẽ thuyên giảm nhanh chóng, bệnh nhân dần thấy khỏe lại sau khoảng 1-2 tuần phẫu thuật.

Điều trị hẹp eo động mạch chủ như thế nào?- Ảnh 3.

Phẫu thuật cho bệnh nhân hẹp eo động mạch chủ...

3. Lưu ý khi điều trị hẹp eo động mạch chủ

- Điều trị hẹp eo động mạch chủ bằng bất kỳ phương pháp nào cũng vẫn có nguy cơ tái phát. Một số bệnh nhân vẫn bị tăng huyết áp, phải dùng thuốc kiểm soát huyết áp. Các nguy cơ khác như động mạch bị suy yếu, vỡ hoặc rách động mạch chủ, đột quỵ… vẫn không được loại bỏ hoàn toàn.

- Mặc dù việc phẫu thuật điều trị hẹp eo động mạch chủ đem lại hiệu quả cao, nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ gặp các biến chứng muộn như: Tái hẹp động mạch chủ, tăng huyết áp, phình hoặc vỡ động mạch chủ, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng…

Do đó, sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi sức khỏe suốt đời; ghi nhớ và đi khám bệnh định kỳ, đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra huyết áp, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tình trạng động mạch chủ sau khi điều trị; dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

- Cần thực hiện lối sống lành mạnh, sinh hoạt khoa học để nâng cao sức khỏe tim mạch.

- Chỉ nên vận động nhẹ, điều độ, lựa chọn các bài tập phù hợp, không tập các bài gắng sức.

- Phụ nữ đã được điều trị hẹp eo động mạch nếu muốn mang thai, cần thăm khám và trao đổi kỹ với bác sĩ.

- Tránh xa thuốc lá chủ động lẫn thụ động, rượu, bia, cocain...

Hẹp eo động mạch chủ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Nếu không được điều trị, đa số người trưởng thành mắc bệnh không sống sót qua 50 tuổi. Do đó, việc tầm soát bệnh tim bẩm sinh để điều trị hẹp eo động mạch chủ sớm sẽ giúp hạn chế được các biến chứng.

Mời độc giả xem thêm video:

Cứu sống bệnh nhân 86 tuổi phình động mạch chủ ngực phức tạp I SKĐS


BS.Minh Vũ
Ý kiến của bạn