Điều trị hen suyễn, người bệnh cần lưu ý gì?

30-06-2023 14:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hen suyễn là bệnh mạn tính, nếu không được điều trị có thể nhanh chóng chuyển biến khó lường. Vậy người bệnh hen suyễn cần lưu ý gì để kiểm soát cơn hen hiệu quả?

‏1. Các loại thuốc thường dùng điều trị hen suyễn

‏Theo ThS.BS. Võ Thị Kim Tương, Khoa Hô hấp - Dị ứng, Bệnh viện Hữu nghị, bệnh hen suyễn không thể điều trị triệt để. Khi cơn hen xuất hiện thường đi kèm với các triệu chứng như thở khò khè, thở nhanh, ho đờm trắng dính, đau tức ngực, nặng hơn có thể mặt nhợt nhạt, môi hoặc đầu chi xanh tím, co kéo các cơ hô hấp phụ ở vùng cổ và ngực…‏

Cơn hen suyễn có thể nhanh chóng chuyển biến nặng. Do đó, điều quan trọng là cần dùng thuốc dự phòng để ngăn ngừa khởi phát cơn hen cấp tính, đồng thời luôn mang thuốc xịt cấp cứu để đề phòng xuất hiện cơn hen cấp tính. ‏

‏Một số loại thuốc thường dùng điều trị hen suyễn bao gồm:

‏- Thuốc giãn phế quản: Có tác dụng giãn các cơ bị thắt chặt xung quanh khí phế quản, thường dùng dưới dạng ống hít hoặc máy phun sương. ‏

‏‏Thuốc giãn phế quản gồm thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài như ciclesonide, formoterol…; thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn có tác dụng nhanh trong vài phút để cắt ngay cơn khó thở như albuterol, levalbuterol…; thuốc kháng cholinergic tác dụng nhanh như ipratropium và tác dụng kéo dài như theophylin.‏/span>

‏- Ống hít kết hợp: Corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc chủ vận beta giúp điều trị hen suyễn kéo dài nhằm dự phòng hen phế quản.‏

‏- Corticoid dạng hít: Giúp kiểm soát hen dài hạn và hạn chế được tác dụng phụ so với đường uống khi sử dụng kéo dài. Một số thuốc thường dùng như budesonide, fluticasone… ‏

‏- Thuốc kháng leukotriene: Bao gồm montelukast, zafirlukast và zileuton giúp giảm triệu chứng hen suyễn trong vòng 24 giờ.‏

‏- Corticosteroid uống và tiêm tĩnh mạch: Bao gồm prednisone và methylprednisolone - làm giảm viêm đường thở do hen suyễn nặng. Những loại thuốc này sẽ dùng trong thời gian ngắn để hạn chế nguy cơ gặp tác dụng phụ.‏

‏- Thuốc sinh học: Thuốc sinh học như omalizumab có tác dụng điều trị bệnh hen suyễn do chất gây dị ứng. Người bệnh thường được chỉ định tiêm thuốc sinh học trong trường hợp hen nặng và không đáp ứng với các thuốc kiểm soát cơn hen thông thường.

ThS. BS. Võ Thị Kim Tương, Khoa Hô hấp - Dị ứng, Bệnh viện Hữu nghị thông tin về cách điều trị bệnh hen suyễn.

‏2. Sử dụng kéo dài các loại thuốc xịt hen suyễn, thuốc hít có ảnh hưởng gì không?‏

Người bệnh hen suyễn cần điều trị với thuốc xịt để kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ diễn tiến nặng. ‏‏Các thuốc xịt, hít trong điều trị hen suyễn thường là corticoid hít, thuốc giãn phế quản…

ThS.BS. Võ Thị Kim Tương cho biết, các loại thuốc xịt đưa thẳng vào đường hô hấp nên chỉ cần sử dụng với liều lượng nhỏ, không gây ra nhiều tác dụng phụ đến các cơ quan chức năng khác giống như thuốc uống, tiêm. ‏

‏Thuốc dạng xịt nếu súc họng kỹ, dùng đúng liều sẽ rất ít tác dụng phụ. Ngoài ra, các thuốc chữa hen suyễn bao gồm thuốc giãn phế quản có thể gây tăng nhịp tim cho một số trường hợp người bệnh.

Vì vậy, trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.‏

‏3. Người bệnh hen suyễn dùng thuốc thường xuyên có gây tình trạng kháng thuốc không?‏

‏‏Trong các thuốc điều trị hen, thuốc chủ vận bêta 2 hiệu quả nhanh gây ra hiện tượng giảm nhạy cảm (nhưng không phải là kháng thuốc) trong quá trình sử dụng, ngay cả khi dùng trong thời gian ngắn, hiệu quả cũng sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, chỉ cần người bệnh ngưng dùng thuốc trong thời gian ngắn hoặc sử dụng phối hợp thêm với thuốc corticoid, tính nhạy cảm của người bệnh đối với nhóm thuốc này sẽ được hồi phục - ThS.BS. Võ Thị Kim Tương cho hay.‏

‏‏Ngoài ra, các thuốc corticoid, đặc biệt là corticoid dạng hít không gây hiện tượng giảm nhạy cảm, hiệu quả cũng không kém đi.‏/span>

photo-1688007033465

‏Người bệnh hen suyễn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.‏

‏4. Lưu ý trong điều trị hen suyễn‏

‏Để điều trị hen suyễn hiệu quả, điều quan trọng là người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ của bác sĩ. Ngoài ra, cần tránh các yếu tố khởi phát cơn hen như phấn hoa, nấm mốc, bụi nhà, vật nuôi, hút thuốc lá… Đồng thời luôn mang theo người thuốc xịt cấp cứu bên người để đề phòng khởi phát cơn hen.‏

‏Trong sinh hoạt hàng ngày, cần duy trì chế độ ăn lành mạnh, tránh căng thẳng, bỏ hút thuốc, tập thể dục phù hợp. Bản thân luôn theo dõi tình trạng bệnh và tái khám định kỳ với bác sĩ.‏

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Sau Covid-19, Thế Giới Tiếp Tục Phải Đối Mặt Với Đại Dịch Nguy Hiểm Khác |SKĐS

Minh Tâm
Ý kiến của bạn